Không tán thành đề xuất buộc sinh viên phải nhập ngũ
Trong buổi thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 19.1, đa số các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề xuất sinh viên đang học đại học cũng phải gọi nhập ngũ.
Không tán thành đề xuất buộc sinh viên phải nhập ngũ
Trong buổi thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hôm nay 19.1, đa số các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội không đồng ý với đề xuất sinh viên đang học đại học cũng phải gọi nhập ngũ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, Thường trực Uỷ ban này đề nghị luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định sinh viên đang học đại học chính quy cũng không được tạm hoãn gọi nhập ngũ, để đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, cần quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình.
Cụ thể như tham gia chương trình thanh niên trí thức tình nguyện, thực hiện nghĩa vụ quân sự thông qua việc tham gia đào tạo sĩ quan dự bị; tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một tại các đơn vị quân đội hoặc trung tâm giáo dục quốc phòng theo quy định của Chính phủ.
Không tạm hoãn sẽ gây tốn kém, lãng phí tiền của xã hội
Tuy nhiên đề nghị không tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đối với đối tượng sinh viên không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị giữ quy định tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với sinh viên đang theo học hệ chính quy.
“Nếu sinh viên đang học mà gọi nhập ngũ thì đó là chúng ta đang coi nghĩa vụ quân sự là số một và không quan tâm gì đến những vấn đề khác”, ông Thi nói, và đề nghị không nên đặt ra vấn đề sinh viên đang học lại bị gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, vì việc đó ảnh hưởng đến quá trình học tập, đào tạo, gây tốn kém, lãng phí tiền của của xã hội.
Ý kiến của ông Đào Trọng Thi nhận được sự đồng tình của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách. Theo ông Hiển, thời kỳ 1979 khi có chiến tranh ở biên giới phía Bắc, mặc dù có lệnh tổng động viên nhưng vẫn cho phép tạm hoãn đối với sinh viên.
Tương tự, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đồng tình việc không gọi nhập ngũ đối với sinh viên, vì theo ông Ksor Phước, quá trình học tập phải liên tục, nếu sau hai năm quay lại sẽ có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ông Ksor Phước đề nghị vẫn quy định sinh viên hệ chính quy phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Trình bày ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, mặc dù quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội muốn gọi hết số thanh niên đến độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự nhưng trên thực tế là điều rất khó. “Độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự một năm toàn quốc là 7 – 8 triệu người, mỗi năm số người vào làm nghĩa vụ 700.000 – 800.000 nhưng quân đội mỗi năm chỉ tuyển 100.000 người nên tuyển không hết”, Bộ trưởng Thanh cho biết.
Theo Bộ trưởng Quốc Phòng, không nên đưa ra quy định “sinh viên tự bảo đảm chi phí để tham gia chương trình huấn luyện quân sự tập trung ba tháng để chuyển thành quân nhân dự bị hạng một tại các đơn vị quân đội hoặc trung tâm giáo dục quốc phòng…”, vì điều này hoàn toàn bất khả thi.
Theo Bộ trưởng Thanh, toàn bộ 32 trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh trên toàn quốc hiện nay chỉ có khả năng đảm bảo huấn luyện cho khoảng 375 nghìn người/năm, với thời gian huấn luyện 1 tháng. Do vậy, để đảm bảo cho hàng triệu sinh viên vào học là không phù hợp thực tế. Quy định này theo Bộ trưởng Thanh cũng không công bằng giữa người có tiền và không có tiền, đồng thời cũng hạn chế nguồn chất lượng tham gia quân đội.
Bộ trưởng Thanh cũng đồng tình với quan điểm tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với đối tượng sinh viên hệ chính quy, vì số lượng tuyển vào quân đội hàng năm không lớn nhưng để quy định treo, sinh viên sẽ không yên tâm học tập vì không biết lúc nào sẽ bị gọi nhập ngũ. Bên cạnh đó, quy định này còn dễ tạo ra các kẽ hở trong quá trình tuyển quân.
Trường Sơn