Sẽ quản lý nghề giúp việc nhà

Ngày 15-11, Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), Liên Hiệp Quốc, Quỹ hỗ trợ nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ đã tổ chức hội thảo tham vấn “Lao động giúp việc gia đình: nhận diện và định hướng chính sách”.

Sẽ quản lý nghề giúp việc nhà

Ngày 15-11, Bộ Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), Liên Hiệp Quốc, Quỹ hỗ trợ nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ đã tổ chức hội thảo tham vấn “Lao động giúp việc gia đình: nhận diện và định hướng chính sách”.

Từ hội thảo này, một dự thảo nghị định về quản lý lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) sẽ được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trình Chính phủ ban hành thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo băn khoăn với câu hỏi: quản lý như thế nào đối với loại hình lao động đặc thù này?

Lao động GVGĐ mang tính tự phát

Quản để bảo vệ người lao động

Ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), cho rằng cần sớm có nghị định về quản lý lao động GVGĐ để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người lao động và tạo điều kiện cho loại hình này phát triển. Đặc biệt cần có các điều khoản quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các trung tâm giới thiệu lao động việc làm đối với các vụ việc phức tạp xảy ra giữa gia đình và người giúp việc. Tuy nhiên, ông Vân cũng băn khoăn: “Dự thảo nghị định nếu không chặt chẽ dễ trở thành rào cản đối với người sử dụng lao động và ngược lại. Chính vì vậy, việc xây dựng một văn bản hợp lý nhằm bảo vệ an toàn cho người lao động giúp việc là hết sức quan trọng và là vấn đề bức thiết”.

“Nghề GVGĐ đã xuất hiện từ nhiều năm nay và ngày càng có xu hướng phát triển. Điều này bắt nguồn từ nhu cầu của xã hội, nhưng từ trước đến nay GVGĐ hầu hết là các mối quan hệ tự phát, mặc dù nó đã được coi là một nghề của thị trường lao động” – bà Nelien Haspels, chuyên viên cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhận định.

Theo bà Nelien Haspels, lao động GVGĐ (người dân quen gọi là nghề ôsin – PV) là một trong những phân khúc lớn nhất và ngày càng gia tăng nhưng không được bảo vệ của lực lượng lao động. Lực lượng này đang chiếm 4-10% tổng việc làm ở những nước đang phát triển và 1-2,5% ở những nước công nghiệp hoá.

“Lao động GVGĐ chưa được nhìn nhận là công việc thật sự, bị đánh giá thấp và ít được pháp luật điều chỉnh bởi nó nằm trong nhóm không tạo ra lợi nhuận cho hộ gia đình và bị loại trừ khỏi sự bảo vệ của pháp luật lao động, số liệu thống kê quốc gia” – bà Nelien Haspels nói.

Theo bà Trần Thị Hồng – đại diện Viện Gia đình và giới: Trên thực tế, lao động GVGĐ phần lớn là lao động phổ thông. Lao động GVGĐ chưa được coi là một nghề, một công việc trong xã hội nên việc đào tạo các kỹ năng cần thiết cho công việc này còn ít được chú ý.

“Phần lớn các trung tâm giới thiệu lao động chỉ làm công việc đơn thuần là tìm người và giới thiệu cho các gia đình, chứ ít kiêm việc đào tạo. Trong khi chúng ta có những cơ sở đào tạo nghề GVGĐ phục vụ thị trường xuất khẩu lao động thì việc đào tạo nghề cho người giúp việc trong nước lại bị bỏ ngỏ” – bà Hồng nói.

Bà Trần Thị Hồng cho rằng hiện tại phần lớn quan hệ giữa chủ và người GVGĐ hoàn toàn là quan hệ dân sự. Việc ký kết hợp đồng lao động với những điều khoản rõ ràng quy định quyền lợi và trách nhiệm của hai bên còn ít được chủ lao động và người lao động quan tâm. Thực trạng này cho thấy quan hệ pháp lý trong loại hình nghề nghiệp đặc thù này còn nhiều lỏng lẻo và làm nảy sinh nhiều vụ việc mất trật tự tại địa phương.

Quản lý thế nào?

Từ kinh nghiệm hoạt động ở các nước, bà Nelien Haspels cho rằng: “Tại Việt Nam, lao động GVGĐ đã rất phổ biến, nhất là ở những thành phố lớn cũng như người lao động đang làm công việc này tại nước ngoài… Vì vậy, việc xây dựng một văn bản hợp lý nhằm bảo vệ an toàn khi làm việc rất quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra được những giải pháp thiết thực để áp dụng vào thực tế”.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, nếu dự thảo nghị định về quản lý lao động GVGĐ được thông qua thì quan hệ giữa người GVGĐ và người sử dụng lao động sẽ trở thành quan hệ lao động và được pháp luật bảo vệ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, theo đại diện ban soạn thảo nghị định về quản lý lao động GVGĐ (Vụ Việc làm của Bộ LĐ-TB&XH), mục tiêu cao nhất khi xây dựng nghị định này là quản lý và bảo vệ lao động GVGĐ, đưa mối quan hệ giữa chủ – người giúp việc vào hành lang pháp lý của pháp luật lao động. Cụ thể, có bốn vấn đề cần phải đưa vào dự thảo nghị định: quy định “việc gia đình”, thời gian làm việc, tiền lương và hình thức quản lý.

Đối chiếu với các quy định hiện hành về pháp luật lao động với công việc cụ thể của người GVGĐ, đại diện ban soạn thảo cho rằng đang có sự chênh lệch rất lớn. Ví dụ thỏa thuận làm việc miệng (không ký văn bản hợp đồng) giữa người lao động và chủ sử dụng lao động để đưa vào thành quy định pháp lý sẽ rất khó quản lý.

Chưa kể trên thực tế có nhiều hình thức GVGĐ khác nhau: làm việc theo ngày, theo giờ, theo tuần, theo tháng…, quản lý các hình thức đa dạng này cũng tương đối khó.