Độc quyền lịch bloc kiểu nửa mùa

Cách đây năm ngày, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích những bất cập của thị trường lịch bloc năm nay. Về vấn đề này, từ đầu mùa lịch báo Tuổi Trẻ ngày 24-5 đã có bài phản ánh về khả năng “Trở lại độc quyền lịch bloc”.

Độc quyền lịch bloc kiểu nửa mùa

Báo Tuổi Trẻ, ngày 03/11/2010

Cách đây năm ngày, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích những bất cập của thị trường lịch bloc năm nay. Về vấn đề này, từ đầu mùa lịch báo Tuổi Trẻ ngày 24-5 đã có bài phản ánh về khả năng “Trở lại độc quyền lịch bloc”.

 
Sau một thời gian “quyết liệt trở lại” của các nhóm lịch bloc, đến nay thị trường lịch năm 2011 tồn tại hai hệ thống: ngoài nhóm (có tư nhân liên kết với nhà xuất bản – NXB) và trong nhóm (chỉ các NXB liên kết với nhau) với sự điều tiết kém đang dẫn đến dấu hiệu mất cân đối giữa các loại lịch đại, tiểu, trung…

Trong, ngoài đều nhắm vào lịch lớn

Đúng như dự đoán của giới kinh doanh lịch khi nghe tin các nhóm lịch “quay trở lại” theo kiểu độc quyền: mẫu mã đẹp luôn là lợi thế của tư nhân chứ không phải của các nhóm. Cho đến nay, ghi nhận từ Công ty Phát hành sách TP.HCM, lịch bloc của giới tư nhân liên kết sản xuất với các NXB ngoài nhóm đang hút hàng nhờ mẫu mã đẹp.

Trong khi đó, giới phát hành phía Nam cũng ghi nhận ngay từ đầu mùa lịch, cả những NXB trong nhóm lẫn các công ty tư nhân liên kết với các NXB ngoài nhóm đều tập trung in các loại lịch đại, siêu đại, cực đại… vì đây là những mặt hàng bán giá cao, lợi nhuận nhiều.

Một lợi thế của tư nhân khi phát hành lịch bloc bên cạnh mẫu mã đẹp là mức chiết khấu cao và linh hoạt hơn của các nhóm.

Hiện các nhóm chỉ phát hành qua một kênh là Tổng công ty Sách VN (Savina) với mức chiết khấu khoảng 32%, trong khi tư nhân chiết khấu 35%, lịch đẹp hơn và một số trường hợp tư nhân có thể tự cắt bớt lãi, chiết khấu cao hơn để cạnh tranh.

“Cho đến nay thị trường đang thiếu lịch tiểu và lịch trung pơluya” – bà Phạm Thị Hoá, Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty Fahasa, cho biết.

Đây là một hệ lụy của việc chạy theo lợi nhuận của các đơn vị làm lịch cả trong và ngoài nhóm, mặc dù từ đầu mùa Hội Xuất bản đã có thông báo số 16 hướng dẫn cụ thể: mỗi NXB (trong nhóm) phải sản xuất 135.000 bloc tiểu và bloc trung pơluya. Trong khi công văn này cũng quy định mỗi NXB chỉ được in 10.000 bloc lịch siêu đại và cực đại.

“Quy định như thế nhưng liệu hội có cách nào bảo đảm việc in đúng số lượng chủng loại của các nhóm không?” – giám đốc một đơn vị phát hành tư nhân đặt vấn đề.

Ghi nhận từ thị trường TP.HCM là năm nay có nhiều mẫu lịch kiểu 52 tuần, khổ lớn. “Các loại lịch này do tư nhân thực hiện, năm nay xuất hiện nhiều hơn các năm trước, mẫu mã đa dạng và hiện đang hút hàng” – bà Hoá ghi nhận.

“Có biểu hiện tùy tiện”

Nhìn dưới góc độ cạnh tranh, ông Phạm Minh Thuận – tổng giám đốc Fahasa – nhận định hiện nay các NXB trong nhóm còn tồn hàng, chủ yếu là các loại lịch đại, cực đại, siêu đại do vừa qua cạnh tranh không lại với tư nhân.

Điều này đang dẫn đến một thực trạng bất bình đẳng: các công ty tư nhân và NXB ngoài nhóm sau khi bán hết hàng, nhận thấy thị trường còn nhu cầu đã đề nghị Cục Xuất bản duyệt kế hoạch in bổ sung nhưng cục không duyệt.

Phản ứng mới nhất với tình hình này là công văn số 1446 ngày 29-10 của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM gửi Bộ Thông tin và truyền thông, nêu trường hợp Công ty Minh Việt Long đã có kế hoạch sản xuất 2,5 triệu bloc lịch theo phương thức liên kết với một số NXB, nhưng vì mỗi NXB chỉ được cấp phép 270.000 bloc theo quy định nên đến nay Minh Việt Long vẫn chưa liên kết được với NXB nào, kể cả ý định in lịch tiểu và trung pơluya để bổ sung cho thị trường đang thiếu cũng chưa thực hiện được.

Cũng trong công văn trên, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM cho biết trong khi các NXB khác đều được thông báo phải sản xuất 270.000 bloc, thì vừa rồi Cục Xuất bản đã xác nhận kế hoạch xuất bản lịch bloc của NXB Đại Học Sư Phạm TP.HCM với số lượng lên đến 990.000 bloc.

Việc bất bình thường trong “phân biệt đối xử” giữa các NXB như vậy được Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phân tích: “Trong thực tế, cục trưởng Cục Xuất bản đồng thời cũng là người đứng đầu Hội Xuất bản.

Ý chí của người đứng đầu hai tổ chức này đã được thể hiện nhất quán trong hai văn bản của Cục Xuất bản và Hội Xuất bản mang nội dung ép buộc, cản trở quyền tự quyết định của mỗi NXB là thành viên của Hội Xuất bản và các NXB không tham gia chủ trương chung của hội”.

Trên tinh thần đó, công văn của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nhấn mạnh việc Cục Xuất bản xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản lịch bloc năm 2011 cho các NXB theo số lượng định mức (do Hội Xuất bản đưa ra) là “không đúng pháp luật và có biểu hiện tùy tiện”.

Nói cách khác, một khi Hội Xuất bản tham gia kinh doanh với các NXB trong nhóm, đồng thời Cục Xuất bản lại có quyền không cho phép các NXB ngoài nhóm in bổ sung lịch thì ông cục trưởng Cục Xuất bản khó tránh được cái điều “tình ngay lý gian” trong trường hợp này, vì chính ông cũng là chủ tịch Hội Xuất bản. “Điều này cũng là một biểu hiện của độc quyền nhưng chỉ nửa mùa” – một tư nhân trong giới làm lịch nhận xét.

LAM ĐIỀN