Người nhiễm HIV vẫn còn bị phân biệt đối xử

TT – Nhân dịp học sinh Hồ Thị Hiếu Hiền của Việt Nam vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU (Liên minh Bưu chính thế giới) với chủ đề về HIV/AIDS (Tuổi Trẻ ngày 9-9), ông Eamonn Murphy – giám đốc UNAIDS Việt Nam – đã có những chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ:

Người nhiễm HIV vẫn còn bị phân biệt đối xử

 

Chủ Nhật, 12/09/2010

 

TT – Nhân dịp học sinh Hồ Thị Hiếu Hiền của Việt Nam vừa đoạt giải nhất trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU (Liên minh Bưu chính thế giới) với chủ đề về HIV/AIDS (Tuổi Trẻ ngày  9-9), ông Eamonn Murphy – giám đốc UNAIDS Việt Nam – đã có những chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ:

Tôi đã đến sống và làm việc tại Việt Nam khá lâu. Vùng đất này khiến tôi rất ấn tượng khi vừa sở hữu nền văn hóa lịch sử lâu đời vừa có tốc độ phát triển khá nhanh.

Khi tôi cho biết mình sẽ đến làm việc tại Việt Nam, cả gia đình tôi đều tỏ ra rất hạnh phúc. Nhiều người còn cho rằng tôi may mắn khi có cơ hội được đến một nơi vừa an toàn vừa có người dân thân thiện, đặc biệt là khoảng cách địa lý khá gần với quê hương châu Úc.

Điều duy nhất khiến họ lo lắng có chăng là lo cho người dân Việt Nam khi họ nghe tôi thông báo bắt đầu tập lái xe máy trên đường!

Trở lại với lá thư của em Hồ Thị Hiếu Hiền (lớp 6/9 Trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng), tôi nghĩ đây là một dịp tốt để trở lại đề tài “không còn mới nhưng vẫn chẳng bao giờ thừa”: cuộc sống của “người sống với HIV” và sự kỳ thị của xã hội.

Đầu tiên tôi cảm thấy buồn khi nhiều người vẫn dùng cụm từ “bệnh nhân HIV” để nói về những người sống với HIV. Cách gọi “người sống với HIV” thể hiện thực tế là những người bị nhiễm HIV vẫn sống cuộc sống như người bình thường, đồng thời giúp phần nào giảm bớt sự phân biệt đối xử của xã hội đối với họ.

Tôi nghĩ cuộc sống của những người sống với HIV tại Việt Nam hiện đã được cải thiện đáng kể, bằng chứng là 53,7% số lượng người cần cung cấp thuốc và điều trị ART đã được đáp ứng, con số này tăng cao hơn rất nhiều so với năm năm trước đây. Điều này thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực cao của chính quyền.

Dẫu sao thì người sống với HIV vẫn phải chịu nhiều áp lực về nhiều mặt khi thành kiến, sự phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại dai dẳng và chưa được cải thiện trong xã hội. Đúng như lá thư của em Hiền đã viết, nhiều người đã bị chính gia đình, người thân tẩy chay khi biết họ mang HIV.

Tôi được biết nhiều trường hợp gia đình phải chịu cảnh ly tán, trẻ con không được phép đến trường học, người lớn không có được việc làm khi là người nhiễm HIV.

Không những thế, các cơ sở y tế cũng không tạo một môi trường thân thiện cần thiết cho những người muốn xét nghiệm HIV và sử dụng các dịch vụ về HIV, điều này khiến họ cảm thấy e ngại và vì vậy nhiều người không biết mình bị nhiễm HIV hoặc giấu hẳn tình trạng nhiễm của mình để rồi HIV lại được dịp phát tán.

Tất cả những sự kỳ thị và phân biệt đối xử này đều do người dân nhận thức chưa đủ và chưa đúng về việc lây truyền HIV. Nhiều người còn cho rằng sống và làm việc với người nhiễm HIV cũng có thể bị lây. Chúng ta cần phải truyền thông hiệu quả hơn nữa để cải thiện điều này.

Tới giờ tôi vẫn không thể quên được câu chuyện thương tâm mà năm ngoái báo chí đã đồng loạt lên tiếng, đó là việc những trẻ sống với HIV tại mái ấm Mai Hòa (TP.HCM) bị buộc phải rời khỏi trường tiểu học trong ngày đầu đến lớp. Dẫu nhà trường chấp nhận cho các em vào học nhưng những em nhỏ ngây thơ ấy vẫn phải tuần tự theo chân nhau bước ra khỏi lớp dưới áp lực từ phía phụ huynh các học sinh bình thường khác.

Sau khi câu chuyện này được báo chí không chỉ trong nước mà quốc tế đặc biệt quan tâm, chia sẻ để mọi người cùng ngẫm nghĩ, rất nhiều người đã từng nuôi hi vọng rằng tình hình sẽ phần nào được cải thiện. Đã có cả một kế hoạch nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương để đưa các em trở lại trường học.

Nhưng đáng buồn thay, theo tìm hiểu của tôi, cách đây vài tuần mọi chuyện vẫn không hề thay đổi. Trường học vẫn còn ở ngoài tầm với của các em nhỏ bị ảnh hưởng bởi HIV tại Mai Hòa. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần phải làm nhiều hơn nữa để giáo dục cộng đồng và các bậc phụ huynh, để các em nhỏ này có quyền được học tập như các bạn đồng trang lứa khác.

Cũng cần nói thêm là tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sống với HIV không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển. Chúng ta cần cảm thông chia sẻ và quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa những người sống với HIV.

Tôi tin con số 1,3 triệu lá thư tham dự cuộc thi UPU (có đề tài chung cho năm 2010 là phòng chống HIV/AIDS) đến từ Việt Nam có một ý nghĩa nhất định.

Tôi tin mỗi em học sinh trong số 1,3 triệu em tham dự cuộc thi này có thể trở thành đại sứ của kiến thức và tình thương, để mang những thông tin chính xác và thông điệp đúng đắn về HIV đến cha mẹ và các bạn xung quanh mình… để những định kiến, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sống với HIV sẽ không còn nữa. Và xã hội lúc đó sẽ công bằng, tươi đẹp biết bao…

CÔNG NHẬT ghi