Hạnh phúc ở chung cư phụ nữ đơn thân
Mọi người quen gọi đó là khu chung cư đơn thân bất hạnh. Nhưng đến đó sẽ thấy cuộc sống đầy ắp tiếng cười, sự yêu thương và tinh thần đùm bọc lẫn nhau, đẩy những nỗi đau lùi dần vào dĩ vãng.
Hạnh phúc ở chung cư phụ nữ đơn thân
Mẹ con chị Hồ Thị Thành luôn được những người cùng cảnh chia sẻ, đỡ đần - Ảnh: Phan Chung
Mọi người quen gọi đó là khu chung cư đơn thân bất hạnh. Nhưng đến đó sẽ thấy cuộc sống đầy ắp tiếng cười, sự yêu thương và tinh thần đùm bọc lẫn nhau, đẩy những nỗi đau lùi dần vào dĩ vãng.
Tháng 7-2012, 126 hộ là phụ nữ nghèo bất hạnh, đơn thân sống chật vật khắp nơi đã được TP Đà Nẵng chuyển về đây sinh sống. Đến nay đã có tổng cộng 144 hộ và thời gian tới sẽ có thêm một số hộ chuyển về.
Như một giấc mơ
“Những đêm giữa tháng, tất cả chị em tổ chức gặp mặt ngay dưới sân khu chung cư. Những hiểu lầm, bức xúc chất chứa, cách đối nhân xử thế đều được giãi bày, xoa dịu bởi những cái ôm vỗ về, an ủi nhau” |
Ngồi bón từng thìa cháo cho con, chị Dương Thị Huệ vẫn nhớ như in những tháng ngày khổ cực vừa trải qua. Sinh con khi bào thai mới được 30 tuần tuổi nên đứa bé phải nằm lồng kính liên tục hai tháng trời. Chồng chị Huệ thấy vậy đã bỏ đi biệt tích, không để lại một lời nhắn. Một mình chị xoay xở khắp nơi, làm đủ nghề để nuôi con. Sáng sớm người ta đã thấy chị bên mẻ cá tươi đứng bán bên đường ven biển, chiều về lại thấy chị hì hụi gánh nồi bún chay nghi ngút khói, tiếng rao văng vẳng đầu đường cuối phố. Vất vả, khổ cực là thế nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Cái nóng hầm hập của căn nhà trọ rộng 6m2 đã làm đứa bé vốn yếu ớt càng trở nên thiếu sức sống.
Đùng một cái, chị Huệ nhận được tin chuyển về ở tại khu nhà này. Căn phòng rộng trên 50m2, ngay sát mặt đường, thoáng mát nhưng giá thuê chưa đến 70.000 đồng mỗi tháng. Giờ đây, chị đã có thể yên tâm đi làm, cuối tháng ky cóp cũng tiết kiệm được vài ba trăm ngàn đồng, gọi là “của để dành”, mai mốt hai mẹ con dựa vào nhau những ngày xế chiều. Bình An là tên chị đặt cho con trai của mình với mong muốn cuộc đời con sẽ không phải đón nhận những tai ương, sóng gió như mẹ. An giờ đã 9 tuổi, dù căn bệnh hen suyễn vẫn làm em tím tái mặt mày, hò sù sụ nhưng với chị Huệ, tất cả vẫn giống như một giấc mơ. “Ngày trước thuê phòng trọ mùa mưa thì nước tràn vào nhà, nắng lên thì nóng không chịu nổi, có khi buổi trưa phải ra gốc cây ngồi. Hằng ngày bỏ con nằm nhà một mình rồi đi lau nhà, giặt áo quần thuê mà không yên tâm chút nào” – chị Huệ cho biết. Từ ngày chuyển về đây, cuộc sống của chị đã đỡ vất vả hơn, Bình An đã bớt bệnh, ngoan và lớn từng ngày.
Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, đôi mắt trũng sâu của người đàn bà khắc khổ lại đỏ hoe, mọng nước. “Ai chẳng có ước mơ hạnh phúc, ai chẳng cảm thấy tủi thân lúc túng thiếu, ốm đau nhưng giờ thì đỡ nghĩ ngợi hơn trước. Nhà nước cho thế này là quá đủ rồi, có mơ tui cũng không nghĩ có ngày mình được thế này đâu. Nên giờ chẳng mong ước chi cao sang, chỉ mong sao mình còn sức lực để kiếm tiền nuôi con trưởng thành”.
144 căn hộ nơi đây là 144 mảnh đời từng nếm đủ loại mùi của sự bất hạnh, đau khổ. Nhưng giờ đây, trong những căn phòng còn thơm mùi sơn mới, cuộc sống đang hiện ra với tương lai tươi sáng hơn. Những quá khứ buồn tủi dần được các phụ nữ đơn thân chôn chặt trong tim để dồn hết tâm can, tình yêu thương vun vén cho những mầm sống đang lớn khôn từng ngày.
Không còn bất hạnh
“Ai đó nói rằng đây là khu đơn thân, bất hạnh thì tui xin nói lại là khu này giờ không còn bất hạnh nữa” – chị Lê Thị Ái Nhung, chi hội trưởng phụ nữ khu vực Hòa Phú 5A, hồ hởi khoe. Bởi theo chị Nhung, chị em ở đây sống rất có tình có nghĩa, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Quán cà phê của chị Hồ Thị Thành được mở ngay trước sảnh tầng 1 dãy nhà A luôn tấp nập người lui tới. Đôi chân bị liệt từ lúc 2 tuổi sau một cơn sốt khiến cuộc đời chị không rời khỏi chiếc xe lăn từ đó. Được ưu tiên chuyển đến ngay dưới tầng 1 để tiện việc đi lại, chị Thành mạnh dạn mở ngay quán cà phê để kiếm kế sinh nhai. Biết chị tật nguyền nhưng phải kiếm sống để nuôi con nhỏ, chị em trong khu liền bàn cách đỡ đần giúp chị bán hàng. “Mình cũng khó khăn, không cho được bát gạo, bó rau thì giúp nó chút sức lực để có thêm vài đồng” – bà Nguyễn Thị Hà, ở cùng dãy nhà, chia sẻ. Cứ đều đặn mỗi ngày, từ sáng sớm bà Hà đã tất tả chạy xuống phụ chị Thành dọn bàn ghế đón khách.
Chị Yến nhà kế bên cho biết thêm: “Ở đây ai cũng vậy cả, ban đầu còn xa lạ, ngại ngùng nhưng giờ thì đùm bọc, chia sẻ nhau mọi thứ”. Hồ Kim Phố, con trai nay đã lên 8 của chị Thành, chưa một ngày được ngồi sau xe máy để mẹ chở đến trường. Thế nhưng suốt bao năm nay Phố chưa từng phải nghỉ một buổi học nào. “Hôm thì chị Nga, bữa thì cô Nhung thay nhau đón đưa cháu đi học, mẹ đã không biết chữ rồi thì cố gắng để con không phải bỏ học giữa chừng. Càng nghĩ càng biết ơn các chị nhiều lắm” – chị Thành bày tỏ.
Theo chị Lê Thị Ái Nhung, để đỡ đần chị em trong mọi hoàn cảnh, chi hội phụ nữ thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để tìm kế sinh nhai, ổn định cuộc sống. Mới đây nhất, chị em tại khu chung cư đã quyết định đập ống heo tiết kiệm để cấp vốn cho chị Nguyễn Thị Mực đi bán xôi dạo. Chị Mực thường xuyên đau ốm, nên những đồng vốn ít ỏi liên tục bị cắt xén để mua thuốc điều trị. Sau những tháng ngày chống chọi với bệnh tật, khi cơn đau vừa dứt cũng là lúc đồng vốn cạn kiệt. Nay được sự hỗ trợ của chị em, tiếng rao bán quen thuộc của chị Mực tiếp tục vang lên khắp đầu hẻm, cuối phố. Hay như câu chuyện của chị Phan Thị Triều Tiên với đôi tay bó bột giờ đang kéo da non. Chị Tiên đi làm không may bị té xe gãy tay. Tai họa đến quá bất ngờ khi trong nhà chỉ còn vẻn vẹn hơn trăm ngàn đồng. Chỉ trong một giờ, các chị em đã góp đủ số tiền cho chị chữa trị, ngày ngày lại thay nhau chăm sóc cho chị mau thoát khỏi cơn đau.
Những đêm giữa tháng, tất cả chị em tổ chức gặp mặt ngay dưới sân khu chung cư. Những hiểu lầm, bức xúc chất chứa, cách đối nhân xử thế đều được giãi bày, xoa dịu bởi những cái ôm vỗ về, an ủi nhau. Dưới ánh trăng vằng vặc soi sáng từng mặt người, đám trẻ nhỏ vẫn chơi đùa, hò hét làm huyên náo một góc sân…
Nằm trong chương trình “3 có”
Khu chung cư Hòa Phú 5A do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư gồm bốn block nhà năm tầng, mỗi block có 36 căn hộ với diện tích 50m2. Mỗi căn hộ được bố trí đầy đủ tiện ích và công năng sử dụng như các căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình hiện nay. Theo ông Nguyễn Bá Bình – giám đốc Công ty Quản lý nhà chung cư Đà Nẵng, đây là một trong những khu chung cư nhằm cụ thể hóa chương trình an sinh “3 có” do chính quyền TP thực hiện từ nhiều năm nay (gồm có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị). Theo đó, cũng giống như các hộ gia đình có công với cách mạng, những phụ nữ nghèo, đơn thân, bất hạnh sẽ được bố trí thuê các căn hộ chung cư sau khi được hội đồng xét duyệt thuộc Sở Lao động – thương binh & xã hội Đà Nẵng xác minh, thông qua. Hiện giá thuê chung cư dành cho phụ nữ nghèo đơn thân tại khu chung cư Hòa Phú 5A khoảng 100.000 đồng/hộ/tháng. Riêng những gia đình nghèo, nạn nhân chất độc da cam còn được giảm đến 60% giá thuê nhà theo thông tư 14 của Bộ Xây dựng. Số tiền thuê nhà sẽ được công ty quản lý chung cư trích lại một ít để phục vụ các nhiệm vụ công ích, số còn lại nộp ngân sách. Sau thời hạn hai năm, các hộ gia đình này sẽ được ký lại hợp đồng thuê nhà sau khi các đơn vị liên quan thẩm định, xác minh không có tình trạng chuyển nhượng, sử dụng sai mục đích. |
PHAN CHUNG