Mạnh tay với hiện tượng mua gom, đầu cơ

Ngày 9-11, UBND TP.HCM đã họp triển khai công tác bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM từ nay đến Tết Tân Mão 2011, trọng tâm là công tác tăng nguồn cung ứng hàng hoá trên thị trường và thắt chặt kiểm tra, kiểm soát giá.

Mạnh tay với hiện tượng mua gom, đầu cơ

* Hà Nội: sẽ kiểm tra các điểm bình ổn giá

Ngày 9-11, UBND TP.HCM đã họp triển khai công tác bình ổn giá trên địa bàn TP.HCM từ nay đến Tết Tân Mão 2011, trọng tâm là công tác tăng nguồn cung ứng hàng hoá trên thị trường và thắt chặt kiểm tra, kiểm soát giá.

Về hiện tượng đổ xô mua đường trong vài ngày qua, bà Lê Ngọc Đào – Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM – khẳng định không có chuyện khan hiếm đường. Hiện nay nguồn đường bình ổn vẫn dồi dào nhưng do chênh lệch giữa giá bình ổn và giá thị trường đang khá cao từ 2.000-3.000 đồng/kg nên có hiện tượng mua gom tại các điểm bán bình ổn. Để ngăn chặn một số tiểu thương vào siêu thị thu gom đường, nhiều siêu thị buộc phải hạn chế lượng hàng bán ra đối với mỗi khách hàng không quá 2kg.

Đại diện Saigon Co.op cho biết hiện nay nguồn đường bình ổn vẫn dồi dào với giá bán ổn định 18.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày Co.op Mart bán ra thị trường khoảng 25 tấn đường. Ngoài lượng hàng này, trong kho của hệ thống luôn dự trự sẵn 2.000 tấn đường bình ổn sẵn sàng bung ra khi nhu cầu tăng cao.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN (VCSA), cho biết giá bán lẻ đường trong nước tăng thời gian qua là do giá mía nguyên liệu và giá đường thế giới tăng cao chứ không phải do khan hiếm đường. Theo VCSA, vụ mía đường năm 2010-2011 được mùa mía nên tổng sản lượng đường mà các nhà máy sản xuất ra trong vụ này đạt khoảng 1,2 triệu tấn. Như vậy, với nhu cầu của cả nước vào khoảng 1,4 triệu tấn thì vụ này VN chỉ thiếu khoảng 200.000 tấn đường. Lượng thiếu hụt này sẽ được bổ sung bằng nguồn nhập khẩu và lượng đường từ Thái Lan chuyển qua biên giới.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hoá bán ra thị trường theo giá cam kết. Sở Công thương cập nhật thường xuyên nguồn hàng cung cấp cho thành phố tại các tỉnh lân cận, không để xảy ra hiện tượng gom hàng, tăng giá vô lý.

Các đoàn thanh tra giá tăng cường kiểm tra giá cả, nhất là các hàng hoá, dịch vụ phục vụ tết. Sở Công thương phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với bảo vệ các siêu thị “điểm mặt” những người vào siêu thị mua gom, tăng cường kiểm tra giá, các điểm tăng giá ảo. Đồng thời sẽ mạnh tay xử lý các hiện tượng mua gom, đầu cơ.

* Chín nhóm mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn giá của Sở Công thương Hà Nội gồm gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thủy hải sản đông lạnh, dầu ăn, đường, rau củ đã có mặt đầy đủ chủng loại trên các sạp hàng của 388 điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn thủ đô.

Trao đổi với Uông Nguyễn Văn Đồng – Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội – cho biết hiện tại do có sự biến động về giá, đặc biệt là đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm nên ngành công thương đã giao cho lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra thị trường chung, trong đó chú trọng kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá. Đợt kiểm tra toàn diện này bắt đầu từ ngày 15-11, chủ yếu kiểm tra về nguồn hàng, chính sách giá.