23/11/2024

Trang web “Tôi đã hối lộ”

Ở một quốc gia mà hầu như mọi người dân đều chấp nhận “sống chung” với tham nhũng và hối lộ thì Ipaidabribe.com đã đạt được một thành tích đáng nể

Trang web “Tôi đã hối lộ”

Sau gần một năm tồn tại ở Ấn Độ, trang mạng I paid a bribe (Tôi đã hối lộ), nơi người dân tham gia vạch trần tham nhũng, đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong nước và được hưởng ứng ở nhiều nước. Nhưng không phải chính quyền nào cũng có thể chịu nổi cơn đau khi mổ xẻ ung nhọt này.

Ở một quốc gia mà hầu như mọi người dân đều chấp nhận “sống chung” với tham nhũng và hối lộ thì Ipaidabribe.com đã đạt được một thành tích đáng nể.

11 tháng 10.000 câu chuyện

Trong vòng 11 tháng, trang web nhận được gần 10.000 phản hồi về nạn tham nhũng tại 415 thành phố và 21 cơ quan chính phủ của Ấn Độ với tổng số tiền hối lộ lên đến gần 276 triệu rupee (khoảng 6,2 triệu USD).

Đồng sáng lập của trang web Swati Ramanathan nói: “Hối lộ đã trở thành thông lệ trong các giao tiếp với quan chức nhà nước từ việc đăng ký nhà, lấy giấy phép lái xe đến xin cấp nước sinh hoạt, thậm chí làm giấy chứng tử”.

“Lần đầu tiên khi tôi trở về từ Mỹ, một nhân viên hải quan nói: đưa tôi 200 rupee và tôi sẽ không mở vali của anh. Bạn tôi bảo mang dư một ít kẹo và xà phòng cho nhân viên hải quan, còn mẹ tôi dặn để quần áo dơ và vớ lên trên cùng của vali” – anh Sandip Roy kể.

Ipaidabribe.com khởi xướng bởi tổ chức phi lợi nhuận Janaagraha, trụ sở ở Bangalore, của Ramesh Ramanathan và Swati Ramanathan. Họ quyết định phải hành động và kết quả là Janaagraha ra đời năm 2001. Đến tháng 8-2010, Ipaidabribe xuất hiện, cho phép mọi người lên tiếng về tham nhũng mà không cần tiết lộ danh tính, với ba loại chính gồm “tôi đã hối lộ”, “tôi đã không hối lộ” và “tôi không cần hối lộ”.

Những phàn nàn thường thấy như “Tôi làm bài thi lái xe đúng hết nhưng tay chấm thi cứ bảo tôi lái chậm, tôi nhận ra gợi ý của anh ta nên móc ra 200 rupee (4,5 USD) và chuyện được giải quyết xong”.

Ipaidabribe.com đã vẽ nên một bức tranh chi tiết về thị trường “tiền đen”, theo cách gọi tiền đút lót của người dân Ấn Độ, với đủ mức giá khác nhau. Chẳng hạn làm giấy kết hôn, giấy khai sinh cần kèm theo phong bì 1.000 rupee (khoảng 23 USD) hay phải trả 3.000-5.000 rupee cho bác sĩ để được hưởng những dịch vụ miễn phí trong các bệnh viện công. Trang web cũng cung cấp nhiều thông tin bằng nhiều ngôn ngữ nhằm giúp người dân tránh mất tiền oan.

Với sức ảnh hưởng ngày một lớn, Ipaidabribe.com được hi vọng sẽ trở thành một công cụ của người dân trong cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Tại bang Karnataka, cơ quan giao thông vận tải đã phản hồi các khiếu nại trên Ipaidabribe.com, dẫn đến việc 21 quan chức cấp cao bị cảnh cáo và hệ thống công nghệ được sửa đổi nhằm hạn chế tối đa việc đút lót.

Theo đó, việc cấp bằng lái xe tại Karnataka sẽ được tự động hoá từ đăng ký thi trực tuyến cho đến hệ thống cảm biến chấm thi không cần đến sự can thiệp của con người.

“Tôi đã hối lộ” đến Trung Quốc

Sự thành công của Ipaidabribe.com được nhiều trang web nước ngoài học hỏi. Ông Ramesh Ramanathan cho biết họ nhận được ít nhất đề nghị của bảy quốc gia nhờ giúp đỡ thành lập trang web tương tự.

Tại Trung Quốc, hơn tám trang web tương tự Ipaidabribe.com đã xuất hiện trong vòng một tuần hồi đầu tháng 6-2011 gây xôn xao cộng đồng mạng hơn 450 triệu thành viên của nước này. Trên trang web như 522phone.com, một doanh nhân thừa nhận đã lót tay hơn 450.000 USD để giành một hợp đồng.

“Tôi không cố khoe khoang, chỉ là tôi thấy mình quá bất lực trước bộ mặt xã hội hiện nay” – doanh nhân này chia sẻ. Hay trang ibribery.com thu hút đến hơn 200.000 lượt truy cập trong vòng hai tuần đầu tiên.

Thế nhưng, mới đây người sáng lập trang web ibribery.com Trần Hồng cho biết trang web của ông bị chặn truy cập từ trong nước và buộc phải đóng cửa trong một thời gian ngắn vì lo ngại rắc rối. Trang web đăng nhiều lời tố cáo nặc danh như: các quan chức Trung Quốc gợi ý tặng xe hơi, biệt thự; cảnh sát đòi tiền cà phê để cấp thẻ giao thông hay bác sĩ nhận phong bì để mổ đỡ run tay.

Theo AP, mặc dù hô hào bài trừ tham nhũng, song Bắc Kinh vẫn lo ngại sự tham gia đông đảo của quần chúng có thể kích động bất ổn trong nước.

Anh: luật chống hối lộ mới nghiêm ngặt hơn

Từ ngày 1-7, Anh bắt đầu áp dụng luật chống hối lộ mới. Đạo luật này sẽ cung cấp thêm những điều kiện bổ sung cho các thẩm phán trong cuộc đấu tranh chống hành vi hối lộ không chỉ của các công ty cũng như cá nhân người Anh thực hiện ở nước ngoài mà còn của các công ty nước ngoài hoạt động ở Anh.

Theo luật mới, các cá nhân bị phát hiện đưa hối lộ và đút lót có thể bị phạt tới 10 năm tù giam và nộp khoản tiền phạt do thẩm phán phán quyết. Đối với các công ty, ngân hàng bị phát hiện “lót tay” trong ký kết hợp đồng sẽ bị phạt các khoản tiền không giới hạn. Các chuyên gia cho rằng đạo luật này nghiêm ngặt tới mức ngay cả các công ty mời các đối tác nước ngoài đi nhà hàng, nhà hát hoặc xem thể thao bằng tiền quỹ cũng có thể bị truy tố.

Đạo luật mới này được thông qua sau một loạt vụ tham nhũng lớn trong ngành công nghiệp quốc phòng của Anh, trong đó các công ty Anh đã trả cho khách hàng nước ngoài những khoản hoa hồng lớn để nhận được hợp đồng.

H.N. (Theo Reuters, BBC)