22/11/2024

Bài học đau xót nhìn từ phiên xử vụ án Alibaba

Bài học đau xót nhìn từ phiên xử vụ án Alibaba

Phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba đã kết thúc phần thẩm vấn, tranh luận sau 2 tuần diễn ra. HĐXX TAND TP.HCM sẽ nghị án dài ngày và tuyên án vào sáng 29.12.

 

 

Trong số 4.550 bị hại, nhiều người đã đặt mục tiêu, hy vọng cuộc đời vào Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba) để có mái nhà che mưa che nắng, nhưng đổi lại là nợ nần đeo bám. Có bị hại từ có nhà thành “vô sản”. Có những bị cáo đem nhiệt huyết tuổi đời còn trẻ, để “phục vụ” Nguyễn Thái Luyện và công ty, rồi vướng vào lao lý với mức án đối mặt có thể “mất cả thanh xuân”.

 

Nợ nần đeo bám, gia đình tan nát…

Các bị hại trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba trải dài ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Lâm ĐồngQuảng NgãiHà TĩnhNghệ AnĐồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… Nhiều bị hại khai “lời mời của Alibaba rất hấp dẫn, nghe xong không thể không mua” rồi bị lừa từ vài trăm triệu đến nhiều tỉ đồng. Đâu đó có người “đầu tư lướt sóng”, nhưng vẫn có người dùng cả cơ nghiệp mong có mái nhà cho tuổi về già.

Bài học đau xót nhìn từ phiên xử vụ án Alibaba - ảnh 1
Người bị hại có mặt ở sân tòa theo dõi phiên xử qua màn hình NHẬT THỊNH

Họ đều trình bày rằng trước khi ký hợp đồng mua đất đã được nhân viên Công ty Alibaba dẫn đi xem dự án (thực chất đều là các dự án phân lô bán nền do Công ty Alibaba tự vẽ ra trái phép). Khi đến khu đất thì thấy xung quanh toàn rừng, không chia nền như quảng cáo. Nhưng vẫn tin tưởng vào cam kết lợi nhuận, tính pháp lý của các dự án mà nhân viên môi giới của Công ty Alibaba giới thiệu nên mạnh dạn đầu tư.

Trong số hơn 1.000 người bị hại có mặt tại phiên tòa, chị H. (ngụ Q.5, TP.HCM) cho hay chị vay ngân hàng và lấy tiền nhàn rỗi tiết kiệm được, khoảng 5,9 tỉ đồng mang đi mua 30 lô đất của Công ty Alibaba với hy vọng vừa kiếm lời vừa có nhà cho các con. Tuy nhiên, chị vừa trả tiền được 1 tháng thì Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị bắt. Số tiền vay nợ dồn hết vào mua các dự án của Công ty Alibaba, không thể bán hay rút tiền về, chị đành bán nhà trả nợ. Chán nản, hai vợ chồng ly thân, rồi mấy mẹ con dắt díu nhau về ở nhờ nhà mẹ ruột.

Ở ngày cuối cùng thẩm vấn người bị hại, bà H.T.M (75 tuổi) thất thểu lên trình bày, bà bán căn nhà ở TP.HCM hơn 3 tỉ đồng mua 5 lô đất của Công ty Alibaba, để sau này các con và cả ông bà có thể ở gần nhau. Giờ này, bà và các con phải ở trọ. Vì vậy, bà M. mong muốn “nếu được thì nhận đất, rẻ tôi cũng lấy, đất nông nghiệp tôi cũng lấy; còn không được thì cho tôi xin lại tiền”.

Câu nói “cho tôi xin lại tiền” của bà M., cũng như nhiều bị hại khác lâm thảm cảnh bị lừa tán gia bại sản, như xé lòng người dự khán tại phiên tòa.

 

Bị cáo khóc, cúi đầu xin lỗi người bị hại

Đối với 23 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba, ở phần luận tội, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đề nghị Nguyễn Thái Luyện tù chung thân, 21 bị cáo đồng phạm, bị đề nghị từ 12 – 30 năm tù; riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) bị đề nghị từ 5 – 6 năm tù về tội “rửa tiền”.

Tự bào chữa, và nói lời sau cùng, trừ bị cáo Nguyễn Thái Luyện, các bị cáo đồng phạm còn lại đều khóc, và nói lời xin lỗi người bị hại, gia đình, và thảng thốt rằng, nếu phải nhận mức án như VKS đề nghị, họ đã tự đánh mất cả tuổi thanh xuân, tương lai.

Bài học đau xót nhìn từ phiên xử vụ án Alibaba - ảnh 2
Một số bị cáo trong vụ án khóc nức nở tại phần tự bào chữa, nói lời sau cùng, mong được khoan hồng

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (27 tuổi, nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) bị VKS đề nghị mức án từ 16 – 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tốt nghiệp trường luật, Trinh là cánh tay đắc lực của Luyện. Bị cáo làm thủ tục thành lập 20/22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba để lừa đảo…

Trước khi vụ án Alibaba bị khởi tố (tháng 9.2019), thì ngày 13.6.2019, Trinh còn ngang nhiên la lớn “đập xe nó cho chị”, khi ngăn cản lực lượng của UBND xã Tóc Tiên (Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép tại một dự án khu dân cư trái phép của Công ty Alibaba có tên “Khu dân cư Alibaba Tân Thành center 5”. Liên quan vụ án này, ngày 28.11.2019, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Huỳnh Tú Trinh 4 năm 6 tháng tù về 2 tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và “gây rối trật tự công cộng”.

Nhưng hôm nay, đứng trước tòa, Trinh đã khóc và nói: “Là cử nhân luật, hôm nay đứng trước vành móng ngựa, vướng lao lý, bị cáo phải đánh đổi danh dự, tuổi trẻ, sự nghiệp. Cha bị cáo nói một câu, rằng cho con đi học luật, giờ vướng vào lao lý. Bị cáo cảm thấy mình bất hiếu”. Nói về mức án VKS đề nghị, Trinh càng khóc nức nở rằng, “nếu nhận mức án như VKS đề nghị, thực sự bị cáo không biết còn kịp thấy người thân. Nó như mất cả tương lai, thanh xuân của bị cáo”.

Hay bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Như (30 tuổi, Phó tổng đào tạo Công ty Alibaba), khi khởi tố vụ án Alibaba và Nguyễn Thái Luyện bị bắt, bị cáo Như đã đứng ra tổ chức livestream trấn an khách hàng, và hứa sẽ mua lại các dự án mà khách hàng đã đầu tư, nếu khách hàng muốn bán. Như chính là bị cáo truyền đạt lại cẩm nang, kỹ năng bán hàng của Luyện để đào tạo nhân viên, với các phương pháp “sale phone”, “treo đầu dê bán thịt chó”, “truyền lửa, đốt lửa, truy sát khách hàng”… VKS đề nghị Như 20 năm tù, bị cáo cũng khóc và trình bày “đã dành cả sự nhiệt huyết tuổi trẻ khi mới ra trường, để cống hiến cho công ty…”.

Các bị cáo khác, hầu hết đều còn trẻ, khi nói lời sau cùng đều rưng rưng trước những “bài học quá đau xót”, cúi đầu xin lỗi bị hại, xin sự khoan hồng, mong muốn có mức án thấp hơn VKS đề nghị để sớm “bước chân ra khỏi nhà tù, có cơ hội làm lại cuộc đời”.

 

4.550 chưa phải số bị hại cuối cùng…

Trong phần luận tội, VKS cũng đánh giá thủ đoạn của bị cáo Nguyễn Thái Luyện rất tinh vi, khi bị cáo đã tận dụng triệt để sự nhiệt huyết tuổi trẻ của một số bị cáo trong vụ án, thiếu chín chắn, thiếu kiến thức sống, thiếu kinh nghiệm để phục vụ cho mục đích của bị cáo.

 

Phát trực tuyến tuyên án vào sáng 29.12

Ngày 23.12, TAND TP.HCM ra thông báo HĐXX sẽ tuyên án vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba vào 7 giờ 30 ngày 29.12, và phát trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử TAND TP.HCM, xem tại đây; đồng thời, sau khi tuyên án, bản án sẽ được niêm yết trên Cổng thông tin điện tử TAND TP.HCM, xem tại đây.

TAND TP.HCM thông báo để người tham gia tố tụng được biết nhằm theo dõi việc tuyên án và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Cáo trạng cáo buộc Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thành lập Công ty Alibaba và 22 công ty trực thuộc “xây dựng” 58 dự án “ma” lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.400 tỉ đồng của 4.550 người bị hại.

Cụ thể trong vụ án này, trừ bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 2 bị cáo khác sinh 1981, các bị cáo còn lại đều sinh cuối những năm 1980; có 14/23 bị cáo là 9X đời đầu, thậm chí nhiều bị cáo sinh năm 1998 – 1999. Nhưng, VKS cũng phân tích thiệt hại của vụ án là quá lớn, hơn 2.400 tỉ đồng/4.550 người bị hại, và dự kiến vẫn chưa dừng lại ở con số ấy. Ngoài ra, các bị cáo còn bất chấp pháp luật, phá vỡ quy hoạch của nhà nước về quản lý đất đai, kinh doanh bất động sản. Vì vậy, theo VKS, khi đề nghị mức án, VKS đã cân nhắc, phân hóa vai trò, tình tiết giảm nhẹ của từng bị cáo.

Sau khi lắng nghe các luật sư bào chữa và nội dung tự bào chữa của các bị cáo, VKS cũng đề nghị khi quyết định hình phạt, HĐXX lưu tâm việc phân hóa vai trò rõ ràng theo nguyên tắc xử lý nghiêm bị cáo có vai trò chủ mưu, khoan hồng với các cá nhân đồng phạm là cấp dưới; để pháp luật vừa nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa chung nhưng cũng nhân văn.

 

PHAN THƯƠNG

TNO