Lao động cơ bắp lậu ở Trung Quốc

TT – Hàng ngàn người nước ngoài từ Nam Á, CHDCND Triều Tiên, thậm chí là từ những nước châu Phi xa xôi, đang làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc. Họ làm đủ thứ nghề để kiếm sống như người giúp việc, làm vườn hay oằn lưng kiếm sống trong những công xưởng bóc lột nhân công tàn tệ.

Lao động cơ bắp lậu ở Trung Quốc

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày Thứ Sáu, 24/09/2010

TT – Hàng ngàn người nước ngoài từ Nam Á, CHDCND Triều Tiên, thậm chí là từ những nước châu Phi xa xôi, đang làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc. Họ làm đủ thứ nghề để kiếm sống như người giúp việc, làm vườn hay oằn lưng kiếm sống trong những công xưởng bóc lột nhân công tàn tệ.

Tình trạng thiếu hụt lao động trong các khu vực duyên hải mạnh về xuất khẩu ở phía đông Trung Quốc rất rõ ràng. Yêu cầu được trả lương cao hơn của công nhân bản địa sẽ cắt giảm lợi nhuận của giới chủ, do vậy họ rất cần nhân công giá rẻ.

“Đây là một hiện tượng kinh tế” – Zhang Wenshan, Giáo sư Luật của Trường đại học Quảng Tây đang nghiên cứu về sự gia tăng số lượng lao động bất hợp pháp, giải thích. “Đó là sự toàn cầu hoá. Giá thuê lao động đang tăng cao ở Trung Quốc. Tình trạng này gây khó khăn cho giới chủ Trung Quốc, vốn không cần những lao động tay nghề cao. Do đó, ngày càng nhiều lao động nước ngoài đang đổ xô về quốc gia này… cũng giống như nhiều người Trung Quốc đến Mỹ để tìm một cuộc sống tốt hơn” – ông cho biết thêm.

Ở Trung Quốc, vì số lao động nhập cư quá ít và nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, do đó lao động nhập cư bất hợp pháp không phải là vấn đề gây tranh cãi như tại Mỹ hoặc ở nhiều nước châu Âu khác.

Ở nhiều quốc gia, chính phủ phải chi trả cho những chương trình xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục… Do đó người dân thỉnh thoảng cảm thấy không hài lòng nếu những người nhập cư bất hợp pháp sử dụng những dịch vụ này vì họ không phải đóng thuế. Nhưng ở Trung Quốc, chính phủ không có những chương trình như vậy, do vậy người dân bản xứ không giận dữ với những người nhập cư khi họ sử dụng những dịch vụ công.

Cho đến nay, căng thẳng về vấn đề nhập cư bất hợp pháp vẫn đang gia tăng. Chính quyền Trung Quốc, về mặt lịch sử, vẫn rất thận trọng với người nước ngoài, chỉ cấp thẻ cư trú vĩnh viễn cho một vài ngàn người nhập cư trong ba thập niên gần đây.

Một vài cuộc vây bắt rời rạc những người nhập cư bất hợp pháp đang có xu hướng gia tăng. Sự va chạm giữa giới cầm quyền và những thương gia châu Phi bùng nổ thành một cuộc bạo động năm ngoái ở thành phố Quảng Châu phía nam Trung Quốc sau khi cảnh sát bị cáo buộc quấy rối.

Đối với nhiều lao động Việt Nam, chuyến hành trình “đổi đời” thường bắt đầu ở những cộng đồng sống gần biên giới như Ái Điểm, một ngôi làng nghèo với 8.500 dân ở tỉnh Quảng Tây, một khu vực kém phát triển nằm dọc đường biên giới với Việt Nam.

Vào một buổi chiều mưa gần đây, hai thanh niên trẻ mặc áo thi đấu bóng rổ ngồi trên ghế đẩu nhựa, trên phần biên giới của Trung Quốc, thu mỗi người 10.000 đồng từ những người Việt Nam đang qua biên giới nước này. Những vị khách này không xuất trình giấy tờ, mặc dù theo luật họ phải trình hộ chiếu và thị thực. Hai thanh niên thu phí này từ chối cho biết họ làm việc cho ai.

Wei Haiguang, một nhà thầu đang làm việc gần đường biên giới, nói rằng nạn tham nhũng ở đây diễn ra tràn lan. Anh ta cho biết bạn anh đã giúp những người lao động Việt Nam vào Trung Quốc và giới thiệu họ cho những trung tâm thuê người, họ sẽ trả cho anh ta 30 USD mỗi người. Hầu hết những người nước ngoài này có độ tuổi rất trẻ, từ 17-20.

Chính quyền “sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được biên giới – Wei, một thanh niên dáng người chắc nịch mang vòng chuỗi hạt và mặt dây chuyền bằng ngà voi, tỏ ra tự tin – Có quá nhiều con đường nhỏ và lối đi tắt”.

“Thật sự không có sự khác biệt lớn giữa người Việt và chúng tôi” – Qin Zhongjiang, người đang điều hành một trung tâm y tế ở Sùng Tử, thành phố cách đường biên giới với Việt Nam 40 dặm, nói. Ở đây có trạm xe buýt là nơi lý tưởng dành cho các công nhân người Việt nhập cư bất hợp pháp chờ đợi để được thuê mướn.

Lu Qixue, một nông dân Trung Quốc, thuê lao động Việt Nam trước khi mùa thu hoạch mía bắt đầu. Vị trưởng làng 58 tuổi râu ria lởm chởm này cho biết: “Họ làm việc chậm và chúng tôi luôn phải đào tạo họ, nhưng chúng tôi không thể tìm đủ những lao động Trung Quốc thạo nghề. Nếu chúng tôi không thuê người Việt, chúng tôi không thể trồng được nhiều mía”.

Một lao động Trung Quốc được trả công 9 USD/ngày, trong khi đó một lao động Việt Nam chỉ được nhận hơn 5 USD. Lu nói ông ta không có sự lựa chọn nào ngoài việc trông chờ chủ yếu vào nguồn lao động nhập cư bất hợp pháp, bởi vì ba người con trai của ông không thích làm việc đồng áng. Hai người làm nhà thầu và một người làm tài xế taxi.

“Những lao động (nước ngoài) hoàn toàn không có sự bảo vệ hợp pháp và thường thoả thuận ngầm với giới chủ nhằm tránh sự dòm ngó của chính quyền – Geoffrey, người phát ngôn của bản tin Lao Động Trung Hoa, cho biết – Nếu bị phát hiện, họ sẽ bị trục xuất thẳng về Việt Nam trừ phi ông chủ hối lộ cảnh sát. Chúng tôi đã thấy tình trạng tương tự xảy ra với lao động trẻ em trong quá khứ”.

Các doanh nghiệp thuê lao động nhập cư bất hợp pháp sẽ bị phạt khoảng 7.352 USD. Các công nhân bị phạt 147 USD và đối mặt với án trục xuất.

Mặc dù Trung Quốc đang thi hành những bản án khắt khe đối với lao động nhập cư, nhưng ai biết được người Trung Quốc có bắt đầu giận dữ với người nhập cư hay không.

QUỲNH TRUNG (Theo Los Angeles Times)