28/11/2024

Thiếu gần 23.000 cán bộ y tế dự phòng: Khó cho phòng bệnh

Nếu có đủ cán bộ sẽ giúp phòng ngừa, giảm được bệnh tật và tình trạng quá tải tại các bệnh viện.

 

Thiếu gần 23.000 cán bộ y tế dự phòng: Khó cho phòng bệnh

 

Nếu có đủ cán bộ sẽ giúp phòng ngừa, giảm được bệnh tật và tình trạng quá tải tại các bệnh viện. 




Cục Y tế dự phòng cho biết hiện các cơ sở dự phòng ở tuyến huyện thiếu 17.500 cán bộ, ở tuyến tỉnh cần 5.300 cán bộ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam tiêm chủng cho người dân thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) - Ảnh: Lê Trung
Cục Y tế dự phòng cho biết hiện các cơ sở dự phòng ở tuyến huyện thiếu 17.500 cán bộ, ở tuyến tỉnh cần 5.300 cán bộ. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam tiêm chủng cho người dân thôn 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) – Ảnh: Lê Trung

Dịch bệnh và vấn đề an toàn thực phẩm lúc nào cũng nóng. Nếu làm dự phòng tốt, chi phí chữa bệnh sẽ giảm, bớt quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, ngành y tế dự phòng đang thiếu gần 23.000 cán bộ và nhiều thứ khác.

Trong khi đó, ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho rằng nên dành 50% ngân sách cho y tế dự phòng, như quốc tế thì nhà nước chỉ lo cho dự phòng, còn điều trị sẽ do các kênh như bảo hiểm hoặc nếu là bệnh viện tư thì do người bệnh chi trả.

Trong khi VN thì chi cho điều trị tới 60% tổng chi, dự phòng thì quy định 30% nhưng thực tế còn thấp hơn. Đáng nói là nếu làm dự phòng tốt, chi phí cho điều trị sẽ giảm, tuổi thọ khỏe mạnh sẽ cao lên.

“Tình trạng thiếu cán bộ trong lĩnh vực y tế dự phòng một phần bởi thu nhập giữa bác sĩ dự phòng và bác sĩ điều trị quá chênh lệch

Trên 10 năm nữa mới đủ nhân lực

Huyện Nậm Pồ là huyện mới được chia tách của tỉnh Điện Biên, đội y tế dự phòng của huyện chỉ có 7 cán bộ mà cả huyện có tới 15 xã. Đường từ trung tâm y tế huyện đến xã xa nhất tới 80km với nhiều đoạn đường đi khó khăn, nên mỗi đợt xuống xã với cán bộ của đội là một chuyến công tác dài.

“Trung bình lương của chúng tôi chỉ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng, đi công tác không có công tác phí mà chỉ được hưởng chế độ lưu động 5.000 đồng/người/ngày” – một cán bộ y tế dự phòng của tỉnh Điện Biên tâm sự.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, hiện Nậm Pồ là huyện thiếu cán bộ y tế dự phòng nhất ở tỉnh này – cần thêm 18 cán bộ. Ngay TP Điện Biên Phủ, địa bàn thuận lợi nhất của tỉnh, cũng cần thêm 6 cán bộ y tế dự phòng.

Theo quy định, số bác sĩ trong đội y tế dự phòng phải chiếm tỉ lệ 
20%, nhưng ở Điện Biên có 9/10 đội 
chỉ có 1 – 2 bác sĩ/đội, tỉ lệ chỉ 
đạt 5 – 10%.

Ông Trần Đắc Phu lý giải tình trạng thiếu cán bộ trong lĩnh vực y tế dự phòng một phần bởi thu nhập giữa bác sĩ dự phòng và bác sĩ điều trị quá chênh lệch. Bác sĩ dự phòng chỉ có lương “ba cọc ba đồng”, còn bác sĩ điều trị có thể mở phòng mạch, khám bệnh tại nhà buổi tối… thu nhập tiền triệu.

Các chuyên gia về điều trị thì có thể kiếm cả trăm triệu đồng/tháng, nhưng y tế dự phòng thì chịu. “Chính vì thế các trường phải đào tạo hệ cử nhân y tế công cộng bên cạnh bác sĩ y học dự phòng, vì nếu toàn đào tạo bác sĩ sau này họ lại chuyển sang điều trị hết thì sẽ không có người chống dịch, tiêm chủng, tham gia các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm…” – ông Phu cho biết.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy các cơ sở dự phòng ở tuyến huyện đang thiếu 17.500 cán bộ, ở tuyến tỉnh cần 5.300 cán bộ, trong đó 70% là bác sĩ hoặc có trình độ đại học, trong khi năm học vừa qua các cơ sở đào tạo y dược cả nước tuyển trên 1.200 bác sĩ y học dự phòng và cử nhân y tế công cộng, tương đương 1/5 của tổng quy mô đào tạo ngành y – dược.

Với quy mô đào tạo này, phải trên 10 năm nữa mới đủ bác sĩ và cử nhân y tế công cộng cho hệ dự phòng, nếu không phải nâng quy mô đào tạo lên gấp hai lần so với hiện nay.

Đặc biệt với những ngành đang “nóng” trong hệ y học dự phòng thì cán bộ còn thiếu nghiêm trọng hơn nữa: các trung tâm an toàn thực phẩm đang thiếu khoảng 96% cán bộ, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cần bổ sung trên 80% cán bộ, trung tâm sức khoẻ môi trường thiếu trên 36% cán bộ…

Cán bộ y tế dự phòng tiêm chủng cho người dân thôn 8B, xã Phước Lộc, là nơi xa nhất của huyện Phước Sơn, Quảng Nam - Ảnh: L.Trung
Cán bộ y tế dự phòng tiêm chủng cho người dân thôn 8B, xã Phước Lộc, là nơi xa nhất của huyện Phước Sơn, Quảng Nam – Ảnh: L.Trung

Đầu tư ít, 
trách nhiệm nhiều

Chị V.A. từng tốt nghiệp cử nhân đại học y tế công cộng và về công tác tại khoa kiểm soát dịch bệnh thuộc Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì, Hà Nội được sáu năm, nhưng thu nhập hiện nay của chị dưới 5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập loại rất thấp so với nhiều cán bộ y tế có trình độ tương đương ở hệ điều trị.

Có chồng công tác xa, nên vào mùa cao điểm của bệnh như đợt sốt xuất huyết lần này, chị V.A. càng thêm vất vả vì vừa đi làm tăng ca vừa một mình lo cho con nhỏ 5 tuổi.

Theo chị V.A., đợt dịch sốt xuất huyết lần này TP Hà Nội có hỗ trợ cho mỗi cán bộ tham gia dập dịch, bắt muỗi, diệt bọ gậy tính trên số hộ gia đình là 2.000 đồng/hộ nhưng mỗi ngày không được làm vượt quá 25 hộ, do đó thu nhập tăng thêm trong những ngày chống dịch của những cán bộ y tế dự phòng như chị V.A. sẽ vào khoảng 50.000 đồng/ngày.

Nhưng để kiếm được thêm 50.000 đồng, hơn một tháng nay chị V.A. cùng các đồng nghiệp phải đi sớm về muộn, làm việc không có ngày nghỉ. Không chỉ có đợt dịch sốt xuất huyết lần này mà tất cả những khi có dịch bệnh, những cán bộ y tế dự phòng như chị đều phải túc trực thường xuyên không kể nghỉ lễ, tết… nhưng số tiền hỗ trợ tăng thêm rất ít ỏi.

“Cũng có khi nhận được hỗ trợ từ phía chính quyền xã phường nơi có ổ dịch, tuy nhiên cao nhất thu nhập cũng chỉ khoảng 100.000 đồng/ngày, còn hầu hết là chúng tôi làm miễn phí” – chị V.A. cho hay.

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, khảo sát tại 15 tỉnh thành, mức chi bình quân cho y tế dự phòng xấp xỉ 16% tổng chi cho y tế, trong khi đó nghị quyết 18 của Quốc hội yêu cầu mức chi này phải ở mức 30%.

Trong số 15 địa phương được khảo sát, Đồng Nai chi xấp xỉ 50% chi phí y tế cho dự phòng và đây là địa phương “đặc biệt” nhất nước, bởi các địa phương còn lại phần lớn chi dưới 30% và không đạt yêu cầu chi cho y tế dự phòng trong nghị quyết, trong đó tỉnh Lạng Sơn chỉ chi 10%.

Tính chung 15 tỉnh thành được khảo sát đã chi xấp xỉ 1.400 tỉ đồng cho y tế dự phòng, thì chi lương, phụ cấp cho cán bộ gần 800 tỉ (56%), còn thực tế chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ chỉ… 17%! Thậm chí có năm Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn La, Kon Tum, Phú Yên, Đắk Lắk chi cho chuyên môn, nghiệp vụ chỉ đạt 3 – 7%.

Trong khi đó, trách nhiệm của y tế dự phòng lại rất lớn, theo ông Trần Đắc Phu, năm 2014 xảy ra dịch sởi làm 146 trẻ em tử vong, nhưng chiến dịch chích ngừa văcxin sởi – rubella triển khai từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015 giúp số mắc sởi năm 2015 còn dưới 50 ca, không có trường hợp tử vong.

Nguồn: Cục Y tế dự phòng - Đồ họa: Ngọc Thành
Nguồn: Cục Y tế dự phòng – Đồ hoạ: Ngọc Thành

Áp dụng mô hình CDC ở VN

Theo ông Phạm Văn Tác (vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế), VN có rất nhiều chuyên gia giỏi, quốc tế công nhận trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn y tế dự phòng lại đang thiếu, lượng nhân lực tuyến tỉnh mới đáp ứng 60% nhu cầu. Nhóm bác sĩ y học dự phòng phần lớn là bác sĩ đa khoa chuyển sang, chưa được đào tạo chính quy về 
y tế dự phòng.

Hiện ở tuyến tỉnh, hệ dự phòng thiếu người nhưng hệ thống chằng chịt với đủ loại trung tâm: an toàn thực phẩm, sức khỏe môi trường, trung tâm phòng chống sốt rét, trung tâm y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS…, cứ có trung tâm là có giám đốc, phó giám đốc, có kế toán, hành chính, cần trụ sở…

Theo ông Phạm Văn Tác, VN đang dự kiến triển khai mô hình CDC (trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh) như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia đã làm. Theo ông Tác, cách làm là từng bước sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng phòng chống dịch bệnh như phòng chống sốt rét, HIV/AIDS, phòng chống bệnh xã hội, y tế dự phòng vào làm một, giảm thiểu nhân lực ở bộ phận hành chính và tăng cường nhân lực cho công tác chuyên môn, giảm bớt tình trạng thiếu nhân lực hệ y tế dự phòng hiện nay.

Tuy nhiên, điểm còn vướng mắc trong hoạt động y tế dự phòng hiện nay là thiếu vốn. Khảo sát tại 30 tỉnh thành, Cục Y tế dự phòng mới thực hiện, cho thấy nếu không có ngân sách từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hầu như các đơn vị y tế dự phòng không thể thực hiện được các nhiệm vụ chuyên môn và chống dịch sẽ không hiệu quả, bởi phần ngân sách cấp đã phải dành tới 70 – 90% là chi lương, phụ cấp và duy trì các hoạt động thường xuyên.

Mấy năm nay dịch bệnh xuất hiện liên miên, chất lượng và an toàn thực phẩm lúc nào cũng hết sức nóng bỏng. Nếu làm dự phòng tốt thì điều trị sẽ bớt nằm ghép, bớt quá tải, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ sẽ gia tăng. Gần đây trong khuyến nghị về chính sách, có ý kiến đề nghị có bậc lương và thời gian tăng lương ưu đãi cho cán bộ y tế dự phòng.

Bao giờ sẽ có ưu ái ấy, bởi ngay từ bây giờ một việc có thể làm ngay, không tốn thêm bất kỳ chi phí gì là giảm số đầu mối và sáp nhập các đơn vị cùng chức năng, gọn nhẹ hơn cho bộ máy mà hoạt động lại hiệu quả hơn. Nhưng bao giờ và khi nào mới thực hiện dự định ấy?

Hệ thống y tế dự phòng TP.HCM chưa xứng tầm

Đội y tế dự phòng quận phối hợp với trạm y tế phường 10, quận 10, TP.HCM phun thuốc sát trùng - Ảnh: H.T.V.
Đội y tế dự phòng quận phối hợp với trạm y tế phường 10, quận 10, TP.HCM phun thuốc sát trùng – Ảnh: H.T.V.

Lãnh đạo trung tâm y tế dự phòng một quận của TP.HCM cho biết suốt tám năm nay trung tâm y tế dự phòng này không tuyển được một bác sĩ nào của Trường ĐH Y dược TP.HCM hay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch về làm việc.

Thu nhập thấp, không được làm công tác khám chữa bệnh, thậm chí phải xuống tận các khu dân cư để phòng chống dịch… là những lý do các bác sĩ trẻ mới ra trường không muốn về.

TP.HCM là TP lớn nhất cả nước với dân số khoảng 10 triệu người nhưng hiện nay hệ y tế dự phòng của TP chưa xứng tầm với vai trò chăm sóc sức khoẻ người dân để bảo vệ, giám sát, dự báo sức khoẻ cộng đồng.

Thực chất công tác y tế dự phòng rất quan trọng, cần thiết, là trung tâm hoạt động của ngành y tế. Trong khi các nước đầu tư nhiều cho hệ y tế dự phòng thì tại nước ta nguồn ngân sách cấp lại nghiêng về hệ điều trị.

Hiện nay công tác phòng chống dịch là “được chăng hay chớ”, “ào ào” với nhau chứ không chuyên nghiệp.

THÙY DƯƠNG ghi

Mở rộng lĩnh vực kiểm soát dịch bệnh

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) hiện nay được đổi tên từ “Center for Disease Control” từ năm 1980 với hàm nghĩa là nơi quy tụ của nhiều bộ phận phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

CDC có khoảng 15.000 nhân viên (thống kê năm 2008) từ các nhóm ngành nghề khác nhau như các nhà khoa học, sức khỏe, dịch tễ học, kinh tế học, truyền thông… với trên 80% có bằng cử nhân hoặc cao hơn.

CDC hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực dự phòng không những tại Mỹ mà còn ở một số nơi trên thế giới. Bên cạnh những hoạt động trước đây như kiểm soát sốt rét, lao, các bệnh lây qua đường sinh dục…

CDC cũng đang tập trung mở rộng ra một số lĩnh vực khác như kiểm soát các bệnh mãn tính, thương tích và thương tật, kiểm soát các mối nguy hiểm tại nơi làm việc hoặc các mối đe doạ sức khoẻ môi trường và kể cả mối nguy hại do khủng bố…

BS NGUYỄN TẤT BÌNH (Theo CDC)

Ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):

Nên nâng lương cơ bản và phụ cấp

Từ nay đến năm 2020 cần thực hiện các giải pháp để tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế dự phòng.

Trong đó, nên xây dựng chính sách ưu tiên, khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao làm việc cho lĩnh vực y tế dự phòng. Ưu tiên về học phí, học bổng cho học viên theo học các ngành có thể hướng tới phục vụ cho lĩnh vực y tế dự phòng.

Nâng mức lương cơ bản và phụ cấp đặc thù cho cán bộ công tác tại một số vị trí, cơ sở trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Bên cạnh đó, để nâng chất lượng nguồn nhân lực, cần thống nhất khung, chương trình đào tạo trong hệ thống các cơ sở đào tạo trên phạm vi cả nước.

Xây dựng các giáo trình đào tạo chuẩn và thống nhất, thường xuyên cập nhật kiến thức trong nước và quốc tế, đào tạo chuyên ngành sâu trong lĩnh vực y tế dự phòng. Xây dựng đề án đào tạo giáo viên, giảng viên làm “máy cái” cho hệ thống đào tạo y tế dự phòng.

Chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, giảng viên về các lĩnh vực chuyên môn y tế dự phòng. Thực hiện gắn kết mô hình viện – trường, khuyến khích đào tạo nội trú, đào tạo chuyên khoa định hướng ở một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực y học dự phòng.

Đồng thời nên đầu tư, nâng cấp cơ sở thực hành y tế dự phòng ở các tuyến để sinh viên có đủ điều kiện thực hành đáp ứng yêu cầu về đào tạo.

L.Anh ghi

 

LAN ANH – QUỲNH LIÊN ([email protected])