Cần khảo sát bổ sung về địa chất

Phải có chính sách nghiêm túc và phải giải quyết ba vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là bảo đảm an toàn hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng khung pháp lý

 Dự án điện hạt nhân: Cần khảo sát bổ sung về địa chất

Đó là đề nghị liên quan đến dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được đưa ra trong ngày 18-8,  ngày đầu tiên của Hội nghị  khoa học – công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 9 tổ chức tại Ninh Thuận.

Tại hội nghị, có ý kiến cho rằng địa chất nơi xây nhà máy có những đứt gãy ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng cơ sở của công trình.

 

Phải có chính sách nghiêm túc và phải giải quyết ba vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận là bảo đảm an toàn hạt nhân, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng khung pháp lý.

Đó là những ý kiến được trình bày trong ngày 18-8 tại Hội nghị khoa học – công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 9 tổ chức ở Ninh Thuận.

“Chúng ta sẽ làm điện hạt nhân, nhưng không nhất thiết phải cấp tập khi cả ba yếu tố quan trọng đều còn yếu. Có thể giảm tiến độ, lùi thời hạn để chuẩn bị và xây dựng cho tốt. Thiếu an toàn là nguy hiểm nhất và chúng ta không nên đùa với điện hạt nhân”

GS.TS Trần Hữu Phát

Lo ngại những đứt gãy

Theo tham luận tại hội nghị của TS Trần Tân Văn – viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, hai khu vực Vĩnh Hải, Phước Dinh của Ninh Thuận – nơi sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân – đang nổi lên một số vấn đề liên quan đến địa chất, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng cơ sở công trình tại khu vực này.

Nhóm nghiên cứu do TS Văn làm chủ nhiệm cho biết có một số đứt gãy đã bị bỏ sót trong các nghiên cứu, khảo sát trước đây. Những đứt gãy này đang hoạt động và có vai trò rất quan trọng với sự ổn định công trình trong khu vực.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh về hai đứt gãy Suối Mía ở Phước Dinh và Vĩnh Hải 2 ở Vĩnh Hải. Theo đó, đứt gãy Suối Mía không thể hiện rõ ràng trên đất liền nhưng ở dưới biển biểu hiện rõ dưới dạng một lạch nước ngầm. Hệ đứt gãy này tạo thành một địa hào rộng khoảng 1.520m cắt qua cả đá gốc lẫn thềm biển và còn tạo nên đoạn bờ biển khá thẳng ở Vĩnh Hải, hiện chưa có cơ sở để kết luận về tuổi và tính chất hoạt động của nó.

Tương tự, đứt gãy Vĩnh Hải cũng chưa được đo vẽ, nghiên cứu nhưng rất đáng lưu ý bởi nó tạo nên bờ biển rất thẳng ở khu vực Vĩnh Hải, đồng thời tách Hòn Đeo ra khỏi đất liền và gây giập vỡ mạnh một loạt đảo phía đông bắc. Đứt gãy này cũng làm xuất lộ nước ngầm chứa soda tạo nên cát sạn vôi ở ngay sát mép nước dọc bờ biển Vĩnh Hải.

Nhóm nghiên cứu đề nghị cần khẩn trương khảo sát địa chất bổ sung các địa điểm dự kiến xây nhà máy điện, đặc biệt lưu ý hai đứt gãy nêu trên và đứt gãy Núi Chúa có thể gây động đất và dịch chuyển làm biến dạng, phá huỷ công trình.

Về vấn đề này, GS.TS Trần Hữu Phát – chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử VN, chủ tịch hội đồng khoa học Viện Năng lượng nguyên tử VN – cũng nói có nguồn tin từ các chuyên gia Nga cho biết tại khu vực sẽ xây nhà máy điện hạt nhân có đứt gãy. Để làm sáng tỏ thông tin này, phải bình tĩnh tổ chức khảo sát nghiên cứu ảnh hưởng của đứt gãy lên công trình. Nếu hoạt động của đứt gãy vượt quá giới hạn cho phép, không bảo đảm an toàn của nhà máy thì phải tính phương án dời địa điểm.

Nhân lực hạt nhân: thiếu và yếu

TS Bogomil Machev, giám đốc điều hành Công ty Risk Engineering (Bulgaria), cho rằng nguồn nhân lực là thách thức lớn của VN. Phải có nhân lực để quản lý, vận hành, bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân. Theo kinh nghiệm của Bulgaria, trong cao điểm xây dựng nhà máy sẽ cần tới 1.000 người túc trực thường xuyên, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật phải có kinh nghiệm trên 30 năm để theo dõi giám sát công trình.

Cùng quan điểm này, GS.TS Trần Hữu Phát nhìn nhận nguồn nhân lực hiện nay hoàn toàn không thể đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Quan điểm chi nhiều tiền thuê chuyên gia cao cấp về tư vấn cũng là phiến diện bởi “nếu cái đầu trong nước rỗng tuếch” không đủ sức giao việc cho tư vấn giải quyết thì sẽ không đạt hiệu quả tương xứng. Người tư vấn chỉ có thể tư vấn theo kinh nghiệm của họ đến một mức nào đó, nếu ta không đưa ra đề bài, họ không biết đến ngóc ngách vấn đề để tư vấn cho ta.

Ủy ban Khoa học – công nghệ và môi trường của Quốc hội giám sát điện hạt nhân là đúng, nhưng uỷ ban cũng phải được đào tạo để đủ năng lực thực hiện chức năng này. “Cách đào tạo hiện nay của ta còn bất cập nhưng vẫn còn thời gian để khắc phục” – ông Phát nhấn mạnh.

Đại diện ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Điền Quang Hiếu cho biết hiện có 29 kỹ sư được đào tạo tại Nga, hai kỹ sư được đào tạo tại Pháp và 258 kỹ sư tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về điện hạt nhân tại VN và nước ngoài. Kế hoạch đến năm 2020 sẽ có hơn 2.000 cán bộ, trong số đó khoảng 10% là kỹ sư được đào tạo, huấn luyện về điện hạt nhân cho hai nhà máy.

Đuối vì ban hành khung pháp lý

Luật năng lượng nguyên tử khi ban hành đã lệ thuộc quá nhiều vào các quy định pháp luật trước đó như Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật bảo vệ môi trường. Theo các quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt địa điểm, Bộ Khoa học – công nghệ cấp phép xây dựng, Bộ Công thương cấp phép vận hành. Những quy định này lại đi ngược với hướng dẫn xây dựng Luật hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Theo IAEA, chỉ nên có một cơ quan pháp quy duy nhất thực hiện cả ba chức năng này. Đây là cơ quan có đủ năng lực kỹ thuật, con người và tài chính.

TS Lê Chí Dũng, phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thuộc Bộ Khoa học – công nghệ (đơn vị được giao xây dựng các văn bản về an toàn bức xạ hạt nhân), cho biết khi làm luật đã quá chú trọng vào sự hợp lệ với các luật đã tồn tại.

Đây là điểm yếu nhất của Luật năng lượng nguyên tử, ngay khi ta ban hành IAEA và các nước hoạt động năng lượng nguyên tử đã góp ý rất nhiều. Vấn đề ban hành khung pháp lý cho an toàn hạt nhân cũng đang là một thách thức, bởi trong vài năm tới VN cần hàng trăm văn bản về lĩnh vực này.

Cụ thể, đến năm 2013 phải xây dựng được 43 văn bản, nhưng thực tế mất hai năm với sự giúp đỡ của Nhật, Nga… ta mới xây dựng được một thông tư hướng dẫn đánh giá về an toàn hạt nhân đối với địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đang cần tới 280 người, trong đó 60 người tham gia trực tiếp vào việc thẩm định an toàn để xây dựng hệ thống văn bản trước khi nhà máy điện hoạt động.

“Nước Nhật đã có đủ văn bản nhưng khi tai nạn Fukushima xảy ra, họ đã rất lúng túng trong việc giải quyết sự cố – ông Dũng nói – Do vậy cục sẽ cố gắng xây dựng văn bản, nhưng nếu không kịp thì về nguyên tắc hoạt động này nên hoãn lại”.