Thay đổi cách làm để ngăn hành hạ trẻ
Nuôi dưỡng, dạy dỗ một đứa trẻ bình thường nên người đã khó, nuôi dạy những trẻ em chẳng may nhiễm bệnh hay khuyết tật còn khó gấp nhiều lần.
Thay đổi cách làm để ngăn hành hạ trẻ
Nuôi dưỡng, dạy dỗ một đứa trẻ bình thường nên người đã khó, nuôi dạy những trẻ em chẳng may nhiễm bệnh hay khuyết tật còn khó gấp nhiều lần.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiên (bìa phải) – đại diện Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân – tiếp nhận quyết định thanh tra – Ảnh: Hữu Khoa |
Từ câu chuyện “Hành hạ trẻ HIV trong bữa ăn” (Tuổi Trẻ ngày 6-4), các chuyên gia, nhà tâm lý đã bàn biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
* Tiến sĩ – bác sĩ LÊ TRƯỜNG GIANG (chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM):
Phải chọn người có tấm lòng
Việc ngược đãi trẻ em vốn là hành vi bị xã hội lên án. Hành vi này lại xảy ra ở một cơ sở được thành lập với mục đích nhân đạo để cưu mang những đứa trẻ vô tội hứng chịu hậu quả từ hành vi của cha mẹ, của xã hội như Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thì càng đau lòng.
Việc xử lý sai phạm là cần thiết nhưng không phải mục đích sau cùng. Điều quan trọng là làm sao để việc này không tái diễn.
Tôi cho rằng trước hết tiêu chí tuyển chọn người làm việc ở trung tâm là chọn những người không phải lao động kiếm tiền mà phải có tình, có nghĩa, có điều kiện, tấm lòng để chăm sóc các em, đồng thời về mặt quản lý cần có sự kiểm soát thường xuyên.
Việc gắn camera theo dõi phải trở thành tiêu chuẩn bắt buộc để có thể kiểm soát được và ít nhất là một biện pháp để ngăn ngừa.
Với xu thế thay đổi quan niệm HIV không phải “bản án tử hình” nữa mà là một căn bệnh mãn tính, có thể điều trị thường xuyên thì cách nuôi dạy các em hiện nay đến một lúc nào đó sẽ phải thay đổi, để các em có thể được nuôi dạy, hòa nhập với những đứa trẻ bình thường.
Tuy nhiên điều này cần một lộ trình và chờ sự kỳ thị của xã hội đối với căn bệnh này giảm bớt.
* Bác sĩ PHẠM NGỌC THANH (nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM):
Tuyển bảo mẫu cần biết cả tuổi thơ của họ
Tôi đã có 10 năm làm việc với trẻ chịu tổn thương bởi HIV/AIDS. Hầu hết trẻ được đưa vào nuôi dưỡng ở các trung tâm dành cho trẻ bị tổn thương, bị ảnh hưởng bởi HIV là trẻ mồ côi, thiếu tình thương của cha mẹ.
Các em bị sang chấn tâm lý và nhạy cảm gấp đôi những đứa trẻ bình thường. Bảo mẫu chăm sóc các em phải có tâm thật sự, bởi các em nhỏ thường xuyên bị trầm cảm, buồn bã nên cần được đối xử nhẹ nhàng, yêu thương. Khi trẻ buồn chán không muốn ăn thì phải tìm hiểu nguyên nhân, vỗ về…
Tìm bảo mẫu chăm sóc trẻ cần tìm hiểu cả tâm lý và tuổi thơ của các cô bảo mẫu như thế nào. Nếu hồi nhỏ họ sống trong môi trường bạo lực, bố mẹ đánh đập thì có những hành vi họ lặp lại một cách vô thức, họ không nghĩ đó là bạo lực.
Chính những bảo mẫu này cũng cần phải điều trị tâm lý. Những đứa trẻ bị tổn thương vốn đã mong manh, sống với những cô bảo mẫu như vậy sẽ có những rối loạn nhân cách, không có thuốc chữa mà phải mang suốt đời.
* Ông PHẠM ĐÌNH GIANG (giám đốc Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động số II Hà Nội – Ba Vì, Hà Nội):
Phải đào tạo bài bản
Hiện nay trung tâm chúng tôi đang nuôi dạy 79 trẻ. Tất cả các em đều thuộc nhóm trẻ thiệt thòi và dễ bị tổn thương, bị bỏ rơi trên địa bàn TP Hà Nội, hoặc do gia đình không có điều kiện chăm sóc nên đưa vào đây. Những cán bộ được tuyển dụng vào đây làm việc được các em thương quý gọi là bố, là mẹ, cùng sinh hoạt, cùng ở trong nhà với các em.
Về đội ngũ cán bộ quản lý, hiện chúng tôi có 29 người, đều được đào tạo bài bản về kỹ năng sư phạm, tâm lý, y tế giáo dục… Trước đây, năm 2009, Hội Phòng chống HIV/AIDS Bộ Y tế có về phối hợp với trung tâm mở một lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc người bị nhiễm HIV.
Khi đó, một số chị em vốn là học viên cai nghiện, người bị nhiễm HIV tự nguyện đăng ký tham gia lớp học. Xong khóa học, một số chị thương cảm xin tình nguyện ở lại chăm sóc, gắn bó với các em nhỏ. Có người gắn bó cả hơn chục năm trời.
Nhưng vì vốn không được đào tạo chuyên nghiệp bài bản, họ cũng chỉ tình nguyện làm một số công việc như dọn dẹp, nấu cơm chứ không thể trực tiếp nuôi dạy các bé như cán bộ quản lý được.
Tôi nghĩ việc nuôi dạy những trẻ em dễ bị tổn thương phải xuất phát từ tấm lòng bao dung, yêu thương con trẻ bởi trẻ đã rất thiệt thòi về thể chất lẫn tinh thần.
Với những trường hợp tự nguyện chăm sóc trẻ em như tôi vừa nói, họ thậm chí không cần được trả thù lao mà chỉ mong muốn được gần gũi và chăm sóc các em bé, thương các em nhỏ như con cháu mình…
* Ông NGUYỄN HỒNG HÀ (phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM):
Cần xem lại trách nhiệm lãnh đạo trung tâm Có đi thăm, tìm hiểu tại nhiều trung tâm, đặc biệt là Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, mới thấy được tình cảnh của các em ở đây cũng như sự vất vả của các bảo mẫu. Đã chọn công việc chăm sóc các em bị HIV, tôi nghĩ không chỉ là công việc, các bảo mẫu còn có một cái tâm thương yêu trẻ em có hoàn cảnh đáng thương, bị bệnh. Tuy nhiên cách thể hiện của một số bảo mẫu như vừa qua được báo chí phản ánh là không thể chấp nhận được. Đặc biệt, lãnh đạo Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân chỉ đổ lỗi cho bảo mẫu: “Các cô này không bình thường” là chưa thể hiện được trách nhiệm của mình. Lập luận rằng hành vi hành hạ trẻ em có thể đã xảy ra nhiều lần, trong giờ ăn là giờ hành chính thì sự giám sát của lãnh đạo trung tâm này như thế nào, vì sao không phát hiện để kịp thời chấn chỉnh? Chưa kể trong khâu tuyển dụng, đào tạo nhân sự cho trung tâm không đạt chất lượng hoặc có vấn đề mới để xảy ra tình trạng như thế. Đây cũng là việc mà các cơ quan quản lý cần rà soát, xem xét để có điều chỉnh, hạn chế phát sinh những sự việc tương tự. |
Tạm đình chỉ giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân Ngày 7-4, ông Trần Trung Dũng – giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM – đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiên – giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân – từ ngày 7-4 đến hết ngày 21-4-2015 để kiểm điểm những vụ việc xảy ra tại trung tâm này trong thời gian qua. Cùng ngày, ông Dũng đã phân công ông Lê Chu Giang – trưởng phòng bảo trợ xã hội của sở – phụ trách điều hành toàn diện hoạt động tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, kể từ ngày 7-4. * Cũng trong ngày 7-4, bí thư Đảng ủy Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM đã có quyết tạm đình chỉ chức vụ bí thư chi bộ Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiên kể từ ngày 7-4 đến khi hoàn tất việc kiểm điểm. * Sáng 7-4, ông Huỳnh Tấn Dũng – chánh thanh tra Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM – đã công bố quyết định thanh tra đối với Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Thời hạn thanh tra là bảy ngày, kể từ lúc công bố quyết định thanh tra. “Chúng tôi cảm thấy đáng tiếc về vụ việc xảy ra tại trung tâm và phải làm rõ ngay. Nếu trong quá trình thanh tra, cần thêm thời gian thì trưởng đoàn báo cáo để xin ý kiến”, ông Huỳnh Tấn Dũng nói. * Chiều cùng ngày, đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết đang phối hợp với Công an P.Linh Xuân để xác minh, làm rõ nội dung báo Tuổi Trẻ nêu. |