Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10: “Doanh nhân vượt qua cuộc thử lửa”

Doanh nghiệp VN đã cố gắng đứng vững trong suy giảm, tích cực chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nhưng nếu có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn, sẽ còn đóng góp ấn tượng hơn nữa. Đó là chia sẻ của bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nhân Ngày doanh nhân VN 13- 10. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lan nói:

 

Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10
Doanh nhân vượt qua cuộc thử lửa
Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/10/2010
Doanh nghiệp VN đã cố gắng đứng vững trong suy giảm, tích cực chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nhưng nếu có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn, sẽ còn đóng góp ấn tượng hơn nữa. Đó là chia sẻ của bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, nhân Ngày doanh nhân VN 13- 10. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lan nói:
 
– Nếu như thập niên những năm 1990, khi Luật công ty ra đời, VN có khoảng 40.000 doanh nghiệp, thì trong thập kỷ đổi mới thứ hai, với Luật doanh nghiệp, nay chúng ta đã có gần 500.000.
Cứ tính mỗi doanh nghiệp có 2-3 doanh nhân thật sự sống chết với nghề kinh doanh, bỏ tiền sở hữu, điều hành doanh nghiệp, chúng ta đang có khoảng 1,5 triệu doanh nhân. Lực lượng như vậy là tương đối lớn, đóng góp của đội ngũ này cũng ngày càng lớn. Tuy nhiên, chuyển biến từ vai trò chính trị, nhận thức về đội ngũ doanh nhân, theo tôi, mới bắt đầu được khoảng năm năm trở lại đây, sau khi Luật doanh nghiệp 1999 thực hiện được năm năm.
* Vậy theo bà, vấn đề mấu chốt nên hỗ trợ doanh nghiệp sắp tới là gì?
– Để chiếm lĩnh thị trường thế giới cũng như VN, doanh nghiệp cần chất lượng, giá cả. Mà mấu chốt ở đó phải là công nghệ. Chúng ta tuyên bố ưu tiên phát triển công nghệ, nhưng Bộ Khoa học – công nghệ có năm trả lại đến cả trăm tỉ đồng vì không tiêu hết. Danh sách rất dài của Bộ Khoa học – công nghệ cũng không thực tế. Theo tôi, nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, làm có trọng điểm, tập trung vào những cái thị trường cần.
“Cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt thời gian qua đã làm được một số việc, đánh động được hệ thống phân phối, tâm thức xã hội, ý thức các cơ quan nhà nước… Điều sắp tới phải làm là cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp VN”
Bà Phạm Chi Lan
Chiếm lĩnh thị trường Việt
* Thưa bà, nói một cách chung nhất, theo bà, những đóng góp và sự trưởng thành của doanh nhân VN trước và sau khi có Ngày doanh nhân thế nào?
– 13-10 được chọn làm Ngày doanh nhân VN chứ không phải Ngày doanh nghiệp như đề xuất của một số người, đã chứng tỏ xã hội công nhận doanh nhân là một tầng lớp. So với các nước khác, lực lượng này còn nhỏ bé. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện VN mới có khoảng 6 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Trong khi đó, mức trung bình ở các nước có thu nhập thấp là 19 trên 1.000 dân, các nước thu nhập trung bình là 29 doanh nghiệp trên 1.000 dân.
Hơn 1 triệu việc làm được tạo ra một năm mà chủ yếu là khu vực tư – chỉ con số này đã đủ nói lên những đóng góp không thể phủ nhận của doanh nhân mới. Về chất lượng, theo tôi, doanh nhân VN vừa qua cuộc thử lửa khốc liệt. Qua khó khăn khủng hoảng thế giới, suy giảm kinh tế trong nước nhưng số lượng doanh nghiệp VN phá sản rất ít, tỉ lệ công nhân mất việc làm cũng không nhiều so với các nước khác nên ngay Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá doanh nghiệp VN đã khá năng động.
Họ nêu xuất khẩu rất khó khăn nhưng doanh nghiệp VN đã tìm sang từng thị trường cũ và mới để đẩy mạnh bán hàng. Khó khăn suy giảm chúng ta vượt qua, ngoài vai trò chính sách, nếu đội ngũ doanh nhân không làm tốt, làm sao VN vẫn có tăng trưởng dương? Đây là đóng góp và cũng có thể nói là sự trưởng thành của doanh nghiệp VN.
* Bà có nói xuất khẩu giảm nhưng doanh nghiệp VN phá sản rất ít, phải chăng các doanh nghiệp đã xúc tiến thị trường nội địa thành công?
– Phải nói trong cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhiều doanh nghiệp đã có cách xúc tiến thị trường nội địa rất tâm huyết, tương đối hiệu quả. Lẽ dĩ nhiên, chính sách của chúng ta mới quan tâm đến phần ngọn, là vận động dùng hàng Việt, rồi phát triển kênh phân phối.
Phần gốc là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghệ, vượt lên nhờ sức cạnh tranh giá thành, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… chúng ta chưa làm được bao nhiêu nên doanh nghiệp làm được như những gì chúng ta thấy.
Đến nay nhìn trong cơ cấu thị trường nội địa, doanh nghiệp nước ngoài mới chiếm lĩnh được 18% thị trường, còn lại 82% là của doanh nghiệp VN. Điều đó chứng minh một phần chất lượng, khả năng cạnh tranh, cố gắng của doanh nghiệp Việt. Nghĩa là doanh nghiệp VN vẫn đang chiếm lĩnh thị trường VN. Tất nhiên có nhiều ngành hàng, hàng ngoại áp đảo thị phần.
* Khu vực tư nhân đang được ưu đãi ít nhất nhưng những cố gắng của họ thời gian qua đóng góp vào nền kinh tế lại thấy rõ nhất?
– Các khu vực đều có cố gắng riêng của mình. Tuy nhiên, tôi thấy khu vực tư nhân luôn phải cố gắng rất lớn. Đã có nhiều câu chuyện như khi thuế VN hạ theo lộ trình AFTA, WTO, nhiều nhà sản xuất nước ngoài đã nhanh chóng đóng cửa các nhà máy lắp ráp để nhập khẩu luôn vào VN bán. Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt như Vinaxuki, Trường Hải… đầu tư cả chục triệu USD vào công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài bước đầu sản xuất mặt hàng xe tải, xe hơi giá cả phù hợp với thị trường Việt. Hay gốm sứ Minh Long đang xuất khẩu tốt, khủng hoảng thế giới nhưng xuất khẩu của họ giảm không bao nhiêu.
Vẫn còn “lực bất tòng tâm”
* Ngoài những thuận lợi, theo bà, còn những điều gì đang cản trở doanh nghiệp và doanh nhân VN?
– Qua tiếp xúc, điều tôi cảm nhận chung là nhiều doanh nhân VN vẫn đang trong cảnh “lực bất tòng tâm”. Rất nhiều người nhìn ra vấn đề, lĩnh vực kinh doanh hiệu quả nhưng không có vốn, khó trong cơ chế, nên đành thôi. Nguồn lực của VN chưa nhiều, chúng ta đang tập trung cao cho doanh nghiệp lớn. Theo tôi, cần tỉnh táo xem lại cái chúng ta đang tập trung đầu tư có phải lĩnh vực hiệu quả, cạnh tranh được của VN hay không. Nếu không thì phải dành nguồn lực cho khu vực, lĩnh vực khác.
Đang có nhiều nguồn lực, do cơ chế của chúng ta, đang tập trung vào bất động sản, chứng khoán… chứ không đầu tư vào sản xuất. Phản ứng vĩ mô không theo kịp phát triển thị trường. Một số nhà đầu tư có thể tiếp cận đất đai với giá rẻ, nếu bán được thì lợi nhuận quá lớn, nên họ sẵn sàng bỏ sản xuất để đầu tư đất đai. Lỗi là ở chính sách, cho họ cái siêu lợi nhuận. Doanh nhân thì do giá đất, giá nhà tăng từng năm nên thường xuyên phải thay đổi địa điểm, chi phí lớn.
* Hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển kinh doanh cũng như xúc tiến thị trường nội địa, theo bà, đã đủ chưa?
– Chính sách hỗ trợ ta thấy xuất hiện trên văn bản nhiều nhưng thực tế thi hành thế nào lại là chuyện khác. Như 15 giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2006-2010 mà Chính phủ đặt ra, thực tế theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, chỉ 12 giải pháp được thực hiện. Bản thân các giải pháp được thực hiện thì chất lượng cũng có vấn đề. Như việc lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện 63 tỉnh thành, chỉ có chín tỉnh thành làm và thực tế chỉ ba quỹ hoạt động. Có quá nhiều chính sách hỗ trợ, theo tôi, có thể tạo một rừng văn bản, không thể làm được, vấn đề tới đây là phải tập trung vào thực hiện. Đã đưa ra cái gì thì làm đến nơi đến chốn.
Doanh nghiệp tư nhân cần được xem là trụ cột
Ngày 12-10, tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư cùng UNDP đã tổ chức hội thảo về Báo cáo rà soát một số chính sách ảnh hưởng tới khu vực tư nhân. Theo báo cáo này, số lượng doanh nghiệp thành lập mới kể từ sau giai đoạn Luật doanh nghiệp 1999 đi vào cuộc sống đã gấp 8,5 lần tổng số doanh nghiệp được thành lập trong 10 năm (1991-1999).
Theo báo cáo, doanh thu trên tổng tài sản của khu vực tư nhân cao hơn các khu vực nhà nước và FDI, hiệu quả đầu tư (ICOR) cũng cao hơn song lợi nhuận trên tổng tài sản lại thấp hơn. Theo một số chuyên gia tham gia hội thảo, lợi nhuận của khu vực tư nhân thấp do khu vực tư khó tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai. Khu vực tư nhân cũng khó tiếp cận các dự án mua sắm công.  Bất ổn vĩ mô cũng là lý do quan trọng khiến doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận thấp vì những biến động tỉ giá, lạm phát…
Báo cáo kiến nghị doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, cần được coi là trụ cột của nền kinh tế và cần có sự cân bằng về quan điểm trong việc khuyến khích đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài.
C.V.KÌNH
CẦM VĂN KÌNH
 
 
* Ông Cao Tiến Vị (chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn):
Muốn thành công phải xem trọng người tiêu dùng
Tôi nghĩ một doanh nghiệp thành công phải gắn với trách nhiệm xã hội. Và trách nhiệm đó không chỉ làm từ thiện, giúp cộng đồng mà còn phải nghĩ đến đời sống với cán bộ nhân viên chính công ty, ý thức về môi trường cho sản phẩm, trách nhiệm đến sự an toàn cho người tiêu dùng với sản phẩm làm ra.
Ngoài ra, sản phẩm làm ra phải biết hướng đến lợi ích của người tiêu dùng, thông qua việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp đi kèm với hệ thống phân phối rộng và dịch vụ hậu mãi thật tốt. Đó chính là mục tiêu mà chính bản thân doanh nghiệp phải tự chinh phục để tồn tại một cách bền vững.
Tất nhiên, để làm được việc này đòi hỏi những doanh nghiệp phải tư duy nhiều về tầm nhìn chiến lược cho 5-10 năm tới một cách nghiêm túc cho đơn vị mình, cho ngành nghề mình hoạt động.
* Bà Nguyễn Thị Điền (giám đốc Công ty may An Phước):
Sẽ có thêm nhiều doanh nhân Việt giỏi
Trải qua nhiều “biến cố”, tôi nghiệm thấy rằng tầng lớp doanh nhân Việt thật sự có rất nhiều nghị lực, vượt qua nhiều khó khăn, điều đó được thấy rõ nhất là giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua. Rất nhiều doanh nghiệp mà tôi biết đã chứng minh được khả năng vượt khó của mình ngay tại thị trường nội địa thông qua những hệ thống phân phối mở mới, những sản phẩm được làm ra ngày càng được trau chuốt hơn.
Chỉ cần họ được tiếp sức thêm những chính sách phù hợp, được tiếp cận hệ thống cung cấp thông tin công khai minh bạch khi cần, được tham gia, bàn thảo góp ý các chính sách có liên quan trong môi trường mình hoạt động… thì với nội lực sẵn có của doanh nghiệp Việt, tôi tin rằng xã hội sẽ có thêm nhiều tầng lớp doanh nhân mới đầy bản lĩnh, giỏi giang hơn những thế hệ doanh nhân đi trước.
 
* Ông Trịnh Chí Cường (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến):
Thị trường nội địa vẫn là căn cứ địa
Lớp doanh nhân trẻ kế thừa như chúng tôi đã có điều kiện tiếp cận và nắm bắt nhanh nhạy hơn dòng chảy, xu thế, biến động kinh tế thế giới. Sự chủ động ứng phó của các doanh nghiệp VN hiện nay cũng tốt hơn. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức thị trường nội địa là căn cứ địa quan trọng của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu vẫn phải tăng trưởng để đảm bảo nguồn ngoại tệ, hạn chế nhập siêu cho kinh tế đất nước.
Thật ra, nếu đứng ở vai trò của người tiêu dùng, tôi cũng có thể cảm nhận được sự khó khăn trong niềm tin của họ đối với hàng hóa VN nói chung. Hơn một năm qua, Nhà nước đã làm công tác tuyên truyền nhằm nâng cao niềm tự hào dân tộc cho người VN, nhưng đằng sau đó doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận những điểm yếu của sản phẩm VN.
 Điều quan trọng là hãy để người tiêu dùng tự so sánh, có cảm nhận sự thật về hàng VN. Khi đó, hàng Việt sẽ có được sự tin dùng của không chỉ người VN mà còn của thế giới, giống như Nhật Bản và Hàn Quốc đã làm được.
TRẦN VŨ NGHI – NHƯ BÌNH ghi