Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của mỗi người

Bầu khí thiêng liêng của ngày lễ Giáng Sinh, ngày chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Kitô giáng thế, vẫn còn phủ lấy chúng ta. Cùng với những tâm tình đó, hôm nay chúng ta cử hành lễ Đức Trinh Nữ Maria, được Giáo Hội tôn kính là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Mẹ đã ban một thân xác cho Con Chúa Cha hằng hữu.

 Mẹ của Đức Giêsu, Mẹ của Giáo Hội và Mẹ của mỗi người

Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Ngày Thế giới Hoà bình lần 44
Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô
Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, 1/1/2011

 

Anh chị em thân mến!

Bầu khí thiêng liêng của ngày lễ Giáng Sinh, ngày chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm Đức Kitô giáng thế, vẫn còn phủ lấy chúng ta. Cùng với những tâm tình đó, hôm nay chúng ta cử hành lễ Đức Trinh Nữ Maria, được Giáo Hội tôn kính là Mẹ Thiên Chúa, bởi vì Mẹ đã ban một thân xác cho Con Chúa Cha hằng hữu. Các bài Thánh Kinh trong ngày lễ trọng hôm nay chủ yếu làm nổi bật vị thế Con Thiên Chúa làm người và làm nổi bật «Danh» Thiên Chúa. Bài đọc I trình bày cho chúng ta lời chúc lành trang trọng mà các tư tế xướng lên trên dân Israel trong những ngày lễ trọng trong đạo: lời chúc lành này được đánh dấu bằng Danh xưng của Chúa, được nhắc lại ba lần, như thể để diễn tả sự viên mãn và sức mạnh phát xuất từ lời kêu cầu này. Thật thế, bản văn chúc lành trong phụng tự này gợi lên sự phong phú của ân sủng và hoà bình mà Thiên Chúa ban tặng cho con người, khi Ngài tỏ lòng nhân từ cho con người được biểu lộ qua gương mặt của Thiên Chúa «chiếu toả» trên chúng ta và «hướng» về chúng ta.

Ngày hôm nay, Giáo Hội nghe lại những lời này, trong khi Giáo Hội xin Chúa chúc lành cho Năm Mới vừa mới được bắt đầu, với ý thức là khi đối diện với những biến cố bi thảm ghi dấu trên lịch sử, khi đối diện với những luận lý của chiến tranh mà đáng buồn thay vẫn chưa hoàn toàn được vượt qua, thì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể tác động vào tận chiều sâu thẳm nhất của tâm hồn con người, và bảo đảm cho nhân loại hy vọng và hoà bình. Quả thật, từ nay đã có một truyền thống mạnh mẽ muốn rằng trong ngày đầu năm, Giáo Hội, trên toàn thế giới, đồng tâm dâng lên Chúa lời kinh cầu nguyện cho hoà bình. Thật là tốt đẹp khi chúng ta bắt đầu một giai đoạn mới trên quãng đường hành trình, bằng cách cương quyết bước đi trên con đường hoà bình. Ngày hôm nay, chúng ta hãy đáp lại tiếng kêu của biết bao người đàn ông, phụ nữ, trẻ em và người già là những nạn nhân của chiến tranh được xem như gương mặt khủng khiếp nhất và dữ dằn nhất của lịch sử. Ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho hoà bình, được các thiên thần loan báo cho các mục đồng trong đêm Giáng Sinh, có thể đến được khắp nơi trên toàn thế giới: «super terram pax in hominibus bonae voluntatis» – hoà bình dưới thế cho người thiện tâm – (Lc 2,14). Nhằm mục đích này, đặc biệt nhờ kinh nguyện của chúng ta, chúng ta muốn giúp cho mọi người và mọi dân tộc, đặc biệt cho những ai có trách nhiệm trong chính phủ, ngày càng cương quyết bước đi trên con đường hoà bình.

Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô tóm tắt công trình cứu độ đã được Đức Kitô thực hiện, qua việc Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa. Trong công trình cứu chuộc này, chúng ta thấy Thiên Chúa tôn vinh dung mạo của Đức Maria. Nhờ Mẹ, Con Thiên Chúa, «sinh bởi một người phụ nữ» (Ga 4,4), đã có thể bước vào trần gian như một con người thực sự, khi thời gian đến hồi viên mãn. Sự thể hiện này, sự viên mãn này liên hệ đến quá khứ và những mong đợi Đấng Thiên Sai nay đã được thực hiện, nhưng đồng thời, nó cũng quy chiếu về sự viên mãn theo nghĩa tuyệt đối: Trong Ngôi Lời làm người, Thiên Chúa đã nói lên Lời cuối cùng và dứt khoát của Ngài. Như thế, trước thềm năm mới, đã vang lên lời mời gọi chúng ta vui vẻ tiến về ánh sáng của «Vầng Đông từ chốn cao vời đã xuống viếng thăm…» (Lc 1,78), bởi vì trong viễn tượng Kitô giáo, mọi thời gian đều có Thiên Chúa hiện diện, không có tương lai nào mà không quy hướng về Đức Kitô, và không hề có sự viên mãn nào ở ngoài sự viên mãn của Đức Kitô cả.

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng việc đặt tên cho Đức Giêsu, trong khi Đức Maria tham dự trong thinh lặng, và suy niệm trong lòng mầu nhiệm Con của Mẹ, được xem là một món quà độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Nhưng trích đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đặc biệt làm nổi bật sự kiện các mục đồng ra về, vừa đi “vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa về những điều họ đã được mắt thấy tai nghe” (Lc 2,20). Thiên thần báo cho họ tin Đấng Cứu Thế đã giáng sinh trong kinh thành của vua Đavít, nghĩa là trong thành phố Bêlem, và dấu hiệu để họ nhận ra Người: đó là một trẻ sơ sinh được quấn khăn và được đặt nằm trong một máng lừa ăn (x. Lc 2,11-12). Họ ra đi ngay, và họ đã gặp thấy bà Maria và ông Giuse và Con Trẻ. Chúng ta hãy ghi nhận Thánh Sử nói về tư cách làm mẹ của Đức Maria khởi đi từ Con của ngài, từ «con trẻ sơ sinh được quấn khăn» này, bởi vì đó chính là Người – là Ngôi Lời Thiên Chúa (Ga 1,14) – là điểm quy chiếu, là trọng tâm của biến cố đang được ứng nghiệm, và chính Người làm cho tư cách làm mẹ của Đức Maria có phẩm tính «thần linh».

Các Bài đọc hôm nay đặt trọng tâm vào «Người Con», vào Đức Giêsu, điều đó vẫn không hề làm giảm đi vai trò của bà Mẹ, mà trái lại, lại đặt Đức Maria vào đúng viễn cảnh: quả thật, Đức Maria là Mẹ thật của Thiên Chúa, chính là do tương quan đầy đủ của Mẹ với Đức Kitô. Do đó, khi chúng ta tôn vinh Người Con, thì chúng ta cũng phải tôn kính bà Mẹ, và khi chúng ta tôn kính bà Mẹ, thì chúng ta cũng phải tôn vinh Người Con. Tước vị «Mẹ Thiên Chúa», được phụng vụ ngày hôm nay làm nổi bật, nhấn mạnh đến sứ mệnh có một không hai của Đức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ: một sứ mệnh làm nền tảng cho việc tôn kính và tôn sùng mà Dân Chúa đã dành cho Đức Maria. Quả thật, Đức Maria không lãnh nhận món quà Thiên Chúa ban cho một mình Mẹ, nhưng còn để mang món quà đó cho thế giới: qua sự đồng trinh thật phong phú của Mẹ, Thiên Chúa đã ban cho con người kho tàng ơn cứu độ (x. Lời nguyện Nhập lễ). Và Đức Maria đã không ngừng bầu cử cho Dân Chúa trên đường lữ hành trong lịch sử hướng về vĩnh cửu, cũng như ngày xưa Mẹ đã bầu cử cho các mục đồng thành Bêlem. Mẹ là người đã ban tặng sự sống trần gian cho Con Thiên Chúa vẫn tiếp tục ban tặng cho con người sự sống thần linh, chính là Đức Giêsu và Thần Khí của Người. Chính vì thế, Đức Maria được xem là Mẹ của mỗi người được sinh ra cho ân sủng, và  được kêu cầu dưới tước hiệu là Mẹ của Giáo Hội.

Chính dưới danh xưng của Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa và Mẹ của con người, mà kể từ ngày 1/1/1968, Ngày Thế giới Hoà bình đã được cử hành trên toàn thế giới. Hoà bình là một ân huệ Thiên Chúa ban, như chúng ta đã nghe đề cập đến trong Bài đọc I: “Ước gì Giavê… mang lại cho con hoà bình” (Ds 6,26). Hoà bình là hồng ân của Đấng Thiên Sai tuyệt hảo, là hoa trái đầu tiên của tình bác ái mà Đức Giêsu đã ban cho chúng ta, hoà bình là sự giao hoà và là sự bình an tinh thần với Thiên Chúa. Hoà bình cũng là một giá trị nhân văn mà ta phải thực hiện ở bình diện xã hội và chính trị, nhưng hoà bình cắm rễ sâu vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế Gaudium et spes, các số 77-90).

Trong buổi cử hành long trọng này, nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Thế giới Hoà bình, tôi vui mừng được gửi lời chào trân trọng đến các ngài đại sứ bên cạnh Toà Thánh, cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất của tôi dành cho sứ mệnh của họ. Tiếp đến, tôi xin gửi lời chào thân ái và huynh đệ đến ngài Quốc Vụ khanh của tôi và các vị hữu trách khác của các bộ phận điều hành trung ương tại Giáo triều Rôma, đặc biệt đối với vị Chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình và các vị cộng sự của Hội đồng này. Tôi muốn bày tỏ với họ lòng biết ơn sâu xa của tôi, vì họ đã dấn thân mỗi ngày để  phục vụ sự chung sống hoà bình giữa các dân tộc, cũng như đào tạo một ý thức ngày càng sâu xa hơn về hoà bình trong lòng Giáo Hội cũng như trên toàn thế giới. Trong viễn tượng này, cộng đồng Giáo Hội ngày càng nỗ lực làm việc, dựa theo những chỉ dẫn của Huấn quyền, để đưa ra một di sản tinh thần chắc chắn gồm có những giá trị và những nguyên tắc trong nỗ lực không ngừng tìm kiếm hoà bình.

Tôi đã nhắc lại điều này trong Sứ điệp của tôi nhân Ngày Thế giới Hoà bình hôm nay, với tựa đề «Tự do tôn giáo, con đường dẫn tới hoà bình»: “Thế giới cần Thiên Chúa. Thế giới cần những giá trị đạo đức và thiêng liêng, phổ quát và được chia sẻ, và tôn giáo có thể mang lại một sự đóng góp quý giá trong việc tìm kiếm các giá trị trên, để xây dựng một trật tự xã hội công lý và hoà bình ở bình diện quốc gia và quốc tế» (s. 15). Dựa theo mục tiêu này, tôi đã nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo «là một yếu tố thiết yếu của một Quốc gia theo hiến pháp; người ta không thể từ chối quyền này mà đồng thời lại không vi phạm đến tất cả những quyền và những tự do cơ bản, bởi vì tự do tôn giáo là tổng hợp và là chóp đỉnh của chúng” (s. 5).

Nhân loại không thể cam chịu khi đối diện với sức mạnh tiêu cực của ích kỷ và bạo lực; nhân loại không thể quen dần với những cuộc xung đột biến nhiều người trở thành nạn nhân và huỷ hoại tương lai của các dân tộc. Khi đối diện với những căng thẳng đang đe doạ hiện nay, nhất là khi đối diện với những kỳ thị, những lạm dụng và bất khoan dung về mặt tôn giáo đang tác động nhiều hơn cả đến các Kitô hữu (x. sđd., s. 1), lại một lần nữa, tôi gióng lên một lời kêu gọi khẩn thiết yêu cầu mọi người đừng nhường bước cho thất vọng và cam chịu. Tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện cho những nỗ lực từ nhiều phía khác nhau, để cổ vũ và xây dựng hoà bình trên thế giới gặt hái được nhiều thành quả. Để thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này, lời nói suông chưa đủ, các nhà lãnh đạo các quốc gia phải có những cam kết cụ thể và thường xuyên, nhưng trước hết, mỗi người phải được thôi thúc bởi tinh thần đích thực về hoà bình, phải cầu xin Chúa cho tâm hồn mình ngày càng được đổi mới, và phải sống trong những mối tương quan hàng ngày, trong mọi hoàn cảnh.

Trong buổi cử hành Thánh Thể này, chúng ta đưa mắt nhìn bức ảnh Đức Bà «Madonna del Sacro Monte di Viggiano», một bức ảnh mà mọi người trong Vương cung Thánh đường này hết mực yêu mến. Đức Trinh Nữ Maria ban cho chúng ta người Con của Mẹ, Đức Maria chỉ cho chúng ta gương mặt Người Con của Mẹ, là Hoàng Tử Hoà Bình: Xin Mẹ cho ánh sáng của gương mặt này luôn chiếu toả và ở lại trên chúng ta (x. Ds 6,25), để tái khám phá ra tình âu yếm của Chúa Cha; xin Mẹ giúp chúng ta biết cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài canh tân bộ mặt trái đất và biến đổi các tâm hồn, và làm cho tâm hồn con người không còn chai lỳ trước lòng tốt lành của Con Trẻ giáng sinh cho chúng ta. Ước gì Mẹ Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong Năm Mới này; ước gì Mẹ cầu cùng Chúa ban cho chúng ta và cho toàn thế giới hồng ân hoà bình mà chúng ta hằng mong ước. Amen.