Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương (ảnh) đã trả lời phỏng vấn PV Thanh Niênxung quanh việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho người trẻ.
|
|
|
Sai lầm rất dễ dẫn người trẻ vào vòng lao lý. Thực tiễn có nhiều bạn trẻ vướng vào vòng lao lý nhưng đã thức tỉnh, biết đứng dậy sửa sai, cùng với sự hỗ trợ và đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, gia đình đã vươn lên trở thành người công dân có ích
|
|
|
Bí thư T.Ư Đoàn NGUYỄN NGỌC LƯƠNG
|
|
|
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, vi phạm pháp luật đang có xu hướng trẻ hóa, rất đáng quan tâm. Với cương vị là Bí thư T.Ư Đoàn, còn là tiến sĩ ngành luật, anh nhận định về việc này như thế nào?
Độ tuổi, tình trạng người phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ hóa khiến cho xã hội không khỏi lo lắng. Đây là dấu hiệu báo động về nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận giới trẻ còn rất hạn chế.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội mà còn làm xấu đi truyền thống văn hoá dân tộc, đạo đức xã hội, làm xấu đi hình ảnh về thế hệ thanh niên VN thời kỳ mới.
Trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội, trong đó có tổ chức Đoàn, Hội, ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật trong thanh thiếu niên; có giải pháp kịp thời, hiệu quả giúp thanh thiếu niên phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Không chỉ trẻ hóa về đối tượng mà mức độ, tính chất, hành vi vi phạm pháp luật của người trẻ ngày càng nguy hiểm, tinh vi, nghiêm trọng. Vậy theo anh nguyên nhân từ đâu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đó là những mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập làm ảnh hưởng đến văn hóa, giáo dục, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay. Vốn sống và nhận thức về các vấn đề xã hội, hiểu biết pháp luật của thanh thiếu niên còn hạn chế, dẫn đến dễ bị tác động, chi phối bởi những trào lưu mới, kể cả cái xấu.
Thêm vào đó, tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, muốn thể hiện mình, muốn được tự do, không muốn bị ràng buộc bởi gia đình hay của xã hội dễ tác động đến hành vi ứng xử, lối sống thực dụng, đua đòi cũng là nguyên nhân phát sinh tội phạm trong những người trẻ.
Một số yếu tố liên quan đến gia đình như: hoàn cảnh mồ côi, bố mẹ ly dị, ly thân, nạn bạo hành gia đình, con cái thiếu tình cảm, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của ông bà, bố mẹ, sự thiếu thốn về kinh tế cũng tác động trực tiếp đến tâm sinh lý của các bạn trẻ.
Ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội mang đến rất nhiều lợi ích nhưng nếu không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng thì nó cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của người trẻ.
Có nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển của mạng xã hội với những sự việc tiêu cực tràn lan mà khả năng “gạn lọc” của người trẻ lại hạn chế và từ đó các bạn học, làm theo, khiến nhiều sự vụ đau lòng xảy ra liên tiếp. Anh nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Đó là một nguyên nhân nhưng không phải tất cả. Ngày nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đã dần trở nên gần gũi và phổ biến với mọi người, đặc biệt là đối với giới trẻ. Những mặt tích cực, tiện ích mà mạng xã hội mang lại là điều không thể phủ nhận, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của con người. Thực tế, có rất nhiều thông tin hay, câu chuyện đẹp được cộng đồng mạng chia sẻ, cảm thông, nhiều vấn đề được cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó vẫn có những hiện tượng, trào lưu tiêu cực, những thông tin thất thiệt, bịa đặt, thậm chí cắt ghép không đúng bản chất vấn đề được chia sẻ rộng rãi, tạo hiệu ứng nhiễu thông tin trong cộng đồng mạng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Do đó, nếu các bạn trẻ không có đủ kiến thức vốn sống nền tảng nhất định, không có kỹ năng sử dụng mạng xã hội thì nó cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của các bạn…
Thưa anh, có thể thấy mạng xã hội bây giờ như người bạn đồng hành cùng người trẻ. Vậy theo anh, nên tận dụng “người bạn đồng hành” này như thế nào để phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên?
Việc sử dụng mạng xã hội đúng cách sẽ tạo nhiều thuận lợi trong công tác giáo dục pháp luật, nhất là giải quyết các vấn đề về thời gian, công sức, chi phí, giúp giới trẻ tiếp cận với thông tin về pháp luật nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi; tạo sức lan tỏa, hiệu ứng nhanh đến đông đảo giới trẻ và sự đồng thuận trong việc thực thi chính sách, pháp luật.
Nắm bắt được điều này, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội đã chủ động xây dựng sáng tạo, điều hành các trang thông tin điện tử, kênh YouTube, fanpage, group Facebook theo các khối đối tượng thanh thiếu niên để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cùng với đó là việc xây dựng các bộ công cụ tuyên truyền, các sản phẩm truyền thông trên internet, các ứng dụng trên mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh dưới dạng ngắn gọn, hấp dẫn, dễ hiểu, tương tác cao để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Đặc biệt, các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội thường xuyên đăng tải, chia sẻ những thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội nhằm lan tỏa những câu chuyện đẹp hằng ngày, lấy yếu tố tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy tấm gương tốt góp phần làm cho xã hội, cho môi trường mạng tốt đẹp, lành mạnh hơn; triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng dẫn, xây dựng cẩm nang sử dụng mạng xã hội tích cực trong thanh thiếu niên, tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên ứng xử văn hóa trên mạng xã hội, có trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.
Kiến thức pháp luật thì thường rất khô khan, vậy có những hình thức, mô hình nào để có thể “mềm hóa”công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người trẻ, thưa anh?
Điều đó hoàn toàn có thể mềm hóa được. Tâm lý người trẻ thường thích và bị cuốn hút bởi những gì sinh động, thì ta có thể xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền trên internet, mạng xã hội như: tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, tranh ảnh, đồ họa thông tin, bộ ảnh tuyên truyền, video, phóng sự, trailer, phim ngắn… Tổ chức các hoạt động tập trung như: hội trại, các cuộc thi vẽ tranh, thi trực tuyến, thi trắc nghiệm, thi dưới hình thức sân khấu hóa tuyên truyền về pháp luật.
Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình như “Phiên tòa giả định”, mô hình 1-1-1, phiên tòa lưu động, kể chuyện theo án… Phối hợp với một số cá nhân nổi tiếng, thành đạt được các bạn trẻ yêu thích gắn với hình ảnh thực hiện pháp luật để tạo sức lan tỏa, hiệu ứng trong xã hội.
Những vấp ngã, sai lầm dễ dẫn người trẻ vào vòng lao lý. Vậy anh có chia sẻ gì với bạn trẻ về câu chuyện này?
Đứng trước pháp luật thì mỗi người đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Pháp luật là công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội, điều chỉnh hành vi của con người theo hướng ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác và khuyến khích, nâng đỡ, phát huy cái tốt, cái thiện vốn có trong mỗi con người.
Việc thực thi pháp luật là nhằm xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, tiến bộ vì con người và cho con người. Vì vậy, hơn ai hết, thanh thiếu niên là những chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần tích cực đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi lệch chuẩn trong xã hội, chia sẻ, nhân rộng, lan toả những điều tốt đẹp, hình thành thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Đúng là có những vấp ngã, sai lầm rất dễ dẫn người trẻ vào vòng lao lý. Nhưng thực tiễn cũng cho thấy có rất nhiều bạn trẻ mặc dù có vấp ngã, thậm chí vướng vào vòng lao lý nhưng đã thức tỉnh, nhận ra cái sai của mình, biết đứng dậy sửa sai, cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, gia đình và các ngành đã vươn lên, trở thành những người công dân có ích, có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.
NỮ VƯƠNG