23/12/2024

Cách phát hiện sớm trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên

Trên thực tế lâm sàng, trầm cảm hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, cũng có quan điểm cho rằng đây là biểu hiện bình thường ở giai đoạn này, là biểu hiện thoảng qua hay tình trạng khủng hoảng ở thời kỳ dậy thì, chứ chưa phải hoàn toàn là bệnh lý.

Cách phát hiện sớm trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên
Trên thực tế lâm sàng, trầm cảm hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, cũng có quan điểm cho rằng đây là biểu hiện bình thường ở giai đoạn này, là biểu hiện thoảng qua hay tình trạng khủng hoảng ở thời kỳ dậy thì, chứ chưa phải hoàn toàn là bệnh lý.

Có thể nói rằng, trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt hay gặp ở trẻ vị thành niên bị khủng hoảng, từ mức độ nhẹ nhất cho đến mức độ nặng nề nhất. Các nhà tâm thần học thống nhất rằng trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có thể biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau cần được nghiên cứu hệ thống.

Nguyên nhân nào gây rối loạn trầm cảm ở trẻ?

Cũng như ở người lớn, hiện chưa rõ nguyên nhân chính gây rối loạn trầm cảm (RLTC) ở trẻ em. Tuy nhiên, có thể do yếu tố di truyền và những căng thẳng từ môi trường bên ngoài tác động dẫn tới sự mất cân bằng sinh hóa não, đặc biệt là các chất serotonin, norepinephrine và dopamine. Có những trẻ bị RLTC sau khi bị căng thẳng, trải qua sự thiếu thốn, mất mát trong cuộc sống; gặp khó khăn trong học tập, bạn bè, thầy cô ở trường học; mắc bệnh mạn tính, chấn thương sọ não, sinh non, nhẹ cân; lạm dụng hoặc nghiện thuốc lá, rượu hay ma túy; gia đình có người bị trầm cảm. RLTC có thể để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cho trẻ em và thanh thiếu niên về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc, học tập và nghề nghiệp. Trẻ cũng dễ lạm dụng và nghiện rượu, thuốc lá, ma túy; đặc biệt là tự sát rất hay xảy ra khi mắc trầm cảm.

Trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có thể biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau.

Trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có thể biểu hiện ở nhiều hình thái khác nhau.

Cần phát hiện sớm

RLTC được đặc trưng bởi nỗi buồn, tâm trạng kém hoặc chán nản do những thất vọng hoặc mất mát trong cuộc sống. RLTC ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng tương tự như RLTC ở người trưởng thành. Tuy nhiên, trẻ em và thanh thiếu niên thường kèm theo rối loạn lo âu và hành vi gây rối, rối loạn ăn uống và lạm dụng chất gây nghiện.

Rất ít gia đình nhận ra RLTC ở trẻ mà cho rằng trẻ nhút nhát, lười biếng, cứng đầu, không biết nghe lời… Để nhận biết trẻ có bị RLTC hay không, trước hết, cần xem xét trẻ học tập và hoạt động có khác thường, kém đi so với trước đó không. Phần lớn trẻ em, thanh thiếu niên RLTC thường có triệu chứng điển hình: Cảm giác buồn bã, lo âu hoặc cảm giác “trống rỗng” dai dẳng; cảm giác tuyệt vọng hoặc bi quan; cảm giác tội lỗi, vô giá trị hoặc bất lực; mất hoặc giảm hứng thú với sở thích và hoạt động trước đây; giảm năng lượng, mệt mỏi hoặc cảm giác “chậm lại”; khó tập trung, không tiếp thu được trong học tập; mất ngủ, thức giấc sớm, ác mộng hoặc ngủ nhiều; ăn không ngon miệng và giảm cân hoặc ăn quá nhiều và tăng cân; suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, nỗ lực tự tử; cảm giác bồn chồn, khó chịu. Các triệu chứng thể chất kéo dài không đáp ứng với điều trị, chẳng hạn như đau đầu, rối loạn tiêu hóa và đau mạn tính.

Bên cạnh đó, khi trẻ có những dấu hiệu sau cũng có thể liên quan đến trầm cảm: Thường xuyên phàn nàn đau đầu, đau ngực, đau bụng hoặc mệt mỏi. Hay vắng mặt ở trường hoặc kết quả học tập kém. Đề cập đến chuyện bỏ nhà đi, trộm cắp; la hét, khó chịu không rõ nguyên nhân, hoặc khóc lóc, buồn chán, thiếu hứng thú khi chơi với bạn bè. Cách ly xã hội, thu mình, giao tiếp kém, khó khăn với các mối quan hệ. Bám chặt bố mẹ, tránh người lạ, ngại đối đầu với thách thức. Không tập trung, thiếu quyết đoán, hay quên. Sợ chết. Quá nhạy cảm khi bị từ chối hoặc thất bại. Tăng sự khó chịu, tức giận hoặc thù địch. Hành vi liều lĩnh, nguy hiểm. Lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện.

Cần can thiệp thế nào để giúp trẻ thoát khỏi rối loạn trầm cảm?

Việc phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời RLTC ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể giảm được tình trạng bệnh lý, tử vong và những nguy cơ do những hành vi không thích hợp.

Các biện pháp điều trị RLTC ở trẻ em và thanh thiếu niên cần kết hợp đồng thời giữa bác sĩ, gia đình và nhà trường. Với trẻ em và thanh thiếu niên bị RLTC nhẹ và vừa thì liệu pháp tâm lý có thể hữu ích. Với RLTC nặng, cần kết hợp với liệu pháp hóa dược bằng các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc; điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Bệnh nhi cần được khám lại hằng tuần, ít nhất là trong 4 tuần đầu, cùng với sự theo dõi thường xuyên trong suốt quá trình điều trị.

Thời gian điều trị RLTC ở trẻ em và thanh thiếu niên cần ít nhất 1 năm sau khi các triệu chứng đã được điều trị tích cực; sau đó tiếp tục phải thăm khám bệnh đúng định kỳ, trị liệu tâm lý và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị RLTC cho trẻ đòi hỏi rất nhiều thời gian, nỗ lực và sự kiên trì của cha mẹ, như: Yêu thương, quan tâm, trò chuyện với trẻ nhiều hơn, dành thời gian bên con; lắng nghe con nói, đồng cảm, động viên con. Tạo cho con thói quen tốt như ngủ, dậy đúng giờ; tham gia hoạt động vui chơi giải trí; cho trẻ có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vitamin. Tránh những căng thẳng, sang chấn tâm lý, không tạo cho trẻ nhiều áp lực… Đừng bỏ rơi trẻ khi trẻ không chịu chia sẻ; chú ý đến mối quan hệ ở trường của trẻ. Thường xuyên liên hệ với giáo viên, nhà trường để cùng quan tâm đến con em trong thời gian học tập, giúp các cháu tự tin vào bản thân, hoà nhập cùng bạn bè.

BS. Vũ Minh Hạnh

Suckhoedoisong