Chúa Nhật VI Phục Sinh, năm C: Sự hiện diện sống động và phi thường

Các bài đọc Thánh Kinh như muốn mời gọi chúng ta cảm nghiệm được sự kết hợp thâm sâu và mầu nhiệm với Thiên Chúa nhờ sự sống lại của Đức Giêsu. Bài Phúc Âm hôm nay gợi ý về một cuộc ra đi: Người ra đi để thoát khỏi sự hiện diện với thân xác hữu hình và để có thể hiện diện vô hình cho mọi người chúng ta. Người nói với chúng ta: “Thầy ra đi và đến cùng anh em…Thầy đi về cùng Chúa Cha bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Đức Giêsu ra đi để có thể hiện diện mãi mãi cùng với Chúa Cha trong chúng ta nếu chúng ta giữ lời của Người: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, NĂM C

SỰ HIỆN DIỆN SỐNG ĐỘNG VÀ PHI THƯỜNG

Hành Khất Kitô

UBBAXH-Caritas Việt Nam

Nhập đề

Các bài đọc Thánh Kinh như muốn mời gọi chúng ta cảm nghiệm được sự kết hợp thâm sâu và mầu nhiệm với Thiên Chúa nhờ sự sống lại của Đức Giêsu. Bài Phúc Âm hôm nay gợi ý về một cuộc ra đi: Người ra đi để thoát khỏi sự hiện diện với thân xác hữu hình và để có thể hiện diện vô hình cho mọi người chúng ta. Người nói với chúng ta: “Thầy ra đi và đến cùng anh em…Thầy đi về cùng Chúa Cha bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Đức Giêsu ra đi để có thể hiện diện mãi mãi cùng với Chúa Cha trong chúng ta nếu chúng ta giữ lời của Người: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

1. Sự hiện diện nhờ tình yêu

Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu bản chất người Kitô hữu là diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho mọi người. Chúng ta đã nhiều lần nói đến bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, là bác ái như thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu, là bác ái”. Mỗi người chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên bản chất của chúng ta cũng là tình yêu. Khi yêu thương như Đức Giêsu, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa trong đời sống của mình.

Rồi khi diễn tả tình yêu thành những hành động cụ thể, chúng ta biểu lộ quyền năng, bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người. Đây là điều Giáo Hội mong mỏi cho mỗi người tín hữu thể hiện trong đời sống. Vì thế, bài đọc của tuần cuối Mùa Phục Sinh như gợi ý cho chúng ta phải cố gắng đạt được điểm ấy. Mỗi người chúng ta có thể đang có những hiểu biết đúng đắn về Thiên Chúa, nhưng dường như lại thấy Thiên Chúa hiện diện một cách mầu nhiệm, mơ hồ, xa vời đối với chúng ta. Tại sao?

Lý do có thể là vì tình yêu của chúng ta chưa đủ mãnh liệt, chúng ta chưa yêu như Đức Giêsu nên chúng ta chưa cảm nghiệm được Thiên Chúa. Cũng có thể là vì chúng ta chưa giữ đúng lời của Chúa Giêsu: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ lời Thầy”. Nhưng Lời đó là lời nào? Chúa Giêsu nói biết bao nhiêu lời trong suốt 3 năm rao giảng và đã được Kinh Thánh ghi lại. Vậy đó là lời nào?

Trước hết chúng ta không nên đi tìm một câu nói cụ thể nào đó của Chúa Giêsu vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa, nên toàn bộ cuộc đời của Người là Lời của Chúa Cha nói với chúng ta. Giữ lời của Người là chúng ta học lại thái độ sống, làm lại hành động và có những tâm tình như Người. Toàn bộ đời sống của Đức Giêsu là một lời Người nói với chúng ta, đó cũng là tiếng nói của Chúa Cha: “Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,23).

Lời đó tóm tắt vào một điểm mà chúng ta đã suy niệm ở tuần trước, đó là lời tình yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau”. Yêu như Đức Giêsu không phải là chỉ yêu những người nói tốt, làm tốt cho mình, mà cả những người nó xấu, làm xấu và đóng đinh mình. Đó là tình yêu thương rộng lớn và linh thiêng, vượt ra ngoài sức lực của con người và được Thiên Chúa ban cho con Người. Khi yêu như thế, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Đức Giêsu và của Chúa Cha trong cuộc đời mình.

2. Một cảm nghiệm cá nhân

Tôi xin chia sẻ với anh chị em cảm nghiệm mà tôi mới trải qua. Sáng nay sau khi dâng Thánh lễ và giải tội, về đến nhà, tôi thấy hàng chục bệnh nhân đang chờ sẵn, tôi tiếp tục lắng nghe, khuyên bảo và giúp đỡ họ từ 8 giờ 30 đến 12 giờ. Đến 11 giờ 30, có 15 bệnh nhân xin tôi ban Bí tích Xức dầu Bệnh nhân và làm phép trừ tà vì một vài người đã cảm nhận có một tinh thần đen tối nào đó ám ảnh mình, trong đó có cả người chưa theo đạo Công giáo. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện. Khi tôi xức dầu trên những bệnh nhân đó, có người tỏ vẻ bình thường nhưng có một vài người cảm nhận một sức mạnh mãnh liệt tác động vào mình khiến cho họ run rẩy, quằn quoại, la hét và ngã xuống.

Lúc bấy giờ tôi cảm nghiệm được sự hiện diện vô hình của Chúa trong một chút dầu vật chất bình thường. Sự hiện diện này phát xuất từ tình yêu và niềm tin của các bệnh nhân đối với Chúa và chính họ cũng cảm thấy sự hiện diện kỳ diệu và phi thường ấy trong con người của mình. Họ đã tìm lại được bình an, sức khoẻ và niềm vui. Lúc đó tôi nhớ đến câu nói của Chúa Giêsu: “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm, người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa, vì Thầy về cùng Chúa Cha” (Ga 14, 12).

3. Cảm nghiệm về tình thương của Thiên Chúa

Biết bao nhiêu người đang sống quanh ta, nhưng hình như ta không để ý đến họ, chẳng cần biết họ đang sống như thế nào, đang ăn gì, mặc gì, đau gì, buồn gì, thiếu gì… chỉ vì chúng ta không yêu thương họ như Đức Giêsu. Có yêu người ta mới để ý đến nhau! Còn Đức Giêsu lại khác. Người thấy ai đói thì cho ăn, thấy bệnh tật thì chữa lành, bị ma quỷ kiềm chế thì giải thoát, tội lỗi thì tha thứ, chết thì cho sống lại… Người làm tất cả những việc đó như là dấu hiệu để mời gọi con người tin vào tình yêu cứu độ của Chúa Cha.

Dĩ nhiên, Người không chữa lành mọi bệnh nhân, không làm cho mọi người đói được no vì bệnh tật và đói khổ cũng là thân phận của con người cần được giải thoát, đồng thời cũng là ân sủng để chúng ta khám phá ra tình thương của Thiên Chúa. Vì thế, Người mời gọi chúng ta hãy hành động để diễn tả tình yêu và giúp cho con người nhận ra những dấu hiệu yêu thương này trong đời sống. Nếu chúng ta không hành động chúng ta sẽ bỏ mất ơn Chúa. Chỉ khi hành động chúng ta mới phát huy được những năng lực kỳ diệu của Thiên Chúa trong con người yếu đuối của mình và làm cho những ai đang tôn sùng khoa học kỹ thuật cảm nghiệm được sự hiện diện sống động và vô hình của Thiên Chúa.

Tôi cũng xin chia sẻ một kinh nghiệm khác. Chúa Nhật vừa qua, khi chia sẻ với anh chị em  về chuyện có một đoàn bác sĩ Mỹ về mổ miễn phí cho những người khuyết tật và đang cần những bệnh nhân. Sau khi ra thông báo, UBBAXH – Caritas Việt Nam chúng tôi nhận được hơn sáu trăm bộ hồ sơ. Nhưng khi liên lạc với đoàn Mỹ, chúng tôi mới biết họ chưa có giấy phép cho hoạt động từ thiện này. Chúng tôi đã làm đơn xin với Ban Tôn giáo Chính Phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh để có tư cách pháp lý cho đoàn. Đoàn gồm 6 bác sĩ, 2 y tá và các tình nguyện viên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dĩ nhiên đoàn bác sĩ Mỹ mổ miễn phí nhưng để có thể mổ được thì cần phải khám nghiệm, xét nghiệm các bệnh nhân, phải thuê phòng mổ tiệt trùng, và cả giai đoạn săn sóc sau khi mổ. Chúng tôi đã liên lạc với một số bệnh viện, người ta yêu cầu phải xét nghiệm trước mỗi ca phải trả khoảng 1,2 triệu đồng, vậy 620 ca phải trả mấy trăm triệu đồng, tiền thuê phòng mổ cho mỗi ca khoảng 5 triệu đồng, vậy 200 ca phải trả 1 tỷ đồng… Tôi rất lo không biết phải trả lời cho đoàn Mỹ như thế nào vì kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy. Nếu thôi không thực hiện chương trình mổ sẽ làm thất vọng 620 bệnh nhân. Chúng tôi đã thiết tha cầu nguyện xin Chúa soi sáng để Người thực hiện chương trình yêu thương, cứu độ này.

Thế rồi sáng thứ Hai, ngày 1-5-2010 có 2 anh chị đến gặp tôi và nói: “Thưa cha chúng con nghe tin nên gửi cha một số tiền nhỏ giúp đỡ những bệnh nhân khuyết tật. Hiện nay chúng con đã cao tuổi, không làm được gì nên chỉ đóng góp được như vậy”. Khi mở phong bì ra, tôi thấy anh chị gửi cho chúng tôi 5.000 đô la Mỹ, tương đương với 100 triệu đồng. Nhờ số tiền này chúng tôi đã tổ chức khám cho 600 bệnh nhân trước khi chọn ra được những người cần giải phẫu.

Kết luận

Tôi muốn chia sẻ các cảm nghiệm trên đây với anh chị em để mỗi người chúng ta can đảm dấn bước vào con đường tình yêu của Đức Giêsu. Ngài sẵn sàng ban ân sủng và các phương tiện cần thiết để chúng ta thực hiện các hành động yêu thương của Người cũng như cảm nghiệm được sự hiện diện sống động và phi thường của Chúa trong đời sống của mỗi người.