33 thợ mỏ Chile được giải cứu: Chiến thắng của ý chí, lòng tin và khoa học

Sáng 14-10 (giờ VN), đất nước Chile và cả thế giới đã vỡ oà trong hạnh phúc khi toàn bộ 33 thợ mỏ Chile đã được giải cứu từ “địa ngục” sâu 700m dưới lòng đất. Cuộc giải cứu thần kỳ của khoang Phượng Hoàng được đánh giá là một chiến tích vĩ đại của ý chí con người và sức mạnh khoa học.

33 thợ mỏ Chile được giải cứu: Chiến thắng của ý chí, lòng tin và khoa học

Báo Tuổi Trẻ, ngày 15/10/2010

* Sống thế nào dưới “hầm mộ”

* Cẩm nang đặc biệt cho 33 thợ mỏ

* Quà tặng, bản quyền cho thợ mỏ

* Người cứu hộ cuối cùng lên mặt đất

Sáng 14-10 (giờ VN), đất nước Chile và cả thế giới đã vỡ oà trong hạnh phúc khi toàn bộ 33 thợ mỏ Chile đã được giải cứu từ “địa ngục” sâu 700m dưới lòng đất. Cuộc giải cứu thần kỳ của khoang Phượng Hoàng được đánh giá là một chiến tích vĩ đại của ý chí con người và sức mạnh khoa học.

 

Lúc 10g38 ngày 14-10, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã ra lệnh đóng nắp hố giải cứu ở mỏ vàng San Jose sau khi chiến dịch giải cứu hoàn thành mỹ mãn ngoài sự mong đợi, chỉ mất khoảng 22 giờ thay vì 36-48 giờ như dự kiến. Tổng thống Pinera khẳng định: “Các thợ mỏ đã trở ra mạnh mẽ hơn và họ dạy chúng ta một bài học lớn.

Hôm nay, Chile đã trở nên đoàn kết, mạnh mẽ hơn bao giờ hết và nhận được sự tôn trọng của cả thế giới”. Theo ông Pinera, chính sự đoàn kết, niềm tin và sự quyết tâm của người Chile trong 69 ngày qua đã khiến “đất nước tự hào”.

Giới chuyên gia cứu hộ và truyền thông quốc tế đánh giá cuộc giải cứu là “thần kỳ”, “một chiến thắng vĩ đại của công nghệ”, hay “màn trình diễn kỹ thuật”. Nhiều tờ báo nước ngoài đánh giá cuộc giải cứu các thợ mỏ Chile là một nỗ lực mang tính toàn cầu. Công ty Zephyr Technologies ở Maryland (Mỹ) là nhà cung cấp hệ thống theo dõi những thay đổi trong cơ thể các thợ mỏ khi họ được đưa lên trên mặt đất.

Chuyên gia Brian Russell, người phát minh ra hệ thống này và là giám đốc điều hành Zephyr Technologies, là một công dân New Zealand. “Tôi tự hào được đóng góp một phần vào nỗ lực giải cứu các thợ mỏ” – ông Russell khẳng định. Ngoài ra, hệ thống video đặt trong hầm mỏ do Nhật sản xuất, trong khi phía Đức cung cấp dây cáp kéo lồng Phượng Hoàng.

HIẾU TRUNG

 

Sống thế nào dưới “hầm mộ”?

33 thợ mỏ Chile đã tồn tại ở độ sâu 700m trong lòng đất suốt 69 ngày. Ăn uống ra sao? Trong vòng 17 ngày đầu mất tích sau tai nạn (ngày 5-8), để vượt qua cái đói, họ đã chia khẩu phần thức ăn dự trữ chỉ đủ trong hai ngày. Cứ mỗi 48 giờ, mỗi người ăn hai thìa cá ngừ, nửa miếng bánh và uống nửa ly sữa.

Đến ngày thứ 19 (23-8), họ thật sự đối diện với cái đói và cái chết. Khi tìm thấy các thợ mỏ còn sống, các bác sĩ đã thực hiện việc thử nước tiểu để kiểm tra sức khoẻ và họ phát hiện hệ tiêu hoá và insulin của nhiều thợ mỏ gần như ngừng trệ, mô cơ bắp bắt đầu bị phá huỷ do đói và do ngủ trên đá nóng. Các bác sĩ yêu cầu họ tăng gấp đôi lượng nước uống mỗi ngày và gửi xuống protein lỏng, vitamin cùng các loại thuốc. Lượng calorie của các thợ mỏ dần trở lại mức bình thường.

Vệ sinh ra sao? Phòng trú ẩn nối với một đường hầm dài 800m. Tại đường hầm này, các thợ mỏ đã đào hố làm phòng vệ sinh. Họ tắm giặt nhờ một “thác nước” nhỏ chảy từ trên xuống. Khi liên lạc được với thế giới trên mặt đất, họ đã xin dầu gội đầu và dao cạo râu. Mỗi ngày, mỗi thợ mỏ chạy bộ vài kilômet. Quần áo sạch, bàn chải, kem xức da… cũng được đưa xuống. Các thợ mỏ thậm chí còn có việc để làm là gia cố các bức tường và dọn đá, bụi từ lỗ khoan cứu hộ trên mặt đất đổ xuống.

Không khí từ trên mặt đất được bơm xuống “hầm mộ” cho họ thở. Khác với các mỏ than chứa đầy khí mêtan độc hại, mỏ San Jose là một mỏ vàng nên có không khí ẩm, nóng, nhưng chỉ chứa 20% oxy. Để thợ mỏ không phải sống trong bóng tối, đèn huỳnh quang nhỏ được đưa xuống và nhờ hệ thống điện 500W dưới hầm mỏ, điện được bật sáng vào ban ngày, còn ban đêm thì tắt để giúp cơ thể vẫn thích ứng với nhịp sinh học trên mặt đất.

Giải trí ra sao? Các bác sĩ từ Cơ quan Hàng không – vũ trụ Mỹ (NASA) và hải quân Chile, với kinh nghiệm sống trong tàu ngầm, đã tư vấn cho các thợ mỏ về những cách xử lý áp lực tinh thần khi phải sống trong một không gian chật hẹp. Chuyên gia tâm lý Alberto Iturra trò chuyện với các thợ mỏ hằng ngày.

Để giúp thợ mỏ giải trí, người ta đã gửi xuống máy nghe nhạc, đĩa phim, Kinh thánh, súc sắc… Trong những tuần gần ngày giải cứu, các chuyên gia tâm lý còn gửi báo xuống cho họ đọc. Một số thợ mỏ rất mê bóng đá và qua một màn hình nhỏ họ được theo dõi một số trận đấu, trong đó có trận Chile gặp Ukraine.

SƠN HÀ

Ước nguyện của những đứa con

“Khi cha tôi được cứu, tôi nhớ đến mẹ mình, người đã mất cách đây tám năm. Tôi muốn bà có mặt trong giây phút này. Cả gia đình, cũng như nhiều gia đình khác, đã cắm trại nhiều ngày bên ngoài khu vực giải cứu để chờ đợi. Trải nghiệm này đã khiến gia đình tôi đoàn kết với nhau hơn. Giờ đây, chúng tôi trân trọng những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, như những lời động viên của hàng xóm và bạn bè”.

Lời kể của Marcela, Ximena, Omar, ba người con của thợ mỏ Omar Reygadas. Reygadas, 56 tuổi và đã có bốn cháu cố, từng sống sót trong nhiều vụ sụp hầm khác, đã hét lên “đừng thêm lần nào nữa!” khi được giải cứu.

Những kế hoạch hạnh phúc

“Khi anh rời khỏi đây, anh muốn bắt đầu cuộc sống với em, các con cháu. Anh yêu em rất nhiều và không thể sống thiếu em. Hôn em. Mario”.

Đây là những lời trích trong thư tình gửi cho vợ mình của thợ mỏ Mario Gómez, người đã viết thông điệp đầu tiên gửi lên mặt đất thông báo 33 thợ mỏ vẫn còn sống. Người đàn ông 63 tuổi này lần đầu tiên đã viết những lời lẽ ngọt ngào cho vợ mình là bà Lilianet, 51 tuổi, và hứa sẽ tổ chức cho vợ một lễ cưới mà họ chưa thể thực hiện sau bao năm chung sống. Bóng tối của hầm mỏ dường như khiến thợ mỏ nhận ra mình cũng có một tình yêu lớn trong cuộc đời.

T.P.