Chúa Nhật 30.04.2023
Thương Dân Nên Thí Mình

Chúa Nhật Tuần IV – Mùa Phục Sinh

Cv 2,14a.36-41 • Tv 22,1-3a.3b-4.5.6 (Đ. c.1) • 1 Pr 2,20b-25 • Ga 10,1-10

Tôi đến để chiên được sống (7.5.2017 – Chúa nhật 4 Phục sinh năm A – Chúa chiên lành)

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.

7 Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống, và sống dồi dào.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Thương Dân Nên Thí Mình

ƠN GỌI: xuất phát từ chữ “vocation/ vocatio” bởi động từ Latin “vocare” có nghĩa là “kêu gọi”. Sống bậc hôn nhân cũng là ơn gọi, nhưng trong bối cảnh lễ Chúa Chiên Lành, “ơn gọi” nhằm chỉ đời sống thánh hiến. Dựa vào Lời Chúa hôm nay, chúng ta xin Chúa cho các “ơn gọi đời sống thánh hiến” nhất là mục tử biết noi theo Đức Giêsu là Mục tử Tốt lành sống được 5 chữ T sau đây: THƯƠNG yêu – THÍ mạng – THÔNG hiệp – TÌM gặp – THAM dự.

  1. THƯƠNG YÊU: Như Đức Giêsu đã nhiều lần thổ lộ: “ta thương dân này, vì chúng như đàn chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36; Mc 6,34). Chúa thương yêu dân và thể hiện ra bằng nhiều cách. Nếu ở đời, tình yêu giúp người ta sống vì nhau và hy sinh cho nhau, chẳng hạn như trong tương quan tình cảm đôi lứa “thương nhau chín núi cũng trèo, bảy sông cũng lội, ba đèo cũng qua”, thì tình yêu của Đức Giêsu dành cho chúng ta lớn hơn thế rất nhiều. Người đã trút bỏ vinh quang từ trời để giáng thế làm người, đã đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân, trừ quỷ và ban ơn tha tội cho những ai tin. Hơn nữa, Người là chúa và là Thầy mà không xem các môn đệ như là tôi tớ, mà là bạn hữu của mình.
  2. THÍ MẠNG: thương yêu lớn đến mức thí mạng. Đức Giêsu nói: “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13); đồng thời, Người là “Mục tử Tốt lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10,15). Điều này tương phản với kẻ chăn thuê. Người chăn thuê không coi trọng đoàn chiên, vì họ làm chỉ để lấy tiền công, cho nên “khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy” (Ga 10,12). Thà mất chiên chứ không mất mạng hay chịu thương tích nơi mình. Ngược lại, Mục tử Tốt lành xem các con chiên là sản nghiệp và cuộc sống của chính mình, nên “việc chăn chiên” là một “ơn gọi” chứ không phải là một kế sinh nhai. Mục tử Tốt lành yêu đoàn chiên, và yêu đến mức sẵn sàng thí mạng mình để đoàn chiên được sống.
  3. THÔNG HIỆP: Thông hiệp mật thiết với từng con chiên. Đức Giêsu khẳng định: “Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14-15), “như Chúa Cha biết tôi…” (Ga 10,15). Sự “biết” này rất trọn vẹn, bao gồm cả “yêu”: biết bằng cả khối óc lẫn con tim. Đức Giêsu là Mục tử Tốt lành nên Người biết các hoàn cảnh, nhu cầu, khát vọng của từng con chiên. Để đáp lại, chiên cũng cần biết về mục tử của mình: “chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14b), để ngày càng phát triển một tương quan hiệp thông trọn vẹn. Chiên biết nhận ra tiếng của Mục tử, mở lòng ra với Người. Tương quan hiệp thông hỗ tương này sẽ đưa đến một cuộc sống thân mật giữa hai bên.
  4. TIM KIẾM: Tìm con chiên lạc, kiếm con chiên ngoài đàn. Đức Giêsu thao thức: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này, Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Giáo hội có tính phổ quát, nên mọi người đều có cơ hội thành con chiên của Chúa. Người Mục tử Tốt lành không chỉ chăn những con chiên đang ở trong đàn mà còn ra đi tìm những con chiên lạc, cũng như mở ra với mọi người để kiếm những con chiên khác mà đưa về một đàn. Vì thế, Ratio 2016 nhấn mạnh về việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay thành những mục tử tốt lành không chỉ chăm sóc đoàn chiên mà còn là nhà thừa sai loan báo Tin Mừng (số 61-62).
  5. THAM DỰ: là một đặc tính làm nên bản chất của Hội Thánh và là mắt xích quan trọng của “hiệp hành”. Vì Mục tử Tốt lành sẽ biết cách nối kết mọi thành phần dân Chúa lại với nhau để tham dự vào việc xây dựng và làm tăng trưởng Hội Thánh. Giáo xứ không của riêng Cha xứ, mà của mọi thành phần dân Chúa. Cộng đoàn không phải của Bề trên, mà của mọi thành viên. Do đó, không ai được độc quyền, cũng không ai được dửng dưng hay bị loại trừ. Là Kitô hữu, chúng ta đã được tham dự vào chức tư tế cộng đồng khi chịu phép Thánh tẩy, nên mỗi người trở nên mục tử tốt với anh chị em mình qua việc biết và chia sẻ những thất vọng, nỗi đau, khó khăn về tinh thần cũng như vật chất của tha nhân, chở che và bảo vệ những người yếu thế cô thân. Với Hội Thánh, chúng ta có thể góp phần vào công cuộc đào tạo chủng sinh và tu sĩ, cũng như cộng tác với các mục tử, về mặt tinh thần cũng như vật chất, để giúp các ngài sống và thi hành sứ vụ như lòng Chúa mong ước.

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam