23/11/2024

Chưa đến 30% người dân dùng đúng hoá chất chống dịch

Truyền thông, hướng dẫn của nhân viên, cán bộ y tế không tốt nên người dân không hiểu, không sử dụng hoá chất diệt khuẩn Cloramin B, hoặc sử dụng không hiệu quả”.

 Chưa đến 30% người dân dùng đúng hoá chất chống dịch

Hôm qua, một lần nữa ngành y tế khẳng định, công tác truyền thông của y tế là mặt hạn chế lớn nhất khiến dịch bệnh tay chân miệng (TCM) gia tăng.

Hôm qua 17.8, Sở Y tế TP tiếp tục làm việc với 24 đơn vị y tế quận, huyện về dịch bệnh này. 

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TP – bác sĩ (BS) Phạm Việt Thanh một lần nữa nhấn mạnh: “Điểm hạn chế lớn nhất trong phòng chống dịch của chúng ta là truyền thông đến người dân. Truyền thông, hướng dẫn của nhân viên, cán bộ y tế không tốt nên người dân không hiểu, không sử dụng hoá chất diệt khuẩn Cloramin B, hoặc sử dụng không hiệu quả”. 

Để minh hoạ rõ hơn, Sở Y tế khẳng định: Chắc chắn, những hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi tại TP hội đủ các yếu tố (gồm: có nhận được Cloramin B phát miễn phí, được hướng dẫn, và thực sự có sử dụng hoá chất này) là không quá 30%. Còn tỷ lệ hộ gia đình sử dụng đúng hoá chất này thì còn thấp hơn nữa! Nghĩa là, “vũ khí” (ý nói hoá chất Cloramin B) đã được chứng minh hiệu quả về diệt khuẩn trong phòng chống qua các vụ dịch như H1N1… đã không được sử dụng đúng. Chính vì điều này nên dịch TCM vẫn như thế. Nếu dưới 80% hộ gia đình được phát hoá chất, được hướng dẫn sử dụng đúng… thì xem như công tác phòng chống dịch chưa hiệu quả!

Khi nào công bố dịch?

Nếu tính theo số ca mắc TCM/100 ngàn dân, thì TP.HCM đứng hàng thứ 7 (với 79 ca/100 ngàn dân). 3 tỉnh đứng đầu là: Bình Dương (143 ca mắc/100 ngàn dân), kế đến là Bà Rịa – Vũng Tàu (136 ca/100 ngàn dân), và Đồng Nai (130 ca/100 ngàn dân). Nếu tính về tổng số mắc và chết do TCM thì TP.HCM hiện chiếm nhiều nhất – gần 7.500 ca (chỉ tính số nhập viện), 22 ca tử vong; Đồng Nai 16 ca tử vong/gần 3.500 ca mắc; Bình Dương 8 ca tử vong/gần 1.600 ca mắc; Bà Rịa – Vũng Tàu 6 ca tử vong/gần 1.500 ca mắc; Long An 6 ca tử vong/gần 1.400 ca mắc… Điều đáng lưu ý, có đến 20 tỉnh thành phía Nam có số mắc TCM năm nay so với năm ngoái tăng thấp nhất là 133,7%, cao nhất lên đến hơn 4.366%!

Chúng tôi đặt vấn đề với BS Phạm Việt Thanh: “TP.HCM có dự định công bố dịch, và khi nào công bố?”. BS Thanh cho biết: “Chiều nay 17.8, chúng tôi sẽ làm việc, tham mưu với UBND TP để UB xem xét, cân nhắc trước khi có quyết định chính thức về công bố dịch”.

Cùng ngày, ông Võ Văn Hùng – Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đã xuất hiện bệnh TCM. “Bà Rịa – Vũng Tàu chưa thể công bố dịch TCM vì còn đợi Cục Y tế dự phòng đưa ra các tiêu chuẩn. Sở căn cứ vào đó mới đề nghị UBND tỉnh công bố dịch”, ông Hùng nói. Tại Đồng Nai, tình hình mắc bệnh TCM đã xuất hiện 170/171 xã, phường mà tại sao đến nay chưa công bố dịch? Ông Huỳnh Minh Hoàn – Quyền giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện chúng tôi đang tiếp tục theo dõi”. Còn Bình Dương, khi đề cập việc công bố dịch TCM, một cán bộ Sở Y tế (không nêu tên) nói: “Công bố dịch là do Bộ Y tế, báo chí không nên “xen” vào công việc chuyên môn của ngành y tế. Khi nào Đồng Nai và TP.HCM công bố thì Bình Dương mới thực hiện”.

Người dân nhận hoá chất khử khuẩn ở đâu?

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, ngoài những đợt nhân viên y tế, tổ dân phố đi phát miễn phí hoá chất Cloramin B cho các hộ gia đình, thì người dân có nhu cầu có thể trực tiếp đến trạm y tế phường, xã để nhận hoá chất Cloramin B, được hướng dẫn cách pha chế, sử dụng. Không nhất thiết gia đình có trẻ em; không nhất thiết phải chứng minh mình ở quận, huyện nào mới được nhận. Ngoài ra, hiện còn có hai loại hoá chất khác (nhập khẩu) được ngành y tế công nhận có tính khử khuẩn, sát trùng, do hai công ty phân phối – một phân phối qua hệ thống y tế là Surfanios, một phân phối tại các đại lý ngoài thị trường là Zonrox.

“Ngoài hai loại hoá chất người dân tự mua trên, tới đây, nếu có loại nào đạt chuẩn nữa, Sở cũng sẽ công bố cho người dân biết”, BS Phạm Việt Thanh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.

ĐBSCL: có nguy cơ bùng phát

Ngày 17.8, ông Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, 7 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 2.800 ca TCM (ở Cần Thơ  và các tỉnh lân cận). Bác sĩ Sơn cho rằng, nhiều nguy cơ bệnh TCM bùng phát trở lại khi năm học mới bắt đầu.

Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, số trẻ mắc bệnh trên 1.120, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Tại Đồng Tháp, số ca nhiễm bệnh đã hơn 2.000 ca, 1 ca tử vong.

Thanh Dũng

 

Cần làm rõ chất lượng sản phẩm tẩy rửa, diệt khuẩn

Khảo sát từ chợ bán sỉ đến các chợ lẻ, quầy tạp hoá, siêu thị, hầu như đều có bán sản phẩm tẩy rửa, diệt vi khuẩn, vi trùng, thậm chí còn có loại ghi trên nhãn là diệt cả virut H5N1 (cúm A). Các sản phẩm từ nước lau rửa sàn nhà, bồn cầu, nhà tắm cho tới nước rửa tay, kem tẩy rửa đa năng, thậm chí cả nước rửa rau quả, với đủ nhãn hiệu nội ngoại: Vim, Gift, Lix, Duck, Ocleen…, hầu hết được thông tin trên bao bì là có tác dụng tẩy vết bẩn, diệt khuẩn. Nhiều người tiêu dùng đang tăng cường sử dụng các sản phẩm này trong thời buổi dịch tay chân miệng bùng phát.

Liệu các sản phẩm tẩy rửa nói trên có thật sự hiệu quả như thông tin các nhà sản xuất công bố trên sản phẩm? Lãnh đạo một đơn vị chuyên về công tác đo lường, chất lượng cho rằng, cơ quan quản lý y tế cần làm rõ cơ sở khoa học các chỉ tiêu về độ sạch, diệt khuẩn 99% là như thế nào, diệt khuẩn gì để người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm đúng với nhu cầu.

Hoàng Việt