Vì sao tài xế ‘phản kháng’ trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà?
Trong những ngày gần đây, trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hoà trên quốc lộ 1 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị các tài xế phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm khiến xe ùn tắc, chủ đầu tư phải xả trạm.
Vì sao tài xế ‘phản kháng’ trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà?
Trong những ngày gần đây, trạm thu phí tuyến tránh TP Biên Hoà trên quốc lộ 1 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bị các tài xế phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm khiến xe ùn tắc, chủ đầu tư phải xả trạm.
Cử tri rất bức xúc về việc trạm thu phí đặt không đúng vị trí. Có người không đi tuyến tránh vẫn phải trả tiền. Chúng tôi kiến nghị xem xét lại vị trí đặt trạm nhưng chưa được giải quyết. Nếu không dời trạm thì lòng dân sẽ không an
Bà Nguyễn Thị Nga (chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Trảng Bom)
Theo chính quyền địa phương, nhiều năm qua, người dân rất bức xúc bởi trạm này thu phí cao, vị trí đặt không hợp lý.
“Tài xế phản kháng để thức tỉnh cơ quan quản lý nhà nước khi tiếng nói người dân không được xem xét thấu đáo” – một vị lãnh đạo ở huyện Trảng Bom cho hay.
Dân phản đối
Dự án BOT tuyến tránh TP Biên Hòa do Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận (trực thuộc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận – IDICO, Đồng Nai) làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, ban đầu Bộ GTVT chỉ cho phép xây dựng tuyến quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hoà (nay gọi là đường Võ Nguyên Giáp) có chiều dài 12,2km.
Nhưng đến tháng 2-2014, Bộ GTVT lại có văn bản bổ sung, cho chủ đầu tư làm thêm phần cải tạo 10,7km nền, mặt đường quốc lộ 1 với số tiền gần 235 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 1.506 tỉ đồng.
Sau khi cho phép chủ đầu tư cải tạo mặt đường quốc lộ, Bộ GTVT còn đồng ý cho đặt trạm ở quốc lộ 1, thu phí với thời hạn 10 năm 2 tháng. Do vị trí đặt trạm không hợp lý, nên những người không đi trên tuyến tránh TP Biên Hoà vẫn phải trả phí.
Anh Phan Minh Tâm – một tài xế nhà ở xã Trung Hoà (gần trạm thu phí) – kể: “Đường tránh TP Biên Hoà nằm xa lắc mà người ta cho phép đưa trạm ra đặt tại đây. Tôi không đi đường tránh, nhưng xe ôtô 4 chỗ cứ phải mất 35.000 đồng/vé”.
Không chỉ là nỗi khổ của người dân ở gần trạm thu phí, những công nhân tăng ca, tăng giờ cũng “è” cổ ra phụ trả tiền vé suốt mấy năm qua.
Chị Thu Loan – một công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) – nói: “Tôi phải trả phí thì tài xế mới chịu đưa rước. Họ kêu thua lỗ do trạm. Trước đây chỉ trả 170.000 đồng/tháng nhưng nay tôi trả cho nhà xe 200.000 đồng/tháng”.
Ông Lê Nhật Trường – chủ tịch công đoàn Công ty TNHH PouSung VN (Khu công nghiệp Bàu Xéo) – cho biết:
“Mỗi ngày công ty chúng tôi thuê đoàn xe hơn 270 chiếc đưa rước khoảng 13.000 công nhân đến công ty làm việc. Từ khi có trạm đặt gần khu công nghiệp, xe đưa đón chỉ đi 2km nhưng vẫn phải trả tiền vé qua trạm, tài xế rất than phiền. Họ trả phí qua trạm thì tất nhiên phải thu thêm tiền của công nhân”.
Theo ông Trường, trạm thu phí đặt cách tuyến tránh Biên Hòa về hướng bắc quốc lộ 1 đến gần 10km. Việc này gây khó khăn cho hàng ngàn công nhân khi phải trả thêm tiền cho nhà xe.
“Công ty từng có văn bản kiến nghị xem xét việc giảm giá vé cho nhà xe nhưng không được” – ông Trường kể.
Ông Nguyễn Thành Đồng – chủ tịch UBND xã Trung Hoà - cho biết: “Dân không đồng ý đặt trạm ở địa phương, họ nói đâu có đi đường tránh mà trả phí. Gần đây xảy ra việc trả tiền lẻ qua trạm gây kẹt xe, địa phương cũng rất mệt mỏi”.
“Na ná như trạm Cai Lậy”
Nêu những bất hợp lý của trạm thu phí, ông Trần Phước Anh – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh Đồng Nai – cho hay:
“Từ năm 2014, khi trạm bắt đầu hoạt động, chúng tôi đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ VN kêu cứu cho giới vận tải. Họ trả lời việc chủ đầu tư đặt trạm nằm trong phạm vi dự án dài 22,9km là để thu hồi vốn, được Bộ GTVT cho phép. Chúng tôi ấm ức lắm nhưng đành chịu”.
Theo ông Anh, vị trí đặt trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà trên quốc lộ 1 “na ná” như trạm thu phí Cai Lậy. “Bộ GTVT đang đề nghị miễn, giảm giá vé cho người dân quanh khu vực trạm, nhưng theo tôi, cần phải rà soát lại dự án này, dời trạm về đúng vị trí của nó” – ông Anh đề nghị.
Trả lời về ý kiến đề nghị dời trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà, ông Nguyễn Văn Khang – giám đốc IDICO – giải thích: “Chúng tôi làm 2 đoạn, một đoạn tuyến tránh TP Biên Hoà và một đoạn trên quốc lộ 1 với tổng chiều dài 22,9km.
Đoạn quốc lộ 1 chúng tôi cải tạo mặt đường, nâng cấp lên 4 làn xe chứ không thể nói chắp vá, đổ nhựa lên là xong.
Việc đặt trạm chúng tôi đâu thể quyết định mà phải có ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ GTVT. Mức thu phí cũng được Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép mới thực hiện, chúng tôi không tự đưa ra”.
Liên quan việc dời trạm, đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai nói: “Đây là dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Hiện Tổng cục Đường bộ đã lập ban chỉ đạo rà soát lại các trạm thu phí. Khi nào làm việc với địa phương, chúng tôi sẽ có ý kiến cụ thể về những kiến nghị của người dân cũng như những vấn đề bất hợp lý của trạm”.
Đồng Nai kiến nghị giảm giá vé
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam giảm giá vé qua trạm.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà có mức thu 35.000 đồng/xe dưới 12 chỗ/lượt là khá cao so với các trạm khác tại khu vực (trạm cầu Đồng Nai thu 15.000 đồng, trạm quốc lộ 1K thu 10.000 đồng, trạm quốc lộ 51 thu 20.000 đồng).
Đồng Nai kiến nghị Bộ GTVT xem xét giảm mức giá phí cho tương đồng với các trạm khác trên địa bàn, đồng thời có chính sách giảm giá cho người dân sống gần trạm thu phí.
A LỘC