Xóm gầm cầu

Xóm nhỏ nằm khuất biệt dưới gầm cầu Củi, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ban ngày phụ nữ đi quét đường, đàn ông đi giúp việc cắt tỉa cây ở các khu nhà cao tầng, còn những đứa trẻ lấy gầm cầu làm sân chơi.

Xóm gầm cầu

Báo Tuổi Trẻ ngày 03/11/2010

Xóm nhỏ nằm khuất biệt dưới gầm cầu Củi, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đoạn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ban ngày phụ nữ đi quét đường, đàn ông đi giúp việc cắt tỉa cây ở các khu nhà cao tầng, còn những đứa trẻ lấy gầm cầu làm sân chơi.

Sau giờ làm, họ đi lượm củi nấu bếp và đánh cá dưới sông kiếm bữa ăn, cách biệt hoàn toàn với cuộc sống văn minh, hiện đại của TP.HCM.

Buổi trưa. Khi mặt trời rọi thẳng đứng qua khe cầu thì thấp thoáng bóng nhiều người vác máy cắt cỏ, chổi, xẻng lục tục đi xuống gầm cầu. Mấy đứa nhóc mặt mũi lấm lem đất cát ngừng chơi, chạy ùa ra đón bố mẹ về.

Ông Tân, người nhiều tuổi nhất trong xóm, kể: “Chúng tôi đều là những người dưới quê lên đây mần ăn, vì hoàn cảnh nên công ty xin cho về đây ở. Nhờ vậy mà người dân trong xóm tui mới sống được với đồng lương ít ỏi ở chốn Sài Gòn đắt đỏ này”.

Tám hộ gia đình với hơn 20 con người xúm xít dưới mấy căn phòng nhỏ bé mà công ty thi công cây cầu để lại. Với họ, cây cầu là chốn nương tựa, sinh nhai.

Người trong xóm đều là dân miền Tây Nam bộ: bà Hạnh, ông Tân quê ở Đồng Tháp, anh Lít quê ở Hậu Giang, anh Danh Tài người Sóc Trăng; gia đình anh Tánh ở An Giang… Ngày ngày, những ông chồng đi tỉa cây xanh, còn các bà vợ quét đường trên tuyến đường hai bên cầu. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn gắn họ với nhau.

Những căn phòng nhỏ được ngăn hai, ngăn ba để sống theo hộ gia đình. “Chúng tôi chung nhau cái gầm cầu, cái cửa và chung cả niềm vui nỗi buồn” – anh Lít, một cư dân gầm cầu, nói.

Những mái tóc vàng hoe khét nắng, nước da sạm đen, gương mặt lấm lem là đặc điểm chung của những đứa trẻ xóm này. Hai anh em Khang (13 tuổi) và Nhí (11 tuổi) không được đi học. Khang nói ngây thơ: “Từ nhỏ em đã không đi học. Đi học tốn nhiều tiền, giờ dành tiền để tết về quê nữa chứ…”. Còn Nhí líu lo: “Dưới quê em ở với bà nội, em mới học hết lớp 3 thôi. Ở quê vui hơn ở đây nhiều. Dưới quê em có nhiều bạn lắm như Khương, Khải, Mé, Cà Na… Từ lúc lên đây em sống với bố mẹ, và không đi học nữa”.

Niềm vui sách vở của Nhí giờ chỉ là cuốn vở được cắt đôi mà ngày ngày Nhí vẽ vào đó ngôi nhà, bông hoa… Đó là những ước mơ không thể nói thành lời của cô bé. Ngày ngày Khang và Nhí đầu trần, chân đất quanh quẩn chơi đùa ở bãi đất rộng dưới gầm cầu.

Hai chị em My may mắn hơn, My, 12 tuổi, đang học phổ cập lớp 3, còn em gái 8 tuổi đang học lớp 1. Bà Diễm, mẹ hai em, thậm chí còn chẳng biết tên trường con học. “Tôi đâu biết chữ nên đâu biết chúng học sao đâu. Suốt ngày đi làm đến trưa và tối đón chúng về. Cuộc sống tụi tui chỉ gói gọn quanh cây cầu này, chưa từng một lần la cà đến các khu phố nhộn nhịp”.

Trên cây cầu rộng lớn những đoàn xe vẫn chạy ầm ầm tiến về phố xá tấp nập. Dưới gầm cầu, Nhí, Khang và những đứa trẻ xóm Củi vẫn chơi đuổi bắt bên rạch sông. Giữa Sài Gòn sôi động, cuộc sống của các cư dân xóm Củi vẫn từng ngày trôi qua nhẹ như dòng chảy dưới chân cầu…

ĐÌNH DÂN – VŨ THỦY