Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận: Vấn đề “nóng” nhìn từ hai phía

Nguy cơ ngấm xuống mạch nước ngầm Theo tôi, làm bauxite ở trên cao rất nguy hiểm, ngay cả khi mình có hệ thống để lót, để chống thấm, nhưng chính những người có trách nhiệm cũng không thể khẳng định nguy cơ thủng, ngấm xuống mạch nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước -ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk)

Đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận: Vấn đề “nóng” nhìn từ hai phía

  Báo Thanh Niên, ngày 03/11/2010

* Chủ tịch TP Hà Nội cũng chưa biết chính xác số tiền chi cho đại lễ

Tại phiên thảo luận chiều 2.11, kỳ họp thứ tám Quốc hội (QH) khoá XII về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2010 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011 vẫn nổi lên các ý kiến xung quanh sự cố Vinashin và các biện pháp tăng cường giám quản hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; vấn đề khai thác bauxite.

Đáng chú ý, một số đại biểu (ĐB) đề nghị việc nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ về vụ Vinashin.

Khẳng định trước nghị trường QH về những thành tựu rất đáng ghi nhận của đất nước trong năm 2010, ĐB Võ Trọng Việt (Sơn La) cho rằng: Xét về tổng thể, đất nước vẫn đạt được nhiều thành tựu toàn diện. Những khuyết điểm, sai lầm hoặc thậm chí là sai phạm nghiêm trọng cũng không thể phủ nhận được những thành quả to lớn đó.

 

“Dừng lại để bàn thêm dự án bauxite là điều không trái với lòng dân”

 

ĐBQH Dương Trung Quốc

Theo ĐB Việt nhìn nhận: Đất nước ta đã có được một môi trường thuận lợi cho quan hệ giao lưu và kinh tế phát triển, được thế giới đánh giá cao. Việt Nam cũng là một trong số ít nước mặc dù bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới nhưng vẫn đạt tăng trưởng cao, đây là điều rất đáng tự hào. Đặc biệt, trước mỗi thời điểm khó khăn, QH và Chính phủ luôn kề vai sát cánh, cùng chia sẻ, tạo nên sức mạnh lớn để đất nước phát triển ổn định mà việc cùng nỗ lực vượt qua suy giảm kinh tế là một minh chứng cụ thể, ĐB Việt nêu rõ.

Quan ngại và trấn an về vấn đề bauxite

Qua hơn một ngày thảo luận, mặc dù chưa có ĐBQH nào đề cập đến dự án bauxite, nhưng trước sự quan tâm của dư luận trước đó, chủ toạ điều hành phiên họp sáng nay – Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên – vẫn mời Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên giải trình trước QH.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định “dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất”. Theo Bộ trưởng, Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (do Tập đoàn than – khoáng sản lập và Bộ TN-MT chủ trì) – là “lớn nhất từ trước đến nay, gấp 3 lần các hội đồng thông thường, với 21 thành viên, gồm 18 nhà khoa học là giáo sư, tiến sĩ chủ yếu là viện trưởng, viện phó, giám đốc các trung tâm khoa học…”.

 
“Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã được thẩm định và phê duyệt với chất lượng cao nhất.”
 

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên 

Hội đồng này đã đi nghiên cứu tại 3 nước là Úc (có công nghệ khai thác bauxite hiện đại nhất), Brazil (có đặc điểm địa chất giống VN) và Trung Quốc (nơi sử dụng công nghệ khai thác và xử lý bauxite như ở Tây Nguyên) để lấy tiêu chí, chỉ tiêu của các khu vực, từ khai thác, chế biến, xử lý… mang về so sánh với tiêu chí thẩm định của VN.

Lãnh đạo ngành TN-MT cũng quả quyết về độ an toàn trong chất lượng vật liệu xây dựng hồ chứa bùn đỏ, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo bùn đỏ không thẩm thấu dọc xuống đất. Thiết kế hồ chứa đảm bảo chống động đất tới cấp 7 (Viện Vật lý địa cầu xác định động đất ở Tây Nguyên tối đa đến cấp 5), đảm bảo không có nguy cơ đứt gãy về địa chất ở khu vực xử lý bùn đỏ.

QH phải giám sát chặt chẽ

Tôi vẫn cho rằng QH cần giám sát về việc triển khai dự án này như thế nào, chứ không phải chỉ có một tổ giám sát của Bộ, bởi đây là vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, vận mệnh quốc gia – ĐB Nguyễn Danh (Gia Lai)

TKV phải giải trình cụ thể

Dù TKV khẳng định là không thể vỡ hồ chứa bùn đỏ, nhưng chuyện thấm, tràn, nhất là lượng mưa với tần suất lớn như ở miền Trung thì không nói trước được điều gì.

Ngoài ra, TKV cần phải giải trình cụ thể về giá thành bauxite, nếu tính đến tương quan với chi phí vận chuyển, chi phí cho môi trường và các tác động khác thì khó có lãi được. Nếu lãi thì tính toán chi phí thế nào, cụ thể bao nhiêu?… – ĐB Vũ Quang Hải  (Hưng Yên)

Nguy cơ ngấm xuống mạch nước ngầm

Theo tôi, làm bauxite ở trên cao rất nguy hiểm, ngay cả khi mình có hệ thống để lót, để chống thấm, nhưng chính những người có trách nhiệm cũng không thể khẳng định nguy cơ thủng, ngấm xuống mạch nước ngầm sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước -ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk)

Thành Lương (ghi)

Khi đề cập đến khả năng hồ chứa bùn đỏ vỡ thì giải pháp như thế nào, ông Nguyên cho biết đang yêu cầu TKV dành ra một diện tích khoảng 50 ha. Nếu như hồ cuối cùng vỡ thì toàn bộ 50 ha này phải chứa. “Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu TKV phải xem xét và nghiên cứu để ra được giải pháp an toàn nhất, tuyệt đối không để cho bùn đỏ đầy tràn”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết: “Đang chuẩn bị một đoàn đi Hungary để xem xét tất cả những vấn đề của Hungary. Sau khi đi Hungary về, với ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của dư luận nhân dân, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát lại báo cáo đánh giá tác động môi trường xem còn khâu nào còn hở và chưa chính xác, còn thiếu thì sẽ tiếp tục bổ sung”.

Tuy nhiên, ĐB Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại: “Người dân có cảm giác như vấn đề bauxite Tây Nguyên như chuyện “ván đã đóng thuyền”, bất chấp thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary diễn ra chỉ mới cách đây chưa đầy nửa tháng”.

Cũng theo ông Quốc, những gì Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đưa ra là những thông tin, giải pháp, dữ liệu cho những gì diễn ra trước đó 1 năm, đã cũ so với thực tế.

Nêu ra những sự kiện thời sự vừa xảy ra trong vòng 1 tháng trở lại đây, như thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary, cơn bão Megi có sức mạnh bất thường, vụ lũ lụt ở miền Trung (xuất hiện với tần suất thường xuyên và nghiêm trọng hơn), ĐB Quốc khẳng định đó là những cơ sở thuyết phục để chúng ta phải xem xét lại dự án khai thác bauxite. Cũng theo ĐB Quốc, ông lo lắng tới vấn đề hiệu quả kinh tế trong khai thác và tiêu thụ bauxite; sự thiếu đồng bộ giữa dự án khai thác và điều kiện hạ tầng để vận chuyển; việc lựa chọn công nghệ và địa điểm chế biến tối ưu; rủi ro về sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài; đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng ở một không gian chiến lược như Tây Nguyên…

“Vinashin chỉ liên quan tới thất thoát tiền bạc, còn dự án bauxite có liên quan tới vận mệnh quốc gia”, ĐB Quốc nhấn mạnh.

Nhìn nhận bài học Vinashin như thế nào?

Vực dậy để lấy lại niềm tin

Tiếp mạch thời sự Vinashin được xới lên từ phiên thảo luận kinh tế – xã hội ngày đầu tiên, ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) bày tỏ: “Trong báo cáo sáng qua, đồng chí Tổng thanh tra chính phủ có nói: Nguyên nhân này, khuyết điểm này một phần do trách nhiệm của Chính phủ nhưng phần lỗi khác do cơ chế và hệ thống. Theo tôi, cơ chế này do chính chúng ta đặt ra vậy thì chúng ta phải sửa. Nếu không sửa thì sẽ tiếp tục có thêm những Vinashin mới mà chúng ta đã từng cảnh báo trong những lần giám sát của QH”.

Đề cập đến vụ việc Vinashin, ĐB Võ Trọng Việt (Sơn La) thẳng thắn đề nghị QH, Chính phủ, trong tiến trình giải quyết cần thận trọng và “đừng vì nó mà làm rối rắm tình hình”. Theo ĐB Việt, vấn đề này, Đảng đã có những thái độ kiên quyết, nghiêm túc. Bộ Chính trị đã có kết luận, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã làm. Chính phủ cũng đã có quyết sách tái cơ cấu để vực dậy Vinashin tiếp tục trả nợ, khôi phục và phát triển.

Không đồng ý với cái nhìn từ vụ việc Vinashin mà làm giảm vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ĐB Việt chia sẻ, vụ việc tại Vinashin là bài học đắt giá của đất nước nhưng phải nhìn nhận từ hai phía rằng, cũng có những tập đoàn, tổng công ty kinh doanh tốt, hiệu quả, như Tập đoàn dầu khí Việt Nam với mức thu ngân sách 30% cho đất nước… Ông bày tỏ: “Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Chính phủ, chúng ta sẽ vừa vực dậy được Vinashin đồng thời lấy lại được niềm tin của nhân dân”.

 

“Có ý kiến cho rằng hiện nay Vinashin vay nợ tới 86 nghìn tỉ đồng và toàn bộ nguồn vốn này đã mất. Theo số liệu của HĐQT Vinashin báo cáo Ban chỉ đạo tái cơ cấu, thì đến thời điểm 30.6.2010, số nợ của Vinashin 86.031 tỉ, nhưng mà tài sản trên sổ sách hiện nay của Vinashin 103.774 tỉ. Như vậy tiền vay này nó đang nằm trong các tài sản, các dự án, cũng có thể có dự án thì hiệu quả và có dự án chưa hiệu quả. Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán đánh giá lại các giá trị của tài sản này” – Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

 

ĐB Trần Bá Thiều (Hải Phòng) chia sẻ, Vinashin là bài học vô cùng quý báu để chúng ta tiếp tục phát triển các mô hình kinh tế. Ông cho rằng: “Nhiều ĐBQH vẫn chưa hình dung hết được về Vinashin”.

Không đồng tình với ý kiến cho rằng Vinashin là u ám và thất vọng, ĐB Thiều cung cấp thông tin: Cơ quan điều tra đã làm việc nghiêm túc và những cá nhân sai phạm đang được xử lý nghiêm minh. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương vẫn đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm liên quan. Trong tháng 11, Vinashin sẽ xuất xưởng con tàu 53 ngàn tấn.

ĐB Thiều kiến nghị QH yêu cầu lãnh đạo tập đoàn Vinashin báo cáo trước nghị trường QH và truyền hình trực tiếp để nhân dân và các ĐB hiểu đúng hơn về tình hình của tập đoàn. Ông cũng đề nghị các cơ quan truyền thông cần hết sức công tâm để tránh tạo dư luận sai lệch và tâm lý bi quan trong xã hội. “Những điểm tốt thì nói rất ít, mở báo ra là đâm chém, là bắt bớ mới là ăn khách. Tình trạng hiện nay, xu hướng là như thế. Ngay trong QH này phát biểu cứ phải băm vằm thì mới là ăn khách. Liệu có nên như thế không?”, ông Thiều nhận xét.

Tăng cường giám quản các tập đoàn và tổng công ty nhà nước

Cũng trong buổi thảo luận chiều nay, nhiều ý kiến của các ĐBQH phát biểu xoay quanh nội dung cải cách doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) đề nghị cần tập trung cải cách, quan tâm đặc biệt, tránh triệt để tình trạng tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước coi tài sản của nhà nước là của trời cho, chi tiêu sử dụng thoải mái mà không cần tính toán hiệu quả. Ông Trừng ví: “Giống như bà nội trợ tiêu tiền người khác, đi chợ mua lung tung, kể cả những món hàng không dùng đến. Tương tự câu chuyện mua tàu Hoa Sen ở Vinashin”. ĐB Trừng cũng kiến nghị Chính phủ phải tập trung giải quyết vấn để quản trị doanh nghiệp tại các tập đoàn, tổng công ty; kiên quyết đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh chung, bởi đây là biện pháp hiệu quả nhất đề cải thiện tình hình kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Đồng tình với quan điểm cho rằng cần tăng cường thiết chế giám sát đối với doanh nghiệp, ĐB Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hoà) kiến nghị cần có cơ quan đầu mối quản lý giám sát vốn của nhà nước tại các tập đoàn kinh tế và tổng công ty.

Trong phần giải trình của các bộ trưởng, song hành với thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc giải thích về nội dung giám sát đầu tư và thực hiện chế độ báo cáo đầu tư của địa phương với các bộ, ngành cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật đầu tư. Theo Bộ trưởng, hằng năm Bộ đều yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế nhà nước báo cáo về nội dung này một cách cụ thể như thực hiện đầu tư và công tác bố trí vốn cụ thể cho từng dự án, công trình, từ đó có nhận xét, đánh giá. Qua công tác giám sát cho thấy khối các địa phương, bộ ngành báo cáo khá tốt nhưng khối doanh nghiệp nhà nước thực hiện không đầy đủ. Điều này chính là do lỗ hổng của luật pháp, ông Phúc cho biết.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng nói, hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nghiên cứu để xác lập lại vai trò của chủ sở hữu, cơ quan quản lý đại diện chủ sở hữu, lập lại trật tự đầu tư trong doanh nghiệp nhà nước…

Liên quan đến đề nghị thành lập uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm về Vinashin, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên khi kết luận nội dung 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội cho rằng: về vụ việc Vinashin, cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố vụ án, việc thành lập hay không thành lập ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm hiện vẫn đang còn ý kiến khác nhau, vì vậy phải được xem xét kỹ. Uỷ ban TVQH xin báo cáo QH vào phiên họp khác tại kỳ họp này.

Thành Lương – Nguyệt Minh  

Đang thanh quyết toán tiền chi cho đại lễ

Bên hành lang kỳ họp QH hôm qua 2.11, trả lời PV Thanh Niên về việc có hay không chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội lên tới 94.000 tỉ đồng như ĐBQH chất vấn Bộ Tài chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết: “Không có cơ sở hay căn cứ gì cả. Các hoạt động của đại lễ 1.000 năm gồm rất nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng ở Hà Nội mà còn nhiều bộ ngành, địa phương tham gia. Chính phủ và Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị, cơ quan tiến hành thanh quyết toán. Bộ Tài chính và Sở Tài chính Hà Nội là các cơ quan tổng kết xem chi phí trực tiếp tổ chức đại lễ như thế nào. UBND TP Hà Nội sẽ phải báo cáo vấn đề này với HĐND, Chính phủ phải báo cáo với QH. Chúng tôi đang tổng hợp”.

Trước hàng loạt câu hỏi của báo giới đặt ra về một số công trình, hạng mục đầu tư cho dịp đại lễ còn lãng phí, ông Nguyễn Thế Thảo cho rằng những công trình xây dựng dịp đại lễ 1.000 năm là để lại cho mai sau, không thể tính là chi phí cho đại lễ. “Cái này không thể nói là lãng phí. Còn hệ thống đèn chiếu sáng trang trí là phục vụ cho đô thị. Mục tiêu của mọi đô thị là xanh sạch đẹp, riêng Hà Nội còn là sáng, xanh, sạch đẹp.

Một đô thị như thế mới thể hiện được văn minh”, ông Thảo nhấn mạnh.

Khi báo giới đề cập đến một số hạng mục, công trình vừa đưa vào sử dụng dịp đại lễ đã xuống cấp, như Công viên Hoà Bình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết các công trình đều thực hiện có quy trình, được các cấp nghiệm thu. “Có thể nói Công viên Hoà Bình là cố gắng rất lớn của TP trong thời gian qua, là công trình văn hoá mang ý nghĩa chính trị và lịch sử. Có thể trong quá trình thi công và quản lý có một số điểm thiếu sót, chưa hoàn thiện, tuy nhiên chưa có khẳng định nào là công viên bị xuống cấp”, Chủ tịch TP Hà Nội nói.

Bảo Cầm

Cần lưu ý các vấn đề có liên quan đến nợ công

Xem xét đề xuất của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về các đối tượng kiểm toán năm 2011, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của QH đề nghị bổ sung vào kế hoạch kiểm toán những địa phương có nội dung chi lớn đặc thù của năm 2010 như chi cho hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn, tổ chức các hoạt động lễ hội…

Theo dự kiến, năm 2011 KTNN sẽ tập trung kiểm toán tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 2 đơn vị so với kế hoạch năm 2010. Ngoài kiểm toán các địa phương, kiểm toán cũng sẽ tập trung vào một số chương trình mục tiêu quốc gia, một số các tập đoàn, tổng công ty và một số đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan Đảng…

Về mục tiêu và phương hướng kiểm toán, Uỷ ban TCNS cho rằng bên cạnh việc thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN, đánh giá tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính, “cần thiết nghiên cứu bổ sung và mở rộng dần hình thức kiểm toán hoạt động, đi sâu vào phân tích, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả về quản lý, sử dụng NSNN, tiền và tài sản nhà nước”; tăng cường kiểm toán việc chấp hành, thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các cơ quan đơn vị được kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị của KTNN được chấp hành nghiêm theo quy định pháp luật.

Uỷ ban TCNS đề nghị: thông qua kế hoạch kiểm toán năm 2011, cần lưu ý các vấn đề có liên quan đến nợ công, nợ chính phủ, tình hình huy động vốn, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, việc chỉ đạo, quản lý, điều hành, hoạt động tại Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại nhà nước; làm rõ các vấn đề về tổ chức và hoạt động, việc tuân thủ các quy định về tăng vốn, về huy động, phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay và chất lượng tín dụng, tỷ giá, quản lý ngoại tệ, ngoại hối…; quan hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong việc tác động đến hoạt động của nền kinh tế nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Về đối tượng kiểm toán, nhiều ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng nên xem xét có thể tăng thêm một số bộ, ngành đơn vị sử dụng nhiều vốn ODA để đánh giá một cách tổng thể về hiệu quả sử dụng nguồn vốn này ở một số bộ. Đặc biệt, “cần kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hoá DNNN tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”.

Thành Lương – Nguyệt Minh