25/01/2025

Xét nghiệm u vú lành tính: Đã yên tâm được chưa?

Xét nghiệm u vú lành tính: Đã yên tâm được chưa?

Nhiều người cho rằng u vú lành tính thì sẽ yên tâm sống khoẻ. Nhưng nghiên cứu y khoa mới khẳng định khối u vú lành tính vẫn có nguy cơ thành ác tính trong 20 năm tiếp theo.

 

 

Xét nghiệm u vú lành tính: Đã yên tâm được chưa? - Ảnh 1.

Bệnh vú lành tính là một nhóm các tình trạng thay đổi trong mô vú mà không phải là ung thư, bao gồm các khối u xơ tuyến và u nang, mô viêm, mô sẹo, và nhiều bất thường khác – Ảnh: DIALOGUE

“Lành tính” nhưng có thực sự lành?

U vú lành tính (hay còn gọi là u tuyến vú lành tính) là một trong những căn bệnh phổ biến của phụ nữ trong độ tuổi từ 20-50. Bệnh phát triển khi các tế bào bất thường tăng sinh quá mức và tạo nên các cục u bên trong vú.

Khối u lành tính thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, không phát triển quá nhanh, không di căn mà chỉ gây đau nhức ở mức độ nhẹ.

Trước nay, hầu hết phụ nữ đều cho rằng “bệnh giống như tên”, nghĩa là mặc dù có khối u nhưng là “lành tính” thì hoàn toàn có thể yên tâm rằng bản thân sẽ không bị ung thư.

Nhưng bất kỳ một khối u nào, dù là lành tính, cũng đều là một sự bất thường của cơ thể. Nhiều nhà khoa học từng nghiên cứu về bệnh này và đưa ra các nghi ngờ về mối nguy hại thực sự của khối u vú lành tính đối với sức khỏe phụ nữ.

Đáng chú ý là một nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Tây Ban Nha thực hiện hồi đầu năm và được trình bày tại Hội nghị Ung thư vú châu Âu lần thứ 13 vào tháng 11 vừa qua đã khiến cho các nhà khoa học hàng đầu đề xuất các khuyến nghị sàng lọc ung thư vú cần được cá nhân hóa hơn.

Nghiên cứu mới dựa trên phân tích dữ liệu từ hơn 778.000 phụ nữ Tây Ban Nha trong độ tuổi từ 50 – 69, họ đều đã trải qua chụp X-quang tuyến vú ít nhất một lần trong khoảng thời gian 20 năm từ 1996 – 2015.

Kết quả cho thấy những người có u vú lành tính có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư vú cao gần gấp đôi trong vòng 20 năm tới so với những phụ nữ không có khối u nào.

Theo tiến sĩ Marta Román – tác giả chính của nghiên cứu, điều này có nghĩa rằng bệnh vú lành tính là dấu hiệu cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Trên thực tế, nhiều phụ nữ thường phát hiện bệnh lành tính ở một bên vú và sau đó ung thư phát triển ở bên vú còn lại.

Chụp X-quang tuyến vú sẽ phát hiện các dấu hiệu của bệnh vú, chẳng hạn như u nang và u xơ tuyến vú. Không phải là tất cả những phụ nữ bị u lành tính sẽ phát triển thành ác tính, nhưng đây là một điều rất cần được lưu tâm, bởi vì đây là yếu tố nguy cơ lâu dài đối với ung thư vú.

Chị em có nên quá lo lắng hay không?

Theo tiến sĩ Larry Norton – giám đốc Trung tâm Vú Evelyn H. Lauder tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), mặc dù nguy cơ cao nhưng không nên nghĩ tình trạng u vú lành tính là yếu tố rủi ro lớn nhất phát triển ung thư vú. Thay vào đó, cần coi chúng là “động lực để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú”.

Ung thư vú là một bệnh đa yếu tố, nghĩa là cả yếu tố di truyền và lối sống đều ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.

Hai yếu tố rủi ro chính liên quan đến ung thư vú là giới tính và tuổi tác. Các yếu tố rủi ro không thể tránh khỏi khác bao gồm: đột biến gene (bao gồm gene BRCA 1 và BRCA 2), tiền sử sinh sản và tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư vú.

Các yếu tố về lối sống là những yếu tố rủi ro có thể thay đổi được, bao gồm: lười hoạt động thể chất, béo phì, sử dụng hormone trong một thời gian dài và lạm dụng rượu, bia.

Việc bản thân có một hoặc nhiều yếu tố rủi ro không có nghĩa là bạn sẽ mắc bệnh, nhưng hiểu được mình đang có yếu tố rủi ro nào là thông tin có lợi để tìm cách giảm thiểu nguy cơ.

Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư vú cần được cá nhân hóa.

Vì nguy cơ ung thư vú có thể tồn tại hơn 20 năm sau khi chẩn đoán bệnh vú lành tính, nên các nhà khoa học tin rằng các u vú lành tính có thể giúp các bác sĩ xác định những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao trong thời gian dài. Việc chữa bệnh có thể tăng phần trăm thành công khi các xét nghiệm sàng lọc cá nhân hóa hơn.

Các thủ tục sàng lọc ở mỗi phụ nữ là không giống nhau. Một số người cần thực hiện nhiều kiểm tra, trong khi một số thì chỉ cần chụp X-quang tuyến vú. Chẳng hạn những người có ngực lớn và lượng mô tuyến, mô sợi tương đối cao hơn, ít mô mỡ hơn khi chỉ chụp X-quang tuyến vú sẽ không có kết quả chính xác. Họ cần có các xét nghiệm hình ảnh bổ sung.

Nguy cơ ung thư của một người thường được xác định bởi nhiều yếu tố. Hiểu rõ hơn về rủi ro mà một trong những yếu tố này mang lại sẽ giúp các bệnh viện có thiết kế sàng lọc ung thư cá nhân hóa tốt hơn.

MINH HẢI (Theo Health)
TTO