Căng thẳng giá đường

Sản lượng đường thế giới thiếu hụt, các nhà máy đường trong nước cũng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong khi cao điểm sản xuất bánh kẹo cuối năm đang đến gần.

Căng thẳng giá đường

  Báo Thanh Niên, ngày 04/11/2010

Sản lượng đường thế giới thiếu hụt, các nhà máy đường trong nước cũng không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong khi cao điểm sản xuất bánh kẹo cuối năm đang đến gần. 

Đường ngoại không về

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến ngày 15.10, cả nước đã có thêm 10 nhà máy đường đi vào sản xuất (tổng số nhà máy là 40), lượng mía đưa vào ép là 301.000 tấn, cho ra 21.000 tấn đường, thấp hơn cùng kỳ năm trước 14.200 tấn. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đến nay là 25.700 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 13.700 tấn. Các nhà máy đường đang vào vụ ép mía, nhưng trái ngược với dự báo, giá đường không hạ mà vẫn ở mức cao. Hiện nay, đường tinh luyện (RE) bán buôn tại các nhà máy ở mức 18.500 – 18.800 đồng/kg, đường RS từ 17.300 – 17.800 đồng/kg. Như vậy, giá đường tăng 27% so cùng kỳ năm 2009 và tăng 3,2% so đầu năm.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước đang ngày càng tăng lên. Lượng đường các nhà máy bán ra trong khoảng một tháng nay là 75.300 tấn, cao hơn cùng kỳ các năm trước đến 28.800 tấn. Theo phân tích của một số nhà máy, do thời điểm cùng kỳ năm ngoái có lượng đường nhập khẩu bổ sung, còn hiện nay giá đường nhập khẩu cao hơn trong nước nên các doanh nghiệp chế biến thực phẩm dù đã được cấp quota nhập khẩu nhưng vẫn mua đường trong nước để sử dụng và tích trữ, dẫn đến giá đường tăng cao.

 

Vi phạm thoả thuận về thu mua

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty CASUCO, cho biết: “Mục tiêu của ngành mía đường là phấn đấu đạt sản lượng đường khoảng 1,1 triệu tấn. Để đạt được mục tiêu trên thì chúng tôi thoả thuận với nhau là không mua mía non để sản xuất. Đó cũng là cách để tập cho bà con nông dân quen với phương pháp sản xuất mới. Song cái khó ở chỗ là có một số nhà máy khác tiến hành mua tràn lan, mua tất cả các loại mía bất kể non hay chín”.

 

Theo thống kê, hiện có đến khoảng 30.000 tấn đường đã được mua nhưng vẫn nằm gửi trong kho các nhà máy. Các năm trước, khi giá đường trong nước tăng cao thì giải pháp nhập khẩu đường được tính đến như là một giải pháp để cân bằng. Tuy nhiên, đáng ngại là ngay cả thế giới hiện cũng đang thiếu hụt sản lượng đường do mất mùa tại Ấn Độ và Brazil. Từ tháng 8.2010 đến nay, giá đường Thái Lan là 800 – 850 USD/tấn. Nếu cộng thuế nhập khẩu 5% và các chi phí, giá thành về đến VN xấp xỉ 18.000 đồng/kg, cao hơn giá đường RS trong nước.

Giá đường tăng cũng kéo giá mía tăng theo. Chiều ngày 3.11, ông Nguyễn Thành Long, TGĐ Công ty CP mía đường Cần Thơ (CASUCO), cho biết: Đầu tuần này, giá mía nguyên liệu đã tăng thêm 50 đồng/kg. Giá thu mua tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp đối với mía có 9 chữ đường (CCS) là 1.050 đồng/kg. Nếu tăng một chữ đường giá sẽ tăng 100 đồng/kg, ngược lại giảm một chữ đường sẽ giảm 50 đồng/kg. Để tránh tình trạng nông dân bán mía non, các nhà máy chỉ thu mua giá 500 đồng/kg, đối với mía có chữ đường dưới 6 CCS.

Tranh mua mía

Trước tình hình thời tiết trong nước bất lợi, sản lượng đường giảm sút, tình hình tranh mua nguyên liệu đang diễn ra. Tổng diện tích mía toàn vùng ĐBSCL khoảng 48.000 ha, tương đương sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. Lượng nguyên liệu này vẫn còn thiếu khoảng 400.000 tấn so với công suất và kế hoạch ép mía của các nhà máy. Chính vì vậy, ngay từ đầu vụ, các nhà máy đã tổ chức hiệp thương và đi đến thống nhất nhằm tránh tình trạng tranh mua, tranh bán khi vào cao điểm. Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty CASUCO, các nhà máy trong Hiệp hội Mía đường VN đã thực hiện tốt cam kết về thu mua nguyên liệu. Dù vậy trên thực tế tại nhiều địa phương vẫn đang xảy ra tình trạng tranh mua mía nguyên liệu.

Theo ông Dương Văn Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện có gần một nửa diện tích – khoảng 4.000 ha mía – trên địa bàn huyện đã thu hoạch xong, đa phần người dân có hợp đồng bao tiêu với các nhà máy. Tuy nhiên, mỗi ngày vẫn có vài chục ghe của thương lái từ các tỉnh khác đến thu mua mía nguyên liệu với giá cao, khiến nông dân thấy lợi phá hợp đồng đã ký với nhà máy. Hiện phần lớn các nhà máy đường ở ĐBSCL chỉ hoạt động khoảng 70% công suất. Theo các nhà chuyên môn, chính sự chen ngang của nhà máy và những lò đường thủ công khi thu mua mía non đã gây thiệt hại cho ngành đường cũng như người nông dân. Với nguồn cung mía nguyên liệu hiện nay thấp hơn so với nhu cầu của các nhà máy thì việc giá mía sẽ giảm vào chính vụ là điều khó xảy ra. Từ đầu vụ đến nay, giá mía nguyên liệu liên tục tăng.

Quang Thuần – Chí Nhân