Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới: Làm chủ công nghệ chế biến đất hiếm

Với lợi thế về đất hiếm, VN cần đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn lộ trình khai thác hợp lý để sử dụng tốt nguồn tài nguyên này.

Đất hiếm Việt Nam đứng thứ ba thế giới

Làm chủ công nghệ chế biến đất hiếm

Báo Tuổi Trẻ, ngày 04/11/2010

Với lợi thế về đất hiếm, VN cần đẩy mạnh nghiên cứu, lựa chọn lộ trình khai thác hợp lý để sử dụng tốt nguồn tài nguyên này.

“Chúng ta đang bắt đầu nghiên cứu vi mạch, làm vật liệu chịu nhiệt đặc biệt… Nếu không tự chủ được nguồn nguyên liệu đất hiếm thì lúc ấy chính chúng ta gặp khó khăn”

Thứ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Nguyễn Quân nhận định như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung này ngày 3-11. Ông Quân cho biết:

– Với thông tin thị trường đất hiếm thế giới biến động về nguồn cung nên một số quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp khác, tôi cho đây là cơ hội cho đất hiếm VN và nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn ở nước ta.

* Vừa qua VN có hợp tác quốc tế về đất hiếm, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ đào lên bán quặng thô thì giá trị rất thấp, vậy quan điểm của riêng ông về vấn đề này như thế nào? Hiện nay có là thời cơ tốt cho việc thăm dò, khai thác cũng như hợp tác nghiên cứu, ứng dụng đất hiếm VN?

– Bất kỳ quốc gia nào đều muốn bán tài nguyên của mình với giá trị cao nhất, nhưng để làm được điều này cần có công nghệ chế biến hiện đại, đủ khả năng về vốn đầu tư. Theo tôi, nước ta đang thiếu công nghệ cao cho lĩnh vực này, còn vốn có thể cũng chưa đủ mạnh để đảm bảo đầu tư. Do vậy trước mắt có thể hợp tác để khai thác, chế biến quy mô nhỏ, không nên quá sốt ruột vì nếu sốt ruột thì chỉ có bán tài nguyên thô. Chúng ta phải luôn hướng đến mục tiêu tinh chế các nguồn tài nguyên chứ không phải xuất khẩu quặng thô.

Trong định hướng nghiên cứu của những chương trình khoa học công nghệ ưu tiên có định hướng tập trung vào các ngành công nghệ cao, trong đó có chương trình vật liệu mới và đất hiếm. Theo tôi, trước mắt VN cần hợp tác với các nước có công nghệ tiên tiến vì nếu “đóng cửa” sẽ không tiếp cận được công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, khi hợp tác với bất kỳ quốc gia nào về đất hiếm cần cân nhắc quy mô và ràng buộc điều kiện chuyển giao công nghệ. Chúng ta cần đặt mục tiêu làm sao trước năm 2020 VN làm chủ được công nghệ và bắt đầu có ngành công nghiệp đất hiếm gắn với các ứng dụng công nghệ cao như chế tạo vi mạch, làm vật liệu chịu nhiệt, pin mặt trời…

* Như ông vừa nói, VN cần chọn lộ trình khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên nói chung cũng như đất hiếm nói riêng?

– Việc khai thác tài nguyên với lộ trình nào, quy mô ra sao và chọn ai, công nghệ gì… tất cả đều phải hết sức cân nhắc. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những cơ hội tốt nhất thì mãi mãi chúng ta sẽ không có những ngành công nghiệp công nghệ cao quan trọng. Do vậy trước mắt cần có giải pháp dung hoà là tận dụng tối đa công nghệ, nguồn đầu tư của các nước phát triển để xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm VN. Có như thế dần dần mới làm chủ được công nghệ. Hiện nay, một số quốc gia chỉ mong muốn hợp tác để khai thác về mặt kinh tế chứ không mong muốn hợp tác trong vấn đề nghiên cứu cơ bản. Do đó, chúng ta phải tự vận động để nghiên cứu ứng dụng đất hiếm trong thực tiễn.

* Như vậy VN đang có nhiều bài học “thời sự” về khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường, kể cả chiến lược sử dụng tài nguyên, trong đó có đất hiếm?

– (…) Như nhiều loại hình khoáng sản khác, khi khai thác ngoài việc đảm bảo hiệu quả kinh tế cần đảm bảo môi trường. Khai thác, chế biến đất hiếm chắc chắn nguy cơ gây ô nhiễm lớn hơn nhiều so với các loại khoáng sản khác như than đá, dầu mỏ… vì chế biến đất hiếm phải sử dụng nhiều hoá chất ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, trong quặng đất hiếm có khoáng chất mang tính phóng xạ với cường độ cao hơn các loại khoáng sản khác. Do đó chúng ta phải xem xét, xử lý tốt cả ba vấn đề môi trường đặt ra gồm bảo vệ sức khoẻ công nhân khai thác mỏ, người dân trong khu vực mỏ và hoàn nguyên môi trường sau khai thác. Đặc biệt, đối với đất hiếm, việc khai thác, chế biến có hai nguy cơ ô nhiễm gồm ô nhiễm của hoá chất và ô nhiễm do chính đất hiếm gây ra vì chúng chứa phóng xạ. Do đó, phải đưa ra được các giải pháp toàn diện trước khi tiến hành khai thác đất hiếm, tinh chế để xuất khẩu và ứng dụng.

QUỐC THANH – MINH QUANG thực hiện

Không phải khai thác kiểu gì cũng có lãi

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nghiêm Vũ Khải trao đổi với Tuổi Trẻ về việc “đánh thức” tiềm năng đất hiếm của nước ta:

– Trong cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác để phát triển công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam. Về công nghệ, cơ bản phía Nhật sẽ là đầu mối để tham gia lập dự án về công nghệ chế biến lấy ra được đất hiếm. Bên cạnh đó, vì đây là dự án chung nên ta phải chủ động, tránh trường hợp họ nói thế nào ta cứ theo thế. Đây là sự hợp tác tầm cỡ quốc gia chứ không phải thuần túy làm ăn kinh tế giữa hai tổ chức kinh tế nào đó của Nhật Bản và Việt Nam, Nhà nước phải có sự chỉ đạo, định hướng.

Mặc dù đất hiếm là khoáng sản có giá trị nhưng trong khai thác, chế biến sẽ không đào bới nhiều như bôxit. Với điều kiện hình thành và nằm trong địa hình như đất hiếm, bao giờ đi kèm loại khoáng sản này cũng có những nguyên tố có thể gây hại cho môi trường, thậm chí còn nặng nề hơn nguyên tố đi kèm khai thác bôxit vì bôxit là nơi đã phong hoá rửa sạch, còn đất hiếm không phải là mỏ phong hoá. Mặc dù có một số mỏ lộ thiên, nhưng cơ bản là phải khai thác sâu.

Đất hiếm là một loại khoáng sản có giá trị rất cao, nhưng rất cao không hàm ý rằng khai thác kiểu gì cũng có lãi nên phải tính toán cụ thể. Quyết tâm chính trị của hai chính phủ là lớn, đây là điều bảo đảm. Phía Nhật Bản có nhu cầu và chúng ta cũng nhân dịp này khai thác tài nguyên khoáng sản một cách có hiệu quả.

VÕ VĂN THÀNH ghi