KHỔ VỚI THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN Mới ban hành đã lạc hậu

Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm trước nên tiền lương thực tế của người lao động giảm sút nghiêm trọng…

KHỔ VỚI THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Mới ban hành đã lạc hậu

Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm trước nên tiền lương thực tế của người lao động giảm sút nghiêm trọng…

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 1,05% so với tháng 9 và tăng 9,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi giá cả hàng hoá tăng liên tục như vậy thì mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên khiến nhiều người làm công ăn lương lại càng chịu thêm gánh nặng.

Cái gì cũng tăng

Chợ Thạch Đà (phường 12, quận Gò Vấp – TPHCM) buổi chiều tối tấp nập hơn với hàng ngàn bóng áo xanh công nhân của các công ty gần đó đang vội vã chọn mua thức ăn cho bữa cơm chiều. Chị Nguyễn Thị Bé Tám, công nhân Công ty Huê Phong, đắn đo mãi, cuối cùng cũng mua một con cá điêu hồng chừng 400 g với giá 20.000 đồng (50.000 đồng/kg). Chị Tám cho biết trước đây, khi chưa có dịch heo tai xanh, một con cá như vậy chỉ khoảng 15.000 đồng đến 16.000 đồng. Giá các sản phẩm tiêu dùng khác cũng tăng cao. Khảo sát của chúng tôi cho thấy so với đầu năm, giá các loại gạo tăng thêm từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg; giá rau cũng tăng thêm vài ngàn đồng/kg; rồi dầu ăn, nước mắm, bột nêm, xà phòng, mì gói… đều tăng đến chóng mặt!

Không chỉ giá các mặt hàng sinh hoạt, giá nhà trọ cũng tăng mạnh. Chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên một cơ quan ở quận 1, cho biết căn phòng trọ rộng 15 m2 ở phường 25, quận Bình Thạnh – TPHCM mà chị đang thuê đã tăng thêm 500.000 đồng/tháng từ 2 tháng qua. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân – TPHCM, giá phòng trọ năm 2010 tăng 20% so với năm 2009.

Một chuyên gia về kinh tế cho biết nếu so sánh với giá đầu năm 2009, khi Luật Thuế Thu nhập cá nhân bắt đầu có hiệu lực thì giá cả đã tăng quá nhiều. Chuyên gia này đưa ra các số liệu như: giá gas đầu năm 2009 khoảng 180.000 đồng đến 190.000 đồng/bình 12 kg thì nay đã trên 300.000 đồng; giá xăng đầu năm 2009 là 11.000 đồng/lít nay đã gần 17.000 đồng. “Sang” hơn, nếu so sánh giá vàng và giá USD cho thấy thu nhập thực tế của người lao động đã tụt giảm nhiều. Cụ thể, giá vàng SJC đầu năm 2009 là 17,82 triệu đồng/lượng nay đã hơn 33,7 triệu đồng; còn giá USD đầu năm 2009 dao động trong khoảng 17.000 đồng đến 17.500 đồng/USD nay cũng đã gần 20.000 đồng/USD.

Phải sớm sửa luật

Ngay từ khi xây dựng dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân đã có nhiều ý kiến nhận xét mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng với cá nhân người có thu nhập và 1,6 triệu đồng với người phụ thuộc là quá thấp. Theo bà Dao Nhiễu Linh, Ban Công tác người Hoa TPHCM, chi phí ăn, mặc, ở thấp nhất của một người cũng 6 triệu đồng. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh nên từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. “Dân giàu nước mới mạnh, nếu lấy mức 4 triệu đồng thì luật chưa ban hành đã lạc hậu”- bà Linh nhận xét. Còn ông Huỳnh Thành Lập, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng chỉ phù hợp với nông thôn. Nhận xét của các vị đại biểu Quốc hội càng đúng hơn trong bối cảnh giá cả ngày càng leo thang, trung bình mỗi năm khoảng 9% đến 10%.

Một cán bộ CĐ còn phân tích thêm khi giá cả leo thang, Nhà nước tăng lương tối thiểu để bù trượt giá. Thế nhưng do mức tăng lương không đủ bù cho giá cả gia tăng nên dù lương danh nghĩa tăng, người lao động phải đóng thuế thu nhập nhưng lương thực tế đã bị giảm sút, đời sống đã khó càng khó hơn.

CPI tăng 8,75%

Theo số liệu công bố ngày 23-10 của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hoá chung, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,32%; lương thực tăng 1,89%; thực phẩm tăng 1,22%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,03%… Những mức tăng này góp phần đưa CPI 10 tháng đầu năm tăng 8,75%.

Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN:

Mức khởi điểm nên bằng 10 tháng lương tối thiểu

Thời gian qua, giá cả liên tục gia tăng. Tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống bình thường của người lao động nên việc quy định mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng đối với bản thân người đóng thuế và giảm trừ 1,6 triệu đồng đối với người phụ thuộc là chưa sát với cuộc sống. Nếu quy định một con số “cứng” như thế này, với tình hình trượt giá bình quân mỗi năm khoảng 9% thì không phù hợp mà nên quy định mức đóng theo lương tối thiểu. Theo tôi, quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng 10 tháng lương tối thiểu là phù hợp và sẽ đỡ phải sửa luật hơn.