Công giáo thay đổi cách hiểu Kinh thánh để bảo vệ môi trường

Trong quá khứ Giáo hội Công giáo thường chậm thay đổi so với xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, điều này đang đảo chiều qua sự quan tâm lớn của Giáo hội trước hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay.

Giáo hoàng Francis phát biểu tại cuộc họp “Đức tin và Khoa học: Hướng tới COP26” với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác ngày 4/10/2021 ở Vatican – GETTY IMAGES

Võ Ngọc Ánh
Gửi cho BBC từ Washington, Hoa Kỳ

Trong suốt hai nghìn năm hình thành và phát triển, giáo lý Công giáo đặt con người làm trung tâm, nhưng với đức Giáo hoàng Francis, môi trường – sinh thái đang được lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ như những tín điều của niềm tin tôn giáo.

Tôn trọng sinh thái trên cơ sở Kinh thánh

Ngày 28/11, hai ngày trước Hội nghị hượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Dubai, văn phòng Tòa thánh Vatican thông báo vì tình trạng sức khỏe, Đức Giáo hoàng không thể đến tham dự như chương trình trước đó. Đây là thông tin không vui với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thật sự quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất.

Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, đã thay mặt đức Giáo hoàng đọc bài diễn văn với thông điệp, “Tương lai của tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào hiện tại chúng ta chọn”. Thông điệp nghe như lời giáo huấn chỉ cho người Công giáo, nhưng rất phù hợp với hành động của mọi người ứng phó trước sự thay đổi của khí hậu.

Không chỉ người Công giáo mà nhiều người cũng biết câu chuyện Thiên chúa tạo dựng nên vũ trụ, các loại sinh vật trên trái đất cũng như con người được ghi trong sách Sáng thế, chương 1-2. Tiếp theo câu chuyện tạo dựng là Thiên chúa trao cho con người làm chủ mọi sinh vật trên trái đất.

Từ câu chuyện trong Kinh thánh, để gần 2.000 năm qua Giáo hội Công giáo đặt con người làm trung tâm và đặt lên trên mọi sinh vật. Quan niệm lấy con người làm trung tâm đã dẫn đến những hệ lụy tàn phá môi sinh, kể từ thời đại công nghiệp trở đi, khi con người ít gần gũi với thiên nhiên như thời đại nông nghiệp trước đó.

Cũng trên nền tảng Kinh thánh, nhưng đức Giáo hoàng Francis hiện nay giải thích trong cái nhìn nhân văn, tôn trọng muôn loài và hợp với đòi hỏi của thời đại hơn. Đó là, con người cần sử dụng có trách nhiệm công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Và việc hủy hoại môi trường sống là hành vi xức phạm đến Thiên chúa.

Biến đổi khí hậu là đề tài được quan tâm trong những năm gần đây – GETTY IMAGES

Trong diễn văn trước COP 28, đức Giáo hoàng nhấn mạnh, “Hủy hoại môi trường là một tội không chỉ mang tính cá nhân, mà nó còn có tính cấu trúc, gây nguy hiểm cho nhân loại, đặc biệt với những người nghèo khó”.

Với sự giải thích này, biến đổi khí hậu liên quan đến phẩm giá của con người bởi những người nghèo, yếu thế cũng là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thái độ của con người trước biến đổi khí hậu chính là chọn văn minh cho sự sống hay chọn cách ứng xử cho cái chết.

“Món nợ sinh thái” đã được nói nhiều trong những năm qua. Nhưng đến nay, các nước trong khối G7 và kể cả các nước giàu lên nhờ phát triển công nghiệp, như Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Brazil… vẫn chưa muốn bỏ tiền ra để khắc phục hậu quả do mình gây ra và trợ giúp các nước nghèo.

Ngay cả những nước giàu cũng rất nhỏ giọt trong việc ban hành chính sách hữu hiệu để ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ do quyền lợi chính trị, đảng phái, và các đại công ty.

Nhưng chắc chắn, biến đổi khí hậu sẽ không chừa một quốc gia, cộng đồng, cá nhân nào trên địa cầu này. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo có lý khi gióng lên lời cảnh báo trước khi quá trễ, “Hiện tượng nóng lên toàn cầu là hậu quả từ sự nguội lạnh của chủ nghĩa đa phương trên bình diện quốc tế và thủ lợi quốc gia lên ngôi”.

Cảnh tỉnh về khí hậu – sinh thái chứ không phải hoả ngục

Hai năm sau khi được bầu làm Giáo hoàng, đức Francis đã ra Tông huấn Laudato Si’. Nội dung của Tông huấn xoay quanh các vấn đề về môi trường sinh thái để đánh động sự thay đổi cách nhìn trong Giáo hội. Trước đó, chưa có vị Giáo hoàng nào từng làm như vậy.

Thông điệp mang tính thời đại của Tông huấn này làm cho nó được nhắc nhiều trên các phương tiện cả trong và ngoài Giáo hội từ khi nó ra đời.

Nhiều chính khách đã nhận được quà tặng từ Vatican là Tông huấn này, trong đó có cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang của Việt Nam, cựu Tổng thống Donald Trump của Mỹ.

Tông huấn Laudato Si’ đang tạo ra nhận thức và thay đổi cho các tín đồ Công giáo trên toàn thế giới.

Bởi vệ môi trường sinh thái chính là bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa, tạo ra sự phát triển bền vững và công bằng giữa các quốc gia. Vì con người không thể tách rời khỏi sinh thái và cho phép mình đứng trên muôn loài theo kiểu thống trị như giải thích của Kinh Thánh trước đây.

Đại dịch Covid vừa qua và các loại virus lây lan dịch bệnh chết chóc như Ebola, SARS trước đó, cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sinh thái và sức khỏe con người.

Các nhà hoạt động khí hậu biểu tình yêu cầu loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị COP28 ở Dubai hôm 12/12/2023 – GETTY IMAGES

Khi thiên nhiên bị tàn phá, môi trường sống của nhiều động vật hoang dã phải thu hẹp, buộc chúng đến gần con người hơn, tạo cơ hội cho nhiều loại bệnh tìm cách thích nghi lây lan sang người .

Và mới đây, trong tháng 10 vừa rồi, đức Francis lại ra Tông huấn Laudate Deum. Đây có thể gọi là tập tiếp theo của Tông huấn Laudato Si’, trong đó kêu gọi những người có thiện chí, các tổ chức hợp tác cùng nhau để gây sức ép lên lãnh đạo các quốc gia, quốc tế hành động để ngăn ngừa, giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Và đức Giáo hoàng chỉ ra, “Cuộc sống của con người sẽ không thể hiểu được và không thể bền vững nếu không có các sinh vật khác”. Đây là một bước thay đổi lớn, tôn trọng muôn loài trong mối tương quan chứ không phải trong cái nhìn “làm chủ muôn loài”.

Trong chuyến thăm Mông Cổ, hồi tháng 9 năm nay, đức Francis cũng đã đề cao cách sống hài hoà, tôn trọng nhiên nhiên của con người nơi đây và kêu gọi gìn giữ vẻ đẹp của thảo nguyên.

Bốn năm trước, trong Thượng hội đồng đặc biệt vùng Amazon, chủ đề sinh thái đã được đưa lên đầu để nói lên thách thức, cơ hội đầy tính sinh động của người Công giáo vùng Nam Mỹ chứ không phải là giáo lý và đòi hỏi thay đổi trong luật lệ của Giáo hội.

Thay đổi cách hiểu về Kinh thánh qua việc bảo vệ công trình sáng tạo, chứ không phải thống trị và thừa hưởng của Giáo hội Công giáo đang tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ về sự nhận thức tích cực về môi trường – sinh thái cho hơn 1,3 tỷ người Công giáo và dành được sự đồng cảm của nhân loại.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Võ Ngọc Ánh, hiện đang sinh sống tại Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ

Nguồn: Công giáo thay đổi cách hiểu Kinh thánh để bảo vệ môi trường – BBC News Tiếng Việt