30/12/2024

Làm gì khi có người doạ giết?

Nhiều người bị kẻ xấu đe doạ, hãm hại nhưng không biết phải làm sao. Ai sẽ bảo vệ họ trước cái ác và họ phải làm gì khi tính mạng của họ bị đe doạ?

 

Làm gì khi có người doạ giết?

 

Nhiều người bị kẻ xấu đe doạ, hãm hại nhưng không biết phải làm sao. Ai sẽ bảo vệ họ trước cái ác và họ phải làm gì khi tính mạng của họ bị đe doạ?

 

 

 

 

Làm gì khi có người dọa giết?
Bà Uyên bị kẻ xấu tạt axit – Ảnh do nạn nhân cung cấp

Bà Nguyễn Thị Tú Uyên (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn không quên những ngày tháng kinh hoàng đeo đẳng bà trong ngàn ngày qua khi phải chịu đựng nỗi sợ hãi vì liên tục bị kẻ ác đe doạ và ra tay hãm hại nhiều lần.

Liên tục bị hãm hại

Sáng 5-1-2012, bà Uyên đang chạy xe máy đến đoạn đường Tân Thành (Q.Tân Phú) thì có bốn thanh niên đi trên hai xe máy đuổi theo ép té ngã xuống đường. Tiếp đó, nhóm thanh niên xông vào đánh tới tấp vào đầu rồi dùng dao rạch nát mặt nạn nhân.

Trong cơn hoảng loạn, đau đớn bà Uyên kêu cứu nhưng không ai dám lại gần. Gương mặt của bà chằng chịt những vết cắt ngang dọc. Sau lần đó, bà Uyên sợ không dám đi đâu một mình.

Chưa đầy một tháng sau, vào lúc 19g ngày 1-3-2012, trong khi cùng chồng đi ăn tối gần ngã tư Nguyễn Sơn – Đinh Liệt (Q.Tân Phú) thì bất ngờ có hai thanh niên chạy xe máy từ phía sau vượt lên dùng ống bơm xịt axit vào mặt bà.

Hậu quả bà Uyên bị phỏng độ 2-3 vùng tai trái, gáy, cổ, vai và ngực với tỉ lệ thương tật 10%. Bà Uyên phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ để phục hồi phần nào cơ thể bị biến dạng.

Sau đó năm tháng, một buổi tối 16-8, ôtô chở bà Uyên dừng trước cửa nhà thì một thanh niên chạy xe máy tới đập mạnh thùng sơn lên đầu bà.

Tự bảo vệ

Bà Uyên khẳng định sau mỗi lần bị hãm hại bà đều báo công an và đề nghị điều tra, truy tìm hung thủ và có biện pháp bảo vệ bà. Ngau sau lần bị rạch mặt, bà đến Công an P.Tân Thành trình báo sự việc.

Đến vụ bị tạt axit, do đã có thông tin nghi vấn về người hãm hại mình nên bà gửi đơn tố cáo đến Công an Q.Tân Phú và đề nghị có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ.

Trong khi vụ việc chưa được đưa ra ánh sáng thì bà Uyên lại tiếp tục bị kẻ xấu tấn công bằng thùng sơn. Lo sợ kẻ xấu tiếp tục ra tay thêm lần nữa, gia đình bà Uyên đã thuê bảo vệ đưa đón bà từ nhà đến nơi làm việc.

Nỗi lo sợ của bà Uyên tưởng như được giải tỏa khi một ngày cuối tháng 11-2013, một người lạ cung cấp cho bà thông tin về kẻ chủ mưu và hung thủ ra tay hãm hại bà. Từ thông tin bà Uyên cung cấp, cơ quan điều tra đã mời một số đối tượng nghi là chủ mưu và trực tiếp gây án đến làm việc.

Ngày 15-1-2015, Công an Q.Tân Phú ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích đối với bà Uyên. Bốn tháng sau, ngày 15-5-2015, vụ án bị tạm đình chỉ điều tra vì chưa xác định được bị can.

Sau khi vụ án bị đình chỉ, bà Uyên liên tục nhận được tin nhắn thách thức, đe dọa tính mạng. Lo sợ sẽ bị kẻ ác tiếp tục ra tay, bà Uyên đã xin nghỉ việc.

“Từ đó đến nay tôi luôn sống trong sợ hãi và có cảm giác có người hành hung bất cứ lúc nào” – bà Uyên tâm sự.

Thời hạn xử lý tin tố giác tội phạm

Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong trường hợp này, cơ quan điều tra Công an Q.Tân Phú áp dụng quy định tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố và thông tư liên tịch 06/2013 để giải quyết.

Theo đó, trong thời hạn 20 ngày kể từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra phải xác minh và ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Với vụ việc phức tạp có thể kéo dài thêm nhưng không quá hai tháng.

Còn thông tư 06 quy định trong thời hạn 12 ngày làm việc khi kết thúc giải quyết thì cơ quan tiếp nhận phải thông báo cho tổ chức, cá nhân về kết quả giải quyết.

Đối chiếu trường hợp của bà Uyên bị kẻ xấu hành hung ngày 5-1-2012, bà đã báo cho Công an P.Tân Thành để nơi này báo lên cho Công an Q.Tân Phú.

Tuy nhiên đến hơn ba năm sau Công an Q.Tân Phú mới ra quyết định khởi tố vụ án là không đúng quy định về thời hạn tiếp nhận, giải quyết tin tố giác tội phạm.

Bảo vệ tính mạng 
người tố giác

Một lãnh đạo Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại thông tư 06.

Theo vị lãnh đạo này, người dân tố giác, báo tin tại công an phường, xã, thị trấn, đồn công an gần nhất. Sau đó công an cấp cơ sở sẽ báo cho công 
an quận.

Cũng theo vị này, có 34 loại tin báo, tố giác mà ngay khi tiếp nhận thì cán bộ công an phường phải báo vượt cấp ngay về cho công an quận để xử lý. Đó là những tố giác, tin báo về hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng như chết người, đánh nhau gây trọng thương, hiếp dâm…

Vị này lưu ý khi người dân tố giác báo tin về tội phạm thì phải cung cấp các chứng cứ, đầy đủ, cụ thể, kể cả mối đe doạ để cán bộ công an đánh giá chính xác, toàn diện, từ đó đề ra hướng giải quyết phù hợp nhất.

Trường hợp người dân tố giác, báo tin vì biết có người hãm hại, dù hành vi, hậu quả chưa xảy ra nhưng có các dấu hiệu cụ thể (tin nhắn đe doạ, tờ rơi đe dọa, nhân chứng biết được kế hoạch…) thì cán bộ tiếp nhận sẽ đánh giá, phân loại và có biện pháp răn đe, xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Luật sư Nghị cho biết pháp luật hiện hành cũng quy định rất rõ về việc bảo vệ tính mạng, an toàn cho người tố giác tội phạm.

Cụ thể, điều 4 thông tư 06 quy định cơ quan tiếp nhận, giải quyết phải giữ bí mật cho người cung cấp tin và hướng dẫn họ biện pháp, cách thức giữ bí mật những thông tin đã cung cấp, tố giác.

Trường hợp xét thấy cần thiết, cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố có trách nhiệm áp dụng hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản cho người đã tố giác tội phạm cùng người thân của họ.

Mọi trường hợp không làm hoặc làm trái các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố dẫn đến không kịp thời ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội, người phạm tội bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, xoá dấu vết phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Tăng Châu Long, phó trưởng Công an Q.Tân Phú, cho rằng cơ quan điều tra tạm đình chỉ vụ án vì chưa tìm ra được thủ phạm. Vụ án chỉ tạm đình chỉ, khi có cơ sở sẽ phục hồi điều tra.

“Cơ quan điều tra đã tiếp nhận tin báo, tố giác từ nạn nhân và cũng tiến hành các bước xác minh, điều tra theo đúng quy định với vai trò của mình” – ông Long nói.

Bà Uyên bị nhóm người rạch mặt giữa ban ngày là sự việc có động cơ trả thù, hãm hại rõ ràng và bà đã trình báo công an.

Nhưng sau đó thêm hai lần bà Uyên bị hãm hại giữa chốn đông người là có phần trách nhiệm của cơ quan công an vì thiếu biện pháp ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả.

(Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị)

ÁI NHÂN – KIM ANH