Cải thiện chất lượng nòi giống
“Hãy hành động vì chất lượng nòi giống Việt” là thông điệp được Tổng cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình chuyển đến 90 triệu người Việt Nam.
Cải thiện chất lượng nòi giống
“Hãy hành động vì chất lượng nòi giống Việt” là thông điệp được Tổng cục Dân số – kế hoạch hoá gia đình chuyển đến 90 triệu người Việt Nam.
Vận động lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần – Ảnh: Ngọc Thắng |
Người Việt Nam “già” nhanh nhất thế giới
|
“Không chỉ tăng về quy mô, sức khỏe, tuổi thọ người Việt Nam (VN) tăng cao liên tục trong nửa thế kỷ qua, hiện đã đạt hơn 73 tuổi”, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) – Bộ Y tế, cho biết.
Theo ông Trọng, năm 1960, tuổi thọ bình quân của người VN là 40 tuổi, trong khi đó trung bình thế giới là 48 tuổi. Đến 2012, tuổi thọ trung bình người VN đã đạt 73 tuổi, cao hơn 3 tuổi so với tuổi thọ trung bình của thế giới (70 tuổi).
Hơn 50 năm qua, tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng 22 tuổi (48 lên 70 tuổi) thì VN tăng thêm đến 33 tuổi (40 lên 73 tuổi). Chỉ số này phản ánh những thành tựu về phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Việc tuổi thọ tăng cao cũng khiến VN đối mặt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh. Ý kiến ông ra sao?
Đúng. Việc tuổi thọ tăng cao đang tác động khá rõ nét đến cơ cấu dân số. Cùng với tốc độ sinh giảm nhanh, tuổi thọ tăng cao là nguyên nhân VN bước vào giai đoạn già dân số và tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng với tỷ trọng người cao tuổi tăng nhanh. Năm 2012, cứ 11 người dân có 1 người cao tuổi, đến 2019 tỷ lệ này là 6/1.
Sau tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo đến 2017 VN sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhưng từ 2011, theo kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi của VN đã chiếm 7% dân số. Với tỷ trọng này, theo quy ước của Liên Hiệp Quốc, VN đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, sớm hơn 6 năm so với dự báo.
Tốc độ già hóa dân số của VN nhanh hàng đầu châu Á và cũng thuộc diện nhanh nhất thế giới. Dự báo, thời gian từ “già hóa dân số” (7% dân số từ 65 tuổi) sang giai đoạn dân số già (14% dân số từ 65 tuổi) của VN chỉ mất khoảng 18 năm. Đây là khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với các nước phát triển như: Pháp (115 năm); Thụy Điển (85 năm); Mỹ (70 năm); Nhật Bản (26 năm).
Vậy, chất lượng sống có theo kịp với tuổi thọ đang được nâng lên?
|
Già hóa dân số – tuổi thọ người dân tăng cao thể hiện thành quả của phát triển kinh tế – xã hội, chăm sóc y tế nhưng cũng đặt ra các thách thức mà chúng ta cần có chính sách phù hợp, liên quan đến chất lượng dân số. Đó là đời sống vật chất của người cao tuổi còn nhiều khó khăn: 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 18% sống trong hộ nghèo. Chỉ có khoảng hơn 30% có lương hưu. Đặc biệt, chúng ta sống thọ hơn nhưng chất lượng dân số còn thấp.
Tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp (64 tuổi/73 năm tuổi thọ), xếp thứ 124/193 thế giới (thống kê của Tổ chức Y tế thế giới 2010). Vẫn còn khoảng 15% dân số bị khuyết tật. Đặc biệt, chỉ số phát triển con người (HDI) – chỉ số quan trọng của chất lượng dân số của VN đang được cải thiện nhưng vẫn đang ở mức trung bình của thế giới: đạt 0,617 điểm, xếp thứ 127/186 quốc gia (xếp hạng năm 2012).
Chúng ta có đưa ra thông điệp nào tại thời điểm này để duy trì được giống nòi khỏe mạnh?
Nếu hơn 50 năm trước, thời điểm 1961 khi chúng ta bắt đầu triển khai công tác dân số, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trung bình có 6,4 con thì đích mà chúng ta hướng đến là giảm sinh nhanh chóng. Kết quả là chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế: mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con. Bây giờ chúng ta cần có chính sách phù hợp để duy trì giống nòi khỏe mạnh. Vì vậy, tại thời điểm này, đã đến lúc đưa ra thông điệp: “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con”, thay vì kêu gọi “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1 – 2 con” như những năm trước đây.
Chúng ta ngay từ bây giờ cần có chính sách dân số phù hợp để duy trì quy mô dân số, duy trì giống nòi khỏe mạnh.
Đã có hiện tượng “lười” sinh con, chỉ dừng ở một con tại một số thành phố. Nếu một cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con thì ta sẽ thấy mô hình gia đình: 6 người lớn (4 ông bà nội ngoại và 2 bố mẹ) mới có 1 trẻ em. Vài chục năm nữa, gia đình đó sẽ chỉ có 1 người trong độ tuổi lao động và 6 người hết tuổi lao động.
Liên Châu