Chúa nhật XXXII TNC 2022: Sống sao cho đáng một đời

Chúa nhật XXXII TNC 2022

Sống sao cho đáng một đời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta sống đẹp, sống hào hùng như bảy anh em trong Bài đọc I (x. Mac 7,1.2.9-14) dám hy sinh vì đại nghĩa và tích cực loan báo Lời Chúa cho mọi người như trong lời thư của thánh Phaolô tông đồ qua Bài đọc II (x. 2Ths 2,16-3,5). Lý do là vì Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta tinh thần bất tử để sống mãi mãi như Ngài. “Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38).

1. Sống là gì?

Dù sự sống đã có mặt trên trái đất này cách đây một tỉ năm, nhưng người ta vẫn chưa hiểu sống là gì. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ, vẫn nghĩ theo giả thuyết tiến hoá của Darwin rằng sự sống ngẫu nhiên mà có chứ không bắt nguồn từ đâu cả. Giả thuyết này đã bị giới khoa học chân chính chối bỏ vì nó vô lý và ngu xuẩn, nhất là vì những khám phá mới mẻ của khoa học về con người trong khoảng 20 năm gần đây.

Sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần giải nghĩa hay minh chứng, vì nó đang ở trong ta và trong mọi sinh vật quanh ta. Sự sống là một cái gì lạ lùng, thiêng liêng, cao quý và là một thực tại nhiệm mầu cần khám phá không ngừng. Từng ngọn cỏ, cánh hoa, con bướm sống động làm mê mẩn bao nhà khoa học, nhưng cho đến nay y học vẫn chưa khám phá hết sự chuyển động trong tế bào của sinh vật, đừng nói chi đến tế bào vô cùng phức tạp của con người. Chặt gốc tỉa cành, cái cây kia vẫn đâm ra những chồi non để sống! Bị tai nạn, cụt chân, cụt tay, con người nọ vẫn đang sống! Trong cơ thể bình thường của con người có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào chuyển hoá không ngừng với hàng triệu triệu tế bào cũ chết đi và đổi mới mỗi ngày, các nhà bác học vẫn không tìm ra chỗ nào chứa đựng sự sống, tình yêu, tư tưởng, hạnh phúc. Khoa học vẫn phải dừng lại trước mầu nhiệm sự sống!

2. Những thách đố và xung đột trong đời sống

Chính vì không biết sống là gì và bắt nguồn từ đâu nên người ta mới có những thái độ sống khác nhau.

Có người thấy sự sống rất mong manh, tạm thời và phi lý. Chỉ cần một cơn gió nóng thổi qua, bông hoa xinh đẹp kia cũng héo tàn. Chỉ cần một hành động như thải nước độc ra đại dương của Nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh năm 2016, hàng triệu tôm cá bị giết chết. Chỉ cần vài thay đổi trong cơ thể do một viên ma tuý, con người trẻ trung, tài giỏi, xinh đẹp kia cũng hết sống sau một cơn nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Đó là mặt trái của sự sống, nên nhiều tôn giáo cho đời là bể khổ, cuộc sống là vô thường, nhiều triết gia cho hiện sinh là phi lý. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã phải tự hỏi: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi. Ôi cát bụi phận này, vết mực nào xoá bỏ không hay!”.

Top 101 hình nền hoa cúc họa mi đẹp nhất dùng cho máy tính, điện thoại Vì không nhận ra được những giá trị tích cực của sự sống, nên người ta hững hờ với nó, chẳng lo cho mình, chẳng giúp cho đời. Họ phung phí những năm tháng sống để thoả mãn các đòi hỏi của bản năng và tham vọng trong các cuộc vui thâu đêm. Họ tàn phá sự sống của mình bằng đủ thứ nghiện ngập và sự sống của người bằng đủ loại hành động độc ác, xấu xa như bất công, dối trá, bất hoà, bạo hành, gây chiến, tự tử, phá thai…

Họ nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy các tội ác đó xúc phạm đến sự sống. Nhưng thật ra sự sống nào cũng mang tính vĩnh hằng vì sự sống của con người được tinh thần điều khiển, nên bất cứ hành động nào, dù tốt hay xấu, cũng đều ghi lại dấu ấn trong sáng hay đen bẩn của nó trên bản chất người làm, buộc họ phải tẩy xoá mọi vết bẩn, nếu muốn toả sáng và hạnh phúc trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng.

Trái lại, không ít người nhận thức được sự sống lạ lùng, quý báu, thiêng liêng. Dù chỉ là một ngọn cỏ, một con bướm, nhưng cấu trúc kỳ diệu lạ lùng của hàng tỉ tế bào chuyển động không ngừng trong chúng đã làm kinh ngạc bao nhà khoa học. Dù chỉ cần có thêm vài giây phút sống, nhưng người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi mọi thứ cho người thân đang hấp hối được sống, để nghe được lời tha thứ yêu thương, để xem được nụ cười mãn nguyện của họ vì sự sống quý báu vô cùng. Lời nói yêu thương hay nụ cười trong sáng đó kéo dài chỉ một vài giây, nhưng cũng có sức lan toả từ người này sang người khác và tồn tại lâu dài trong suốt dòng lịch sử con người để mời gọi ta sống đẹp từng giây phút trong đời. Sự sống thiêng liêng vì nó được kết nối với các giá trị tinh thần như tình yêu, niềm vui, hạnh phúc ,tự do, chân thiện mỹ để tồn tại mãi mãi, mà không một khoa học kỹ thuật nào có thể cân đo đong đếm và không một vật chất nào có thể ngăn cản hay trói buộc.

Đó là sự sống tinh thần giúp con người nâng mình lên bậc sống mới khác hẳn mọi sinh vật, để con người vượt qua chính mình, vượt qua vật chất, không gian, thời gian để đưa những suy tư, ước muốn, cảm xúc tự nhiên của mình vào các tầng cao mới của thế giới tinh thần với những giá trị phi thường, siêu việt và tồn tại mãi mãi.

Như thế, con người có nhiều nhận thức khác nhau về sự sống nên cũng chọn lựa nhiều kiểu sống với những giá trị khác nhau. Nhà ái quốc Phan Bội Châu đã lên án những kiểu sống hèn, sống tủi qua bài thơ Sống của ông: “Sống làm nô lệ cho người khiến; sống chịu ngu si để chúng cười; sống tưởng công danh không tưởng nước; sống lo phú quý chẳng lo đời; sống mà như thế đừng nên sống; sống tủi làm chi sống chật trời!”

3. Sống sao cho đáng một đời

Chúng ta không có quyền phán xét về cuộc sống của người khác vì chỉ có Thiên Chúa mới là chủ sự sống. Chỉ có Ngài mới nhìn thấy mọi bí ẩn trong lòng người cũng như thấy rõ mọi hoàn cảnh khiến họ phải chọn kiểu sống như vậy để xét xử công minh.

Hơn nữa, Thiên Chúa đầy tình yêu và lòng thương xót khi xét xử vì Ngài thúc đẩy con người hành động theo lương tâm chân chính cũng như ban ơn để họ hành động, giúp họ vượt qua những cơn cám dỗ của quỷ ma. Vì thế, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng khoan dung và thương xót đối với những ai có đời sống hèn kém xấu xa (x. Ga 2,12-13).

Cuối cùng, Thiên Chúa còn ban Con Một của Ngài trở thành người là Đức Giêsu Kitô để giúp ta sống dồi dào với những giá trị vĩnh hằng của tinh thần. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói với những người thuộc nhóm Xa đốc. Họ là những người chủ trương không có sự sống lại, chỉ sống theo những gì tạm bợ, nhất thời của cuộc sống trần gian vì chết là hết, là đi vào cõi quên lãng, là tan rã theo vật chất vô hồn.

Chúa Giêsu nói với họ rằng: “Con cái đời này cưới vợ gả chồng” để nối dài sự sống qua con cháu. Nhưng khi ta hiểu rằng mỗi người đều đang sống mãi mãi với Thiên Chúa, thì hôn nhân, gia đình không còn là việc quan trọng nữa. Nhưng điều quan trọng là ta hãy sống theo đúng ơn gọi và sứ mệnh mà Thiên Chúa hằng sống và cũng là Người Cha trên trời gửi đến cho ta.

Thân xác này và các phương tiện vật chất như tiền bạc, của cải sẽ biến đổi như bụi gai rực sáng khi Chúa hiện ra với ông Moisê. Kẻ chết sẽ chỗi dậy với thân xác vinh quang như Đức Giêsu sống lại từ cõi chết. Vì thế, ta hãy trân trọng từng giây phút sống trên đời để sống trong sạch, quảng đại, hào hùng, “để làm và nói tất cả những gì tốt lành, để biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô” (2Ths 2,17-3,5).

Lời kết

Như thế, con đường sự thật và sự sống là Đức Giêsu luôn mở ra đến vô tận để giúp ta sống dồi dào trong niềm vui, hy vọng, bình an và mang lại ơn cứu độ cho chính mình cũng như cho muôn loài. Amen.

HKK