Tự nguyện, tự chọn rồi… tự bỏ

Sau một năm thí điểm, Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma tuý (Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) thu được kết quả khiêm tốn: số người hoàn thành chương trình cai nghiện tối đa ba tháng chỉ được sáu người, 75% đối tượng bỏ dở chương trình.

  

Tự nguyện, tự chọn rồi… tự bỏ

Sau một năm thí điểm, Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma tuý (Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM) thu được kết quả khiêm tốn: số người hoàn thành chương trình cai nghiện tối đa ba tháng chỉ được sáu người, 75% đối tượng bỏ dở chương trình.

Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của cả nước thực hiện điều trị cai nghiện ma tuý tự nguyện. Tính chất của trung tâm là hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện – tự chọn – tự chi trả, bệnh nhân có quyền quyết định việc ngưng điều trị. Kết quả hoạt động của trung tâm này chứng tỏ việc cai nghiện tự nguyện ở cộng đồng là rất khó khăn, tỉ lệ thành công vô cùng thấp.

Bị gia đình ép buộc

Duy trì cai nghiện tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma tuý được gần ba tháng, anh T.Q.T. (nhà ở phường 14, quận 5) được xem là học viên tiêu biểu của trung tâm. Càng tiêu biểu và hiếm hoi hơn khi nhiều khả năng anh T. sẽ còn tiếp tục ở lại cai nghiện sau khi hoàn tất liệu trình dài nhất (ba tháng). Anh tiết lộ: “Má cho tiền đóng, kêu ở lại thêm nữa. Còn tui thấy trong này cũng chưa đến nỗi chán nên ở tiếp”. Nhận xét về điều kiện ăn ở, liệu trình thuốc men của trung tâm, anh T. khen: “Trên mạng, mấy người nghiện chấm điểm trung tâm này là “5 sao”. Thuốc ở đây hay lắm, uống vô không có cảm giác giòi bò trong xương. Ở đây cũng vui, có tivi, đầu đĩa, karaoke, bida, phòng tập thể hình…”.

Bế tắc tự nguyện cai tại gia

Chúng tôi đến nhà anh H.M.T. (phường 15, quận 5) lúc 20g, mẹ anh đi làm thuê vẫn chưa về. Vừa bước vào nhà, cha anh đã la lối: “Nó suốt ngày ở nhà có làm gì đâu, đồ đạc trong nhà có gì đem đi bán hết”.

Anh T. năm nay đã 34 tuổi, sau nhiều năm đắm chìm vào ma tuý, đi trường cai về rồi tiếp tục nghiện, cha anh tức giận nên từ lâu không còn quan tâm. Ngồi trên chiếc ghế duy nhất trong nhà, anh T. cúi gằm, vẻ mặt cam chịu khi nghe những lời mắng nhiếc của cha. Anh buồn bã kể nghiện ngập, thất nghiệp suốt mấy năm nay, không lo nổi tiền đi trung tâm cai nghiện tự nguyện nên quyết định tự cai ở nhà. Một tuần nay anh không bước chân ra khỏi cửa, nhờ mẹ mua rượu về để cai sống, nhậu xỉn rồi ngủ. Đây không phải lần đầu anh tự cai và như những lần trước, chưa lần nào thành công.

Chơi ma tuý hơn 10 năm, anh T. nếm hết nỗi nhọc nhằn khi hằng ngày phải “cày” cho đủ tiền mua ma tuý. Giới thiệu anh T. vào cai ở trung tâm này là một người bạn nghiện. Anh bạn này cai ở trung tâm, trở ra cộng đồng thì nghiện lại. “Bây giờ ổng sống lang thang ở khu Bệnh viện Chợ Rẫy, đâu còn tiền vô đây tiếp” – anh T. kể. Nhắc đến người bạn, anh T. nói thiệt tình: “Chơi lâu quá rồi, giờ tui muốn cai cho đàng hoàng nhưng cũng không dám chắc ra khỏi đây rồi sẽ không nghiện lại”.

Không như anh T., nhiều người vào cai cùng thời điểm với anh lần lượt bỏ ngang khi chỉ được vài ngày. “Tụi nó quậy lắm, đập phá, đi ra đi vô đá cửa rầm rầm rồi đòi về. Có đứa bỏ về xong nửa tháng sau lại thấy trở vào nhưng trung tâm không nhận” – anh T. nói.

Một bảo vệ của trung tâm cho biết: “Đa số người vô đây không phải tự nguyện mà do gia đình, vợ con ép vào. Buổi tối, tốp trực chúng tôi phải thay nhau đi các phòng coi chừng, phòng trường hợp bệnh nhân đập phá hoặc trốn về. Nhưng nếu có phát hiện thì mình cũng chỉ khuyên can chứ không bắt giữ hay báo công an vì đây là trung tâm tự nguyện”.

Phần đông thất bại

Hiện người giữ kỷ lục về số lần “tự nguyện” đến trung tâm cai đi cai lại là một thanh niên làm nghề kế toán với 5 lần cai – bỏ ngang – trở vô cai. Đến lần thứ 5 thì ông Lê Văn Quý, giám đốc trung tâm, đành lắc đầu không dám nhận điều trị cho anh này nữa. Ông Quý kể: “Lúc nào vô đăng ký đều thấy vợ chồng cùng đi, hứa hẹn quyết tâm dữ lắm. Lần nào anh này cũng đăng ký liệu trình 15 ngày nhưng được 5-7 ngày là đòi về. Dù là trung tâm có thu phí nhưng với những trường hợp như thế, chúng tôi cũng không thể nhận vì bản thân người nghiện không có quyết tâm, có cai cũng chỉ phí tiền, phí công sức”. Thời gian điều trị tại trung tâm có ba loại hình: từ 1-15 ngày, từ 15 ngày đến dưới 3 tháng, từ 3 tháng trở lên. Có đến gần 60% bệnh nhân lựa chọn loại hình cai dưới 15 ngày, thực chất chỉ đủ thời gian cắt cơn.

Thống kê sau một năm thí điểm mô hình cai nghiện tự nguyện tại trung tâm cho thấy trong tổng số 134 lượt bệnh nhân tham gia thì có 100 lượt tự ý bỏ dở chương trình điều trị, chiếm 74,6%. Sau 15 tháng khai trương dịch vụ, trung tâm tiếp nhận 172 người đến cai nghiện. Trừ trường hợp cá biệt trở vào rồi trở ra năm lần như vừa nêu, không hiếm bệnh nhân ra – vào trung tâm 2-4 lần. “Với những người nghiện trực tiếp đến đăng ký thì khi họ muốn rời chương trình, chúng tôi phải để họ đi. Họ viện ra đủ lý do xin về như: nhớ vợ con, thăm bố mẹ nhưng thực chất là “thèm nhớ” ma tuý. Có nhiều trường hợp biết chắc mười mươi sẽ tái nghiện nhưng chúng tôi không thể làm khác được dù rất ray rứt” – ông Quý nói.

Được xem là nơi có chi phí cai nghiện thuộc loại “mềm” so với các dịch vụ cai nghiện tư nhân nhưng để tham gia liệu trình ngắn nhất là 15 ngày, bệnh nhân phải đóng phí 3,7 triệu đồng (gồm 2,7 triệu đồng phí dịch vụ, tiền ăn, tiền thuốc cắt cơn, xét nghiệm, tiền mua tư trang và 1 triệu đồng tạm ứng trong trường hợp bệnh nhân đập phá, hủy hoại tài sản của trung tâm). Phí điều trị 30 ngày là 5,34 triệu đồng (riêng bệnh nhân điều trị tiếp tháng thứ 2 thì phí giảm còn 3,35 triệu đồng), phí điều trị nội trú 30 ngày không qua giai đoạn cắt cơn là 4,9 triệu đồng. Theo ông Lê Văn Quý, mức phí này được tính toán sát mức thấp nhất nhưng thực tế vẫn có bệnh nhân muốn đến cai nghiện mà không đủ tiền.

Ông Đỗ Thế Minh (chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM):

Sẽ có 4.000 người sau cai trở về cộng đồng

Bộ Lao động – thương binh và xã hội có ban hành biểu mẫu để thực hiện nghị định 221 về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng cái cần trước là biểu mẫu thực hiện nghị định 111 về giáo dục tại phường, xã, thị trấn lại chưa có. Do đó từ nay đến cuối năm, TP.HCM sẽ không có đối tượng nào được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Hiện các cơ sở cai nghiện của TP có gần 9.000 người, cuối năm nay chỉ còn hơn 5.000 người. Khoảng 4.000 người sau cai sẽ trở về, điều này đồng nghĩa với việc số người tái nghiện ngoài cộng đồng cũng sẽ tăng.

MAI HƯƠNG – VŨ THUỶ