Nước Mỹ căng thẳng trước ngày 11-9

TT – Khi mọi người tưởng sự kiện 11-9 đã dịu dần trong ký ức người Mỹ thì lần kỷ niệm năm nay lại trở thành thời điểm căng thẳng giữa người Mỹ và người Hồi giáo.

Nước Mỹ căng thẳng trước ngày 11-9

Báo Tuổi Trẻ, ngày 11-9-2010

TT – Khi mọi người tưởng sự kiện 11-9 đã dịu dần trong ký ức người Mỹ thì lần kỷ niệm năm nay lại trở thành thời điểm căng thẳng giữa người Mỹ và người Hồi giáo.

Mọi chuyện xuất phát từ kế hoạch xây dựng một đền thờ Hồi giáo ở ngay khu Ground Zero, nơi tòa tháp đôi sụp đổ cách đây chín năm. Kế hoạch được sự ủng hộ mạnh mẽ của thị trưởng Bloomberg, của những người có tư tưởng tự do, bởi cho rằng đây là sự thể hiện quyền tự do tôn giáo theo tu chính án số 1 của hiến pháp. Những người phản đối nói đó là sự sỉ nhục đối với khu đất “linh thiêng” và những người đã chết trong sự kiện 11-9. Đề tài này đã được đem ra tranh cãi suốt ba, bốn tháng qua và là cơ hội để phe Cộng hòa chỉ trích chính quyền.

Reuters đưa tin hai hôm nay tại Afghanistan, hàng ngàn người đã đổ ra đường biểu tình và đốt cờ Mỹ để phản đối việc mục sư Terry Jones muốn đốt kinh Koran. Người Pakistan cũng biểu tình và đốt hình nộm mục sư Jones. Trong khi đó, ít nhất bốn tù nhân cấp cao của Al Qaeda đã trốn thoát khỏi nhà tù Karkh do Mỹ kiểm soát ở Baghdad, Iraq. Quân đội Mỹ mô tả những kẻ trốn thoát là những tù nhân “cực kỳ nguy hiểm”.

H.T.

Đầu tháng 8, Tổng thống Obama lên tiếng ủng hộ việc xây dựng ngôi đền để rồi ngay ngày hôm sau ông phải sửa lại tuyên bố của mình. Trong năm bầu cử giữa kỳ, Đảng Cộng hòa đã bám vào đó để tấn công ông Obama kịch liệt. Cuộc tranh cãi cuối cùng quay về chuyện thái độ nước Mỹ với người Hồi giáo.

Sự việc đã làm bùng lại cuộc tranh luận người Hồi giáo bị phân biệt đối xử và nước Mỹ thù hằn với tôn giáo này. Cũng trong tháng 8, một tài xế taxi đã bị một thanh niên ở New York dùng dao tấn công chỉ vì ông là người Hồi giáo. Sự thù hằn và mâu thuẫn đang bị đẩy lên cao.

Một cuộc thăm dò hồi cuối tháng 8 của ĐH Quinipiac cho thấy 70% người dân New York phản đối kế hoạch xây dựng đền thờ Hồi giáo. Dù có đến hơn một nửa thừa nhận quyền xây dựng ngôi đền nhưng dân New York đều cho rằng không nên xây tại vị trí đó.

Linh mục Jesse Jackson, nhà hoạt động nhân quyền da màu nổi tiếng, chỉ ra một thực tế: quanh khu vực Ground Zero mà nhiều người Mỹ đang coi là linh thiêng này có nhan nhản hộp đêm, sàn nhảy và CLB thoát y. Cái lý “linh thiêng” vì vậy chẳng hợp lý.

Nhưng câu chuyện vẫn tiếp tục căng thẳng. Terry Jones, một mục sư chẳng tên tuổi ở Florida, kêu gọi đốt kinh Koran vào ngày 11-9 để chống người Hồi giáo. Giáo hoàng từ Vatican, tư lệnh Petraeus ở Afghanistan và một loạt quan chức Mỹ đã lên tiếng phản đối vì lo ngại làn sóng người Hồi giáo trả đũa. Ở Afghanistan, Indonesia, hàng trăm người tụ tập đốt cờ Mỹ và hô những khẩu hiệu thù hằn với người Cơ Đốc. Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cảnh báo tình trạng “giết chóc và trả đũa” sẽ diễn ra. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo công dân Mỹ ở nước ngoài nên tránh những khu vực biểu tình vì tình hình có thể diễn biến xấu.

Mục sư Terry Jones hôm 9-9 đã tuyên bố “tạm hoãn” (hiện chưa rõ ông có đốt kinh Koran tiếp không) khi Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates trực tiếp gọi điện, còn Tổng thống Obama thân chinh lên truyền hình chỉ trích kế hoạch này là “trò hề”.

Mọi chuyện thêm nhộn nhạo khi tỉ phú Donald Trump, người nổi tiếng ở VN với các cuộc thi hoa hậu thế giới và show truyền hình “The apprentice” (trên Star World), cũng nhảy vào vụ lùm xùm này. Hôm 9-9, ông tuyên bố muốn mua cổ phần của miếng đất để đổi lại việc ông giáo sĩ dời địa điểm xây đền. Dù đề nghị mua với giá cao hơn 25% giá ban đầu, ông Trump đã bị khước từ. Luật sư của vị giáo sĩ nói: “Lá thư này được viết bởi mấy người quảng cáo chứ không phải bởi một doanh nhân thật sự nghiêm túc với thương vụ này”.

Ngày 11-9, ngay khu vực dự định xây dựng ngôi đền sẽ có hai cuộc diễu hành. Một của những người ủng hộ việc xây ngôi đền, một của những người chống. Căng thẳng vẫn đang tiếp tục và mọi chuyện có thể sẽ không chỉ dừng ở những cuộc diễu hành.

THANH TUẤN

Bất hòa khó giải

Tất cả những lo lắng của ngoại trưởng Mỹ, của các tướng lĩnh lẫn NATO… chỉ có thể thốt lên bằng lời, chứ nước Mỹ khó có thể ban hành một lệnh cấm đốt kinh Koran, bởi Mỹ vẫn luôn rao giảng về tự do tôn giáo.

Thật sự lo lắng của chính quyền Washington là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lâu nay Washington luôn ra sức khẳng định hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq đều là những cuộc chiến chống khủng bố, chống lại những người Hồi giáo cực đoan, chứ không phải là một cuộc xung đột tôn giáo. Ngược lại, các lực lượng đối nghịch lại cáo buộc Mỹ là tiến hành chiến tranh để chống lại người Hồi giáo và họ gọi cuộc kháng chiến của mình là “thánh chiến”. Vì thế, Mỹ luôn cố tìm cách khỏa lấp những bất đồng về tôn giáo.

Chính vì thế, nếu kinh Koran bị đốt trong lễ tưởng niệm 11-9 năm nay, chẳng khác nào cho thấy sự thù hằn tôn giáo đang tồn tại trong lòng nước Mỹ. Điều này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến những gì nước Mỹ luôn rao giảng.

Nhưng dù kinh Koran không bị đốt thì dường như có một sự bất đồng giữa phương Tây và Hồi giáo kể từ sau sự kiện 11-9. Bởi để mục sư Terry Jones ngưng đốt kinh Koran thì đổi lại giới Hồi giáo tại Mỹ phải di dời công trình thánh đường Hồi giáo dự định xây dựng trên khu vực Ground Zero, vốn là nơi tòa tháp đôi WTC đã đổ sụp. Vào tháng trước, việc có rất nhiều ý kiến phản đối xây dựng thánh đường Hồi giáo ở khu vực Ground Zero đã cho thấy sự căm giận của người phương Tây đối với thế giới Hồi giáo vẫn còn đó.

Có lẽ những bất đồng tôn giáo trên sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Và sự bất hòa đó mới chính là một di chứng mà chính quyền Obama dẫu muốn cũng rất khó hòa giải.

NGÔ MINH TRÍ