Thuỷ điện giết sông
Tình trạng sạt lở, bồi lấp, cạn kiệt xảy ra trên các dòng sông do thuỷ điện gây ra đang ngày càng nghiêm trọng.
Tình trạng sạt lở, bồi lấp, cạn kiệt xảy ra trên các dòng sông do thuỷ điện gây ra đang ngày càng nghiêm trọng.
|
>> Miền Trung đối phó lũ chồng lũ
>> Thanh Niên cứu trợ khẩn cấp dân vùng lũ Bình Định, Quảng Ngãi
>> Nỗi lo lũ chồng lũ
>> Lũ bất thường vì thủy điện xả lũ cấp tập
>> Clip: Dân bị lũ cô lập, phường vẫn tổ chức tiệc tùng
Sau 3 năm xây dựng, Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4A công suất 64 MW do Công ty CP thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư chuẩn bị đưa vào vận hành. Điểm khác biệt là Sêrêpốk 4A không phải xây đập chắn dòng sông mà lấy nước từ kênh xả dưới chân thủy điện Sêrêpốk 4 ở xã Ea Wer. Từ đây, nước được dẫn theo dòng kênh nhân tạo dài 14 km về nhà máy phát điện, sau đó mới trả lại sông Sêrêpốk ở cuối xã Krông Na. Như vậy, dòng nước tự nhiên không còn chảy qua đoạn sông uốn lượn dài hơn 20 km qua hàng chục buôn làng nữa.
|
Ngay từ giai đoạn lập dự án, nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại đoạn sông Sêrêpốk trên sẽ biến thành sông chết khi nhà máy đi vào hoạt động. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động môi trường của công trình này vẫn được thông qua khi chủ đầu tư cam kết “nhả” cho đoạn sông trên lưu lượng 8,23 m3/giây, cùng với lượng nước bổ sung của một vài dòng suối trong lưu vực chừng 9 m3/giây. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, lưu lượng trên chỉ đủ tráng lòng sông, nên đoạn sông Sêrêpốk rộng mênh mông chỉ còn là con suối nhỏ, không đủ duy trì sự sống cho hệ động thực vật thuộc khu vực bảo tồn Vườn quốc gia (VQG) Yók Đôn và sinh hoạt của hàng ngàn cư dân dọc bên bờ sông.
Vườn quốc gia chết mòn, du lịch than trời
Ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yók Đôn, nhận định tác động của công trình thủy điện này đối với hệ sinh thái của VQG là rất lớn. Ngay trong giai đoạn thi công, ảnh hưởng của việc nổ mìn phá đá, hoạt động của con người cùng các phương tiện cơ giới, máy móc, sự thay đổi địa hình, địa vật cũng đã khiến hàng loạt chim, thú quý không còn hiện diện trong khu vực bảo tồn của VQG. “Kênh dẫn của thủy điện lấy nhiều đất sản xuất nông nghiệp đã khiến người dân trong vùng phải lấn chiếm đất rừng của VQG để canh tác. Mặt khác, trong tương lai không xa, dòng sông chính khô cạn sẽ tác động xấu và lâu dài đối với việc bảo tồn hệ sinh thái dựa vào sông lâu nay, hàng loạt loài thú rừng, thủy sản quý hiếm trong khu vực này sẽ biến mất”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Trụ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH du lịch sinh thái Bản Đôn, cho rằng việc sa mạc hóa dòng sông cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động du lịch. Sông Sêrêpốk gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Buôn Đôn, với sự tích săn bắt, thuần dưỡng voi rừng và truyền thống văn hóa lâu đời của các tộc người trong vùng… Nếu sông không còn nước, không chỉ đời sống dân sinh của nhiều buôn làng dọc sông bị ảnh hưởng mà còn mất đi nếp sinh hoạt bản địa, văn hóa voi gắn với dòng sông, du lịch văn hóa – sinh thái Buôn Đôn khó có cơ hội tồn tại. “Trong những mùa khô gần đây, khi các hồ thủy điện đầu nguồn tích nước thì lòng sông phía hạ nguồn Nhà máy Sêrêpốk 4 chỉ còn là bãi đá lởm chởm, các công ty du lịch đều kêu trời. Sắp tới toàn bộ nước chuyển sang kênh dẫn Sêrêpốk 4A thì sông không đủ nước cho du lịch sinh thái, những danh thắng trên sông như thác Bảy Nhánh sẽ lộ lên như núi đá trơ trọi, khó lòng thu hút khách du lịch về vùng này nữa”, ông Trụ thất vọng nói.
Dân chài treo lưới, nông dân mất đất
Hạ lưu sông Vu Gia (tỉnh Quảng Nam) đang bị cát bồi lấp ngày càng nặng nề.
Kể từ khi thượng nguồn sông Vu Gia bị những “lát cắt” thủy điện bậc thang như A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4A chắn ngang, dòng sông này trở nên rất hung hãn. Mùa hè sông cạn kiệt nước, mùa mưa các thủy điện đua nhau xả lũ, nước cuồn cuộn gây sạt lở bờ sông nặng nề, làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của dân. Sau cơn bão số 11 vừa qua, trên dòng Vu Gia chảy qua các xã Đại Hồng, Đại Lãnh, Đại Minh… (H.Đại Lộc, Quảng Nam) cát bồi thành từng dải rộng hàng trăm mét, khiến giao thông đường thủy trở nên vô cùng khó khăn. Đặc biệt, đoạn sông gần cầu Hà Nha bị cát bồi đến mức xe xúc có thể ra tận giữa lòng sông để khai thác cát. Dải cát rộng đến mức dòng sông qua đây chỉ còn là một eo nhỏ.
|
Theo ông Nguyễn Văn Thẩm (48 tuổi), trú xã Đại Hồng, H.Đại Lộc, lòng sông tắc nghẽn khiến ghe thuyền không thể hoạt động, người dân đành phải kéo ghe thuyền lên bờ. “Lưới đánh cá bỏ xó cho chuột cắn vì sông không còn cá để bắt. Không chỉ riêng người dân Đại Hồng mà tất cả người dân sống phụ thuộc vào dòng sông này đều bị ảnh hưởng”, ông Thẩm nói.
|
Trong khi đó, sau mỗi mùa mưa bão, hàng trăm người dân sống tại thôn Phước Yên (xã Đại An, H.Đại Lộc) lại thấp thỏm lo âu vì bờ sông Quảng Huế sạt lở kinh hoàng. Chỉ trong vòng 3 năm, con sông này đã ngốn sâu vào bờ 50 m, rất nhiều bụi tre giữ đất đã chìm nghỉm dưới lòng sông. Ông Nguyễn Văn Tao, Tổ trưởng tổ 3 thôn Phước Yên, xã Đại An, cho biết cứ mỗi lần thủy điện thượng nguồn xả lũ, bờ sông lại sạt lở nghiêm trọng. “Trong cơn bão số 11 vừa qua, nước lũ thượng nguồn đổ về khủng khiếp khiến bờ sông sạt lở thêm 15 m. Kể từ khi có thủy điện, con sông này trở nên dữ dằn hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Văn Tao nói. Còn theo chị Nguyễn Thị Nguyên (30 tuổi), có nhà gần bờ sông Quảng Huế, bờ sông bắt đầu sạt lở cách đây khoảng 2 năm, đất sản xuất của bà con mất đi trong khi lòng sông thì cạn dần.
Theo ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND H.Đại Lộc, nhiều địa phương dọc sông Vu Gia như Đại Hồng, Đại Minh… đã bị mất nhiều đất sản xuất do bị sạt lở. Đi dọc sông Vu Gia có thể thấy hiện tượng lở, bồi không như xưa nữa. Ông Tính cũng cho rằng cần thiết phải có sự chỉnh trị dòng sông, nhưng hiện địa phương đang thiếu kinh phí nên vấn đề nạo vét sông là rất khó.
|
Chuyên gia thủy lợi Nguyễn Minh Tuấn (Sở NN-PTNT Quảng Nam), khi đánh giá về những tác động của các hồ thủy điện trên địa bàn, cho rằng việc hình thành các hồ chứa sẽ phân nhỏ dòng sông vùng thượng lưu và trung lưu thành các đoạn sông và làm mất đi tính liên tục của dòng chảy. Việc xây dựng đập và hồ chứa làm thay đổi căn bản lưu lượng dòng chảy ở cả phía trên đập lẫn phía sau đập. Theo ông Tuấn, cần sớm lập quy hoạch lưu vực sông và thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để làm cơ sở quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý. Đồng thời, cần sớm nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về mối tương quan giữa hoạt động các hồ thủy điện với xói lở ở hạ lưu và xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn.
Cửa Đại hình thành một cửa biển mới Trên sông Thu Bồn cũng xuất hiện nhiều điểm bồi lấp dẫn đến thay đổi dòng chảy, gây xói lở, bồi lấp ngược. Trong đó, phần dải cát nổi giữa sông ở khu vực 2 xã Điện Thọ – Điện Quang (H.Điện Bàn) đã khiến dòng nước bị thay đổi đột ngột. Đáng chú ý, hạ lưu con sông này tại khu vực Cửa Đại (TP.Hội An) đang bị nước biển xâm thực nghiêm trọng cộng với việc nước từ thượng lưu đổ về đã gây xói lở, tạo thành một cồn cát ngay cửa sông.
|
Hoàng Sơn – Trần Ngọc Quyền