Vượt tuyến chữa bệnh cho an tâm

Hầu hết những bệnh nhân được hỏi đều thừa nhận luôn gặp phải những khó khăn nhất định khi khám chữa bệnh vượt tuyến, nhưng 80% trong số đó cho biết sẽ tiếp tục chọn bệnh viện (BV) tuyến trên cho an tâm.

 

Vượt tuyến chữa bệnh cho an tâm

 

Hầu hết những bệnh nhân được hỏi đều thừa nhận luôn gặp phải những khó khăn nhất định khi khám chữa bệnh vượt tuyến, nhưng 80% trong số đó cho biết sẽ tiếp tục chọn bệnh viện (BV) tuyến trên cho an tâm.




Tình trạng quá tải ở một bệnh viện tuyến trên khiến bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang - Ảnh: Quang Định
Tình trạng quá tải ở một bệnh viện tuyến trên khiến bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang – Ảnh: Quang Định

Đây là kết quả khảo sát nhanh do Tuổi Trẻ thực hiện về việc khám chữa bệnh vượt tuyến với 100 bệnh nhân đang khám chữa bệnh ở các BV tại TP.HCM, trong đó có 80 bệnh nhân khám chữa bệnh tại các BV tuyến trên (như BV Chợ Rẫy, BV 115, BV Chấn thương chỉnh hình…) và 20 bệnh nhân khám chữa bệnh tại các BV tuyến dưới (như BV Q.Bình Tân, BV Q.Bình Thạnh…).

Khó khăn, vẫn đến 
bệnh viện lớn

Trong số 80 bệnh nhân đang khám chữa bệnh ở các BV tuyến trên trả lời khảo sát có đến 63,8% cho biết từng khám chữa bệnh tại các BV ở địa phương (tuyến dưới) nhưng sau cùng vẫn quyết định lên khám ở các BV tuyến trên. 36,2% còn lại cho biết chưa từng khám chữa bệnh ở BV tuyến dưới nhưng cũng không có ý định sẽ thử đến khám bệnh và điều trị tại đó.

Như câu chuyện của chị Nguyễn Thị Nga mặc dù nhà ở tỉnh Bình Dương nhưng chị vẫn đưa con trai đến BV Chấn thương chỉnh hình để kiểm tra cột sống. Nói về quyết định này, chị kể: “Trước đây chị tôi bị tai nạn giao thông phải bắt ốc ở chân.

Lúc đến BV ở tỉnh, bác sĩ yêu cầu mổ lấy ốc ở chân ra. Tuy nhiên, khi đến BV Chấn thương chỉnh hình, bác sĩ khuyên không nên lấy ốc ra vì đã 5 năm rồi, nếu lấy ra sẽ không đi lại được. Bác sĩ kê toa thuốc về uống và chân chị tôi không còn đau nhức nữa. Vì vậy, bây giờ tôi đưa con lên đây kiểm tra cho an tâm”.

“Cho an tâm” cũng là chia sẻ mà chúng tôi được nghe nhiều nhất (80% ý kiến) khi các bệnh nhân nói về lý do đến khám chữa bệnh tại các BV tuyến trên. Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, thiết bị y tế hiện đại, thuốc men đầy đủ, chất lượng điều trị tốt… cũng là những nguyên nhân khiến các bệnh nhân chọn BV tuyến trên để khám và điều trị.

“Chân tôi bị sưng, bác sĩ ở xã thì bảo không bị gì, còn bác sĩ ở huyện thì yêu cầu nhập viện. Tôi nhập viện hai tuần rồi mà không thấy bớt nên tôi tự lên BV Chấn thương chỉnh hình chữa trị” – chị Nguyễn Thị Phương (quê Đồng Tháp) kể.

Chị Phương nói thêm “bấm bụng lắm mới dám lên thành phố khám” vì tiền ngủ nghỉ mỗi ngày tốn hết 120.000 đồng, chưa kể tiền ăn uống ở thành phố cũng gấp đôi ở Đồng Tháp.

Không riêng chị Phương, hầu hết bệnh nhân được khảo sát đều cảm thấy khó khăn khi khám chữa bệnh vượt tuyến. Những khó khăn được kể đến như: đi lại xa hơn so với khám chữa bệnh ở BV tuyến dưới (71,3% ý kiến), mất thời gian nhiều hơn (55% ý kiến), BV luôn đông đúc nên chờ đợi mệt mỏi, chi phí khám chữa bệnh cao hơn tuyến dưới…

Khó khăn, trở ngại là vậy nhưng tâm lý chung của các bệnh nhân vẫn luôn muốn đến BV tuyến trên để khám chữa bệnh. Đối với những người mắc bệnh nặng hoặc những bệnh cần điều trị lâu dài thì việc chọn BV tuyến trên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có bệnh nhân chỉ bệnh nhẹ hoặc đi khám định kỳ nhưng nhất quyết không chọn BV tuyến dưới.

Thấy người khảo sát tỏ ra bất ngờ khi biết mình chỉ hơi nhức đầu nhưng vẫn quyết định đi từ Trà Vinh lên BV 115 khám, ông Đặng Văn Rạng Đông liền nói: “Có bệnh thì xa mấy, đắt mấy tôi cũng đi. Khám ở dưới chẩn đoán qua loa lắm, thấy bệnh nhẹ nhẹ vậy chứ lên trên này lại ra nhiều bệnh khác mà mình không biết”.

Đồ họa: Mạnh Tánh
Đồ hoạ: Mạnh Tánh

“Chẳng ai muốn đi xa…”

Trái ngược với ý kiến của phần đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở các BV tuyến trên là đánh giá không cao về BV tuyến dưới, 20 bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại các BV tuyến quận huyện ở TP.HCM lại đánh giá khá cao về đội ngũ y bác sĩ và dịch vụ khám chữa bệnh những nơi này. Quan trọng hơn, họ nhìn nhận việc khám chữa bệnh đúng tuyến có nhiều thuận lợi.

Trong số các bệnh nhân này, 75% ý kiến chọn khám chữa bệnh đúng tuyến để thuận tiện cho việc đi lại. Ngoài ra, BV gần nhà sẽ tiện cho người thân đến chăm sóc (70% ý kiến), không phải chờ đợi lâu như khi khám ở các BV tuyến trên (50%).

Bên cạnh đó, khám chữa bệnh đúng tuyến ít tốn kém chi phí hơn tuyến trên, đặc biệt là sau khi Luật bảo hiểm y tế mới không chi trả phí khám bệnh ngoại trú cho bệnh nhân vượt tuyến từ ngày 1-1-2015.

“Tôi nghĩ đã học ra trường thì bác sĩ nào cũng có khả năng khám chữa bệnh nên không việc gì phải đi xa. Chẳng qua hơn thua nhau ở thiết bị, máy móc nên tôi cứ khám ở đây, chừng nào bệnh không chữa được thì mới chuyển đi” – bà Võ Thị Nghĩa (đang khám chữa bệnh ở BV Q.Bình Thạnh) cho biết.

Cũng với ý kiến tương tự, bà Nguyễn Thị Cân (ở Gia Lai) kể bà bị đục thủy tinh thể, viêm võng mạc nhưng do thiếu trang thiết bị nên BV tỉnh khuyên bà đến BV Mắt ở TP.HCM chữa trị.

Bà Cân nói: “Bác sĩ ở chỗ tôi khám rất tốt, tận tình, chu đáo nhưng ngặt nỗi thiếu trang thiết bị, máy móc hiện đại để chữa bệnh cho tôi thì đành phải lên thành phố thôi. Chẳng ai muốn đi xa hết, nhất là tuổi già sức yếu”.

Thiếu trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ở các BV tuyến dưới là điểm được cả hai nhóm bệnh nhân trả lời khảo sát có cùng nhận định, với sự đồng thuận của 75% ý kiến từ người đang khám chữa bệnh ở BV tuyến dưới và 62,5% từ bệnh nhân khám chữa bệnh ở BV tuyến trên.

* Bà Nguyễn Thị Bích Thuỷ (Đồng Nai):

Tôi chấp nhận đi xa hơn vì đã có bệnh thì ở đâu tốt nhất là mình đến thôi. Lên TP.HCM có bác sĩ chuyên môn cao, lại chu đáo, nhìn trang thiết bị hiện đại cũng an tâm. Tôi chọn khám dịch vụ để bớt thủ tục và tiết kiệm thời gian, đỡ phải chờ đợi mặc dù tôi có bảo hiểm y tế.

* Ông Nguyễn Văn Rí 
(Tây Ninh):

Tôi nghe bà con mách lên BV 115 khám tốt, đầy đủ máy móc nên tôi đi. Có bệnh thì phải đi tìm thầy thôi, dù xa xôi hay đắt đỏ. Có điều di chuyển nhiều quá mà chúng tôi già rồi nên rất mệt mỏi.

* Ông Trần Văn Hải 
(Q.Bình Thạnh):

Tôi thường xuyên khám chữa bệnh ở BV Q.Bình Thạnh, thấy y bác sĩ ở đây rất tốt, tận tâm. Tuy nhiên, có một điều chưa hay ở các BV tuyến dưới là các phòng nội đều để là “nội tổng quát” chứ không chuyên từng khoa như BV tuyến trên nên đôi lúc khám cũng không an tâm lắm.

NHÓM KHẢO SÁT