28/11/2024

Ê, nghe chuyện này chưa?

Con người ta, cá nhân hay nhóm người, đều có nhu cầu xem, nghe những chuyện mới lạ.

 

Ê, nghe chuyện này chưa?

 

Con người ta, cá nhân hay nhóm người, đều có nhu cầu xem, nghe những chuyện mới lạ. 



Có chuyện mới lạ là chuyện thật, bổ ích, hấp dẫn, giàu tính nhân văn; cũng có không ít chuyện “mới, lạ” là chuyện bịa đặt, đồn thổi với dụng ý xấu, bôi đen, đánh gục, làm tổn thương một cá nhân, một tổ chức, thậm chí cả một địa phương, một ngành, một đất nước. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nhất là thông tin trên mạng Internet, thông tin tốt được lan tỏa, đi xa, vang xa; thông tin xấu, độc, bịa đặt cũng được tán phát, lây lan với mức độ chóng mặt. Giới nghiên cứu truyền thông gọi những thông tin dạng đó (cả tốt và xấu, đúng và sai…) bằng thuật ngữ “Internet meme” (tạm dịch là: mẩu lan truyền mạng).

Thuật ngữ “mẩu lan truyền mạng” được nhà văn, nhà khoa học Richard Dawkins nêu ra lần đầu vào năm 1976 trong cuốn sách có tên Gen vị kỷ (The selfish gene) nhằm giải thích cách mà các thông tin văn hoá được lan truyền. Có lẽ meme được “gợi ý tưởng” từ một từ có nguồn gốc trong tiếng Hi Lạp: “mimema”, nghĩa là “thứ bị bắt chước”. Như vậy, “Internet meme” có thể được hiểu là những mẩu thông tin được bắt chước và lan truyền trên môi trường Internet. Mẩu thông tin đó có thể là một hành động, một khái niệm, một khẩu hiệu đặc trưng từ một chính trị gia (gọi là catchphrase) hay một sản phẩm truyền thông được lan truyền thường là do bị bắt chước, thậm chí bị bịa đặt, xuyên tạc từ người này sang người khác thông qua mạng Internet.

Mẩu lan truyền mạng được Richard Dawkins giải thích như là một “vụ chiếm quyền điều khiển của ý tưởng gốc”, do vậy mẩu lan truyền (meme) đã được thay đổi và phát triển theo một hướng mới. Ngoài ra, mẩu lan truyền mạng cũng mang những đặc tính mới, khác và thường bị lợi dụng vì những ý đồ xấu so với mẩu lan truyền gốc.

Mẩu lan truyền mạng thường phát triển và lan truyền rất nhanh, đôi khi đạt đến sự phổ biến trên toàn thế giới chỉ trong vòng vài ngày. “Này, đã nghe chuyện đó chưa?”, câu hỏi vô tình hay cố ý trở thành mẩu lan truyền, nhiều mẩu lan truyền tồn tại, lây lan thông qua các website, weblog, trang Facebook cá nhân… Mẩu lan truyền được một số thế lực xấu, người xấu lợi dụng để “ném bùn”, “bôi bẩn”, thậm chí để “hạ gục” đối thủ trong làm ăn, trong thương trường, đặc biệt là chính trường. Nhìn từ xưa tới nay, chúng ta có vô vàn ví dụ điển hình, nhiều ví dụ có thể rùng mình, kinh hãi.

Ở nước ta, chỉ mấy năm gần đây có nhiều thông tin “bẩn”, xấu, độc được tán phát trên mạng: ông lãnh đạo nọ có nhiều tòa nhà to như lâu đài các vua chúa (hình ảnh minh họa được “mượn” tòa lâu đài của một quốc vương vùng Trung Đông); ông lãnh đạo kia đang khoẻ mạnh bỗng dưng đau yếu và mất trong khoảng thời gian ngắn, chắc là bị “đầu độc”; còn ông kia có bồ nhí, “chân dài”; ông kia nữa nghe đâu có đơn tố cáo này nọ… Không dừng lại ở mức độ “bôi bẩn”, “làm nhục”, mẩu lan truyền xấu còn đi xa hơn: đại hội này, ông này sẽ lên, ông kia sẽ xuống, còn ông kia nữa sẽ rớt…

Thông qua “kích hoạt”, “nhào nặn”, “bôi bẩn” của người phát tin, người nhận tin, người chuyển tiếp tin, thông tin xấu, độc thậm chí được quan tâm, hóng hớt hơn là thông tin về người tốt, việc tốt, các “virút độc hại” cứ thế lan truyền, đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò, vô tâm của một bộ phận không nhỏ công chúng. Chính công chúng cũng có người phải tự đặt câu hỏi: “Có thật không nhỉ?”, “Có bao nhiêu phần trăm sự thật ở đây?”… Chỉ cần thế, kẻ tung virút, bơm thuốc độc đã đạt được kết quả nhất định.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị nên tự trang bị cho mình và người thân khả năng “đề kháng”, chọn lọc, sử dụng thông tin lành mạnh, bổ ích, nhân văn; có thái độ rõ ràng, tích cực, dứt khoát trước thông tin xấu, độc của kẻ xấu, thế 
lực xấu.

 

NHẬT QUANG