Vụ bắt giữ hơn 500 xe “đi bão”: “Quái xế” đọc bản kiểm điểm qua loa

Đêm 5-11 tại UBND hai phường 2 và 15, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã tổ chức kiểm điểm 40 “quái xế” trong vụ bắt giữ hơn 500 xe “đi bão” đêm 23 và rạng sáng 24-10 (Tuổi Trẻ đã đưa tin). Trước đó đêm 4-11, 50 “quái xế” khác cũng đã ra kiểm điểm trước dân.

Vụ bắt giữ hơn 500 xe “đi bão”:

“Quái xế” đọc bản kiểm điểm qua loa

Đêm 5-11 tại UBND hai phường 2 và 15, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã tổ chức kiểm điểm 40 “quái xế” trong vụ bắt giữ hơn 500 xe “đi bão” đêm 23 và rạng sáng 24-10 (Tuổi Trẻ đã đưa tin). Trước đó đêm 4-11, 50 “quái xế” khác cũng đã ra kiểm điểm trước dân.

 
Các hành vi tụ tập, cổ vũ đua xe, chạy xe dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng đã được cơ quan công an xác định rõ để đưa các thanh niên trên ra kiểm điểm. Thế nhưng nhiều “quái xế” vẫn chưa thừa nhận hành vi sai trái của mình, chỉ đọc bản kiểm điểm qua loa lấy lệ. Người dân tham dự kiến nghị cần có biện pháp xử lý nghiêm hơn tạo hiệu quả răn đe và tổ chức thêm các buổi kiểm điểm để giáo dục cho thanh niên địa phương.

Điệp khúc “vô tình…”

Tại UBND P.15, ngoài 18 thanh niên thuộc các phường 15, 17, 21 tham gia vụ hơn 500 xe “đi bão”, các thanh niên địa phương có “nguy cơ” đua xe, từng bị xử lý vi phạm giao thông liên quan đến đua xe cũng được mời đến tham dự buổi kiểm điểm.

Bảy “điển hình” đua xe lần lượt lên đọc bản kiểm điểm đều cho biết chỉ vô tình chạy ngang qua gặp đoàn đua, tấp vào lề hoặc chạy theo cổ vũ đoàn đua thì bị cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra giấy tờ, lập biên bản vi phạm giao thông chứ không thừa nhận tham gia đua xe. “Tôi tấp vào lề xem thì bị bắt” – Lê Nguyễn Ngọc Trai (sinh năm 1991) phân trần.

Các trường hợp khác như Thành, Tuấn, Huy, Lộc… chỉ thừa nhận mình “vô tình gặp nạn”. Hai nữ “quái xế” Anh Thi và Cẩm Tú chưa đến tuổi thành niên cũng cho rằng mình đang ngồi uống nước hoặc thấy đua xe nên tấp vào lề xem thì bị bắt.

18 trường hợp thanh thiếu niên vi phạm giao thông liên quan đến đua xe trái phép bị đưa ra kiểm điểm tại UBND P.15 nhưng chỉ có hai phụ huynh đứng lên nhận trách nhiệm về hành vi sai trái của con em mình. Có phụ huynh khi được gọi tên thì bảo “nhức đầu”, còn số khác im lặng hoặc cho rằng con em mình bị bắt oan.

Điều này khiến nhiều người dân tham dự đặt câu hỏi về sự buông lỏng quản lý từ gia đình, bao che cho con cái để dẫn đến việc các em lêu lổng thành ra đua xe.

Mỗi “quái xế” một câu chuyện

Xin hứa rồi xin xe

Mặc dù buổi kiểm điểm được tổ chức khá nghiêm túc, đông đảo đại diện chính quyền của sáu phường, công an địa phương, cảnh sát giao thông, phụ huynh nhưng thái độ kiểm điểm của nhiều em vẫn thiếu nghiêm túc. Phần lớn đọc bản tự kiểm điểm theo điệp khúc “xin hứa” rồi “xin xe”. Thậm chí Lưu Nhật Tùng (19 tuổi) bước vào buổi kiểm điểm khá trễ với mái tóc vàng hoe, hai nút áo trên không cài. Khi bước lên bục kiểm điểm, vì không có giấy nên Tùng giật đại bản tự kiểm điểm của bạn ngồi cạnh nhưng không thành, người chủ trì buổi họp phải đưa cho em một bản.

Tại trụ sở UBND phường 2, hơn 20 gương mặt còn non choẹt (lứa tuổi từ 15-24), trong số đó có ba nữ. Đáng chú ý là trường hợp của Huỳnh Trọng Tài, sinh năm 1996 – trẻ tuổi nhất trong buổi kiểm điểm. Tài cho biết bố mẹ đã ly dị nên em về sống với chú ruột, đêm hôm đó đám bạn trong xóm rủ rê nên Tài đi nhậu, ùa vào đoàn cổ vũ đua xe trái phép và bị bắt giam giữ xe lúc 3g.

Tài kể: “Em bỏ học lâu rồi, nhiều khi chán nản nên thích tụ tập đi chơi. Không mấy khi thấy cảnh đông vui như thế nên em ùa vào tham gia chứ không đua”.

Trong số ba em nữ bị kiểm điểm, Nguyễn Thị Như Ý (sinh năm 1993) bước vào hội trường uỷ ban rồi lại bước ra vì xấu hổ. Mẹ của em – bà Nguyễn Thị Xuân (53 tuổi), mái tóc đã bạc gần hết – run run chiếc nón lá trên tay vì ướt mưa. Bà cho hay: “Đây là lần thứ hai tôi đến nhận kiểm điểm của Ý về việc tụ tập cổ vũ đua xe trái pháp luật. Tôi buồn khổ lắm nhưng cũng tự trách mình chưa giáo dục con đến nơi đến chốn, làm khổ xã hội”.

Như Ý phải làm kiểm điểm vì “tụ tập cổ vũ đua xe trái pháp luật, chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, không mang chứng minh nhân dân, giấy bảo hiểm xe”. Em thú thật: “Lần trước em vi phạm lúc còn đi học. Sở dĩ em tham gia là vì em thích cảm giác mạnh trong đua xe…”.

Nhiều đối tượng bị kiểm điểm hôm nay đều chưa đủ tuổi điều khiển xe gắn máy nên tên chủ xe đều khác. Các em bị cảnh sát giao thông bắt từ lúc nửa đêm về sáng, phần lớn vào lúc 4g. Nhiều câu hỏi được đặt ra trong hội trường dành cho phụ huynh có con tham gia và bị bắt là: “Con cái họ đi đâu vào giờ đó? Trách nhiệm giáo dục của gia đình ở đâu?”.

Ông Hoàng Văn Tám, bố của em Hoàng Thiên Long (18 tuổi), cho hay: “Nhà có hai bố con, tui thì bệnh lao phổi nặng. Đêm đó Long đi làm về, đang ở nhà thấy đông đảo người tụ tập nên lấy xe chạy ra ùa vào đám đông. Tôi không bao che, xin xỏ, mong công an xử lý nghiêm minh”.

Phụ huynh nữ “quái xế” Anh Thi lắc đầu ngao ngán cho hay mình đã không cho con mang xe ra đường nhưng không được. Anh Võ Thái dẫn con trai vi phạm đến buổi kiểm điểm cho hay việc kiểm điểm này là cần thiết để giáo dục con mình cũng như nhiều thanh niên khác. Nhiều phụ huynh khác đồng tình với cách làm trên vì không thể quản nổi con em mình chạy xe ra ngoài tụ tập đua xe.

“Có con bị kiểm điểm tôi rất đau lòng nhưng xin cảm ơn việc xử lý của cơ quan công an và những đóng góp giáo dục của mọi người” – phụ huynh của “quái xế” Lê Văn Tĩnh bày tỏ.

Kiểm điểm cho qua chuyện

Tham dự buổi kiểm điểm tại P.15, ông Nguyễn Văn Nhung, phó đội cảnh sát giao thông – trật tự – phản ứng nhanh Q.Bình Thạnh, cho biết khi thực hiện vây bắt đoàn đua xe hơn 500 chiếc, lực lượng công an quận thật sự làm không xuể và phải nhờ tiếp ứng từ Công an TP.

“Chuyện đua xe lâu nay khiến người dân vô cùng bức xúc. Hành động chạy xe nhong nhong ngoài đường của các em đã lỗi thời lắm rồi. Đã sai thì sớm sửa, nếu không thì không kịp” – ông Nhung nhắn nhủ các “quái xế”. Ông Nhung đánh giá việc đọc kiểm điểm qua loa vài câu của các thanh thiếu niên này không nghiêm túc.

“Các em chỉ nhận mình cổ vũ chứ không tham gia đua xe, nhưng thật ra việc cổ vũ kích động là tội ác, là nguyên nhân để đoàn đua xe chạy bạt mạng trên đường, các em phải thấy được trách nhiệm đó” – ông Đinh Xuân Được, một người dân, góp ý.

“Việc đua xe khiến ai cũng khiếp sợ không dám ra đường, nhưng khi vi phạm các em lại kiểm điểm không nghiêm túc. Tôi nghĩ cần đưa về tổ dân phố để kiểm điểm nữa, nghiêm túc hơn để người dân trong khu vực biết, vì nhiều người cứ nghĩ con em mình chỉ lấy xe ra ngoài đi chơi đêm, khi bị bắt phạt mới biết chúng tụ tập đua xe” – ông Lê Văn Miên, chủ tịch Hội Người cao tuổi P.17, kiến nghị.