“Không đi cho đến khi tất cả thi thể rời khỏi đây”
Ông Michael Bociurkiw, người phát ngôn nhóm quan sát của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OSCE) cáo buộc: “Có nhiều phần thi thể người vẫn chưa được gom lại. Điều khiến chúng tôi sốc là không có hoạt động tìm kiếm nào ở đây cả”.
“Không đi cho đến khi tất cả thi thể rời khỏi đây”
Hà Lan đã dành ngày 23-7 để tang các nạn nhân xấu số trên chuyến bay MH17.
Đích thân Thủ tướng Mark Rutte và các thành viên hoàng gia Hà Lan có mặt ở sân bay Eindhoven đón thi thể các nạn nhân được chuyển về từ sân bay Kharkov (Ukraine).
Công tác điều tra nguyên nhân tai nạn đã được xúc tiến nhanh hơn: thi thể được chuyển bằng máy bay quân sự về Hà Lan, hộp đen được chuyển đến Anh để phân tích…
Trở lại để tìm kiếm
Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết vẫn chưa xác định được có bao nhiêu thi thể đã đến Kharkov và bao nhiêu thi thể vẫn còn sót lại tại hiện trường vụ rơi máy bay. “Chúng tôi không biết có bao nhiêu thi thể. Có thể vẫn còn nhiều thi thể ở ngoài trời giữa mùa hè ở châu Âu, dễ bị can thiệp và bị hủy do nắng nóng và động vật” – Thủ tướng Abbott nói. Úc đã điều máy bay quân sự Boeing C-17 đến Hà Lan đưa thi thể các nạn nhân Úc về nước.
Trước đó, các điều tra viên của Hà Lan xác nhận có khoảng 200 thi thể cùng với một số bộ phận thân thể trên chuyến tàu đến Kharkov trong khi phe ly khai khẳng định gửi đi 282 thi thể. Ông Michael Bociurkiw, người phát ngôn của nhóm quan sát của Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OSCE) có mặt tại hiện trường, cáo buộc: “Có nhiều phần thi thể người vẫn chưa được gom lại. Điều khiến chúng tôi sốc là không có hoạt động tìm kiếm nào ở đây cả”. Chuyên gia pháp y Jan Tuinder tại Kharkov cho biết họ sẽ phải quay lại hiện trường để tìm kiếm tiếp. “Chúng tôi sẽ không đi cho đến khi tất cả thi thể rời khỏi đất nước này” – ông Tuinder nói.
Các thi thể được giữ lạnh trên năm toa xe được chuyển tiếp lên máy bay đến thành phố Eindhoven của Hà Lan ngày 23-7, rồi tiếp tục chuyển đến thành phố Hilversum cách đó khoảng 100km để nhận dạng. “Các bước chuẩn bị đã được thực hiện tại Kharkov để việc nhận dạng ở Hà Lan diễn ra nhanh hết mức có thể. Khi mỗi nạn nhân được nhận dạng, gia đình họ sẽ được thông báo đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình đó có thể kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng” – thủ tướng Hà Lan cho biết.
Tại hiện trường, các quan sát viên OSCE mô tả nhiều phần của chiếc máy bay MH17 đã bị can thiệp như buồng lái bị cắt đôi và nhiều bộ phận khác bị thay đổi, di dời. Hàng loạt quốc gia đã bày tỏ lo ngại việc hiện trường vụ rơi máy bay không được bảo vệ có thể làm mất các chứng cứ quan trọng.
Tiếp tục cáo buộc lẫn nhau
Các quan chức tình báo Mỹ ngày 22-7 cho biết chưa tìm thấy chứng cứ cho thấy Nga liên quan trực tiếp đến vụ MH17, nhưng khẳng định Matxcơva “tạo điều kiện” cho thảm họa này xảy ra. Các quan chức này cũng đưa ra nhận định phe đòi ly khai ở Ukraine đã “bắn nhầm” MH17.
Trên CNN, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết Washington xoáy vào hướng liệu có người Nga nào tại khu vực xảy ra vụ việc và liệu Nga có tham gia đào tạo nhóm ly khai gây ra thảm kịch này hay không. “Chúng tôi nghĩ rằng Tổng thống Vladimir Putin và Chính phủ Nga chịu trách nhiệm cho việc ủng hộ lực lượng ly khai, cung cấp vũ khí và đào tạo cho lực lượng này” – ông Rhodes nói. Đến nay, Mỹ nghi ngờ tên lửa SA-11 được sử dụng để bắn hạ máy bay.
Tuy nhiên ngược lại, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin tố cáo Ukraine đã cho phổ biến nhiều tài liệu giả mạo nhằm quy trách nhiệm vụ rơi máy bay MH17 cho lực lượng ly khai ở miền đông nước này và kêu gọi không đưa ra kết luận vội vã. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 22-7, ông Churkin cho biết đoạn băng ghi âm cuộc hội thoại của các chỉ huy lực lượng đòi liên bang hóa mà phía Kiev công bố thật ra được lắp ghép từ một số cuộc hội thoại, trong đó có đoạn xảy ra trước vụ máy bay rơi. Còn video clip do bộ trưởng nội vụ Ukraine công bố trong đó tổ hợp tên lửa phòng không Buk được di chuyển vào lãnh thổ Nga lại được quay trên lãnh thổ do chính quyền Kiev kiểm soát.
TRẦN PHƯƠNG