01/11/2024

Dạy con yêu quê hương, yêu gia đình

Đọc bài báo “Con mong về ăn tết cùng ông bà” (Tuổi Trẻ 4-2) khiến tôi suy nghĩ nhiều về tình cảm gia đình trong những ngày chuẩn bị đón xuân mới.

 

Dạy con yêu quê hương, yêu gia đình

 

Đọc bài báo “Con mong về ăn tết cùng ông bà” (Tuổi Trẻ 4-2)  khiến tôi suy nghĩ nhiều về tình cảm gia đình trong những ngày chuẩn bị đón xuân mới. 

 

 

 

Sau bài viết “Con mong về ăn tết cùng ông bà” (Tuổi Trẻ 4-2) của tác giả Nguyễn Minh Thanh, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi quanh bài viết này, trong đó hầu hết đều mong muốn “các bậc làm cha làm mẹ hãy tạo điều kiện cho các cháu ăn tết cùng ông bà ở quê hương” vì “cái tết cổ truyền ở quê hương vô cùng ý nghĩa”…

Đọc bài báo khiến tôi suy nghĩ nhiều về tình cảm gia đình trong những ngày chuẩn bị đón xuân mới.

Có lẽ, ước mơ giản dị của một học sinh được về quê đón tết cùng ông bà sẽ làm người lớn phải suy ngẫm nhiều. Một ước mơ rất ý nghĩa nhưng khó trở thành hiện thực đối với con trẻ khi các bậc làm cha làm mẹ có đủ những lý do của mình để không về quê.

Tôi biết rằng có nhiều gia đình “hoàn cảnh” lắm nên việc về quê đón tết rất khó. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều gia đình hay viện lý do để ở lại. Điều này không cần bàn luận vì người lớn chúng ta hiểu quá rõ.

Với gia đình, những bậc làm cha làm mẹ hãy gieo cho con tình yêu quê hương, quý trọng ông bà ngay từ thuở ấu thơ.

Hãy tạo điều kiện cho con về thăm ông bà, họ hàng chí ít vài ba năm một lần.

Với nhà trường, ngoài kiến thức sách vở, thầy cô cần dạy cho học sinh những điều quý giá trong cuộc sống: yêu quê hương, yêu gia đình…

Đứa con lớn của tôi sắp tròn 8 tuổi. Gần tám năm qua, cháu đã được về quê năm lần vào dịp hè và tết. Nhà ngoại hiện tại ở Nam (gốc Bắc), nhà nội ở Bắc nên tôi luôn tâm sự với cháu về quê hương của mình.

Là một người thầy, ngoài kiến thức sách vở, tôi thường dạy các em học sinh những kiến thức cần thiết trong đời sống hằng ngày qua những thước phim trong bài giảng giáo án điện tử. Tôi dạy cho học trò bắt đầu từ những gì gần gũi nhất, giản dị nhất.

Với những đứa con của mình, tôi cũng dạy các con khôn lớn bắt đầu từ việc nhỏ, bắt đầu từ những gì thân thương của tình cảm gia đình, trong đó có tình cảm của ông bà, những người đã sinh ra cha mẹ của các cháu.

Càng lớn cháu càng thích về quê dịp hè và tết. Nghỉ hè hay nghỉ tết, cháu cứ thủ thỉ với cha mẹ về quê để thăm ông bà, quê hương.

Nhiều lúc tôi tâm sự với mọi người rằng cha mẹ đã già, mình cần sắp xếp thời gian về thăm, số lần về thăm cha mẹ giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, không biết về thăm cha mẹ được bao lần nữa nên cố gắng sắp xếp thời gian để về quê đoàn viên.

Dẫu biết rằng kinh tế hạn hẹp, song tình cảm gia đình thiêng liêng và sâu nặng nên tôi vẫn hay về quê hương. Có ông bà mới có các cháu, bởi vậy tôi luôn dạy con mình luôn nghĩ về ông bà, nghĩ về quê hương.

Về quê thăm ông bà, trẻ nhỏ sẽ có nhiều bài học quý từ thực tế. Ngoài tình cảm gia đình thiêng liêng và sâu nặng thì trẻ nhỏ còn mở rộng tầm hiểu biết những gì gần gũi, thân thương của làng quê VN, dân tộc VN mà ở thành phố không dễ gì biết được như đồng lúa, hàng tre, đàn cò, con trâu, con bò, dòng sông trong xanh… và được vui chơi trong không gian rộng lớn của đồng quê, vui chơi với anh em, bạn bè – nơi tuổi thơ nhiều kỷ niệm.

Những ngày vừa qua cháu cũng muốn tết này về quê thăm ông bà, cháu nói: “Con thích về quê thăm ông bà. Ăn tết ở quê vui hơn trong này. Hay tết này mình về quê đi cha?”.

Nghe con nói, thật lòng tôi rất muốn về. Những ngày giáp tết, lòng xốn xang khi nghĩ về quê hương. Tôi giải thích cho con hiểu vì sao tết này gia đình không về quê. Tết năm ngoái mới về. Hè vừa rồi ông bệnh, cả gia đình cũng mới về nên việc tết này về không dễ thực hiện. Nam – Bắc cách xa, mỗi lần về một lần khó, kinh tế có hạn.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn mỗi năm đưa con về quê một lần bởi các cháu về thăm ông bà chẳng được bao lần nữa. Ông bà đã già, các cháu về quây quần bên ông bà là món quà giá trị nhất.

Cái tết cổ truyền ở quê hương vô cùng ý nghĩa. Rất mong các bậc làm cha làm mẹ hãy tạo điều kiện cho các cháu ăn tết cùng ông bà ở quê hương.


THÁI HOÀNG