Trung Quốc thử mở cửa với Hong Kong

Trung Quốc thử mở cửa với Hong Kong

Chuyến công tác Bắc Kinh bốn ngày của Trưởng đặc khu Hong Kong Lý Gia Siêu vốn chỉ mang tính chất báo cáo cuối năm đã bất ngờ thu hút chú ý sau khi Trung Quốc đại lục chấp thuận mở cửa hoàn toàn biên giới với Hong Kong từ giữa tháng 1-2023.

 

 

 

 

Trung Quốc thử mở cửa với Hong Kong - Ảnh 1.

Người dân Hong Kong tại chốt kiểm soát xuất nhập cảnh ở cầu Chu Hải – Hong Kong – Macau vào ngày 23-12 – Ảnh: Reuters

Đây có thể xem như một món quà Giáng sinh của đại lục dành cho thành phố hơn 7 triệu dân. Ở chiều ngược lại, nó cũng đánh dấu một phép thử quan trọng của Trung Quốc về chính sách chống dịch COVID-19 ngay trước Tết Nguyên đán.

 

Tự do đi lại?

“Việc mở cửa biên giới với đại lục, vốn được trông chờ từ lâu, bây giờ đã có thể đạt được”, ông Lý Gia Siêu nhấn mạnh trong cuộc họp báo chiều 24-12 sau khi trở về từ Bắc Kinh. Theo trưởng đặc khu Hong Kong, ngày và giờ chính xác mở cửa biên giới vẫn đang chờ chính quyền trung ương quyết định. Trước mắt, chính quyền Hong Kong sẽ thảo luận với chính quyền Quảng Đông và thành phố Thâm Quyến (thuộc Quảng Đông) về kế hoạch mở cửa “dần dần, có trật tự”.

Biên giới Hong Kong – đại lục đã bị đóng cửa vào đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện và vẫn đóng cửa kể từ đó khi Trung Quốc hạn chế đi lại giữa hai bên như một phần của chính sách “Zero COVID”. 

Hiện tại, các cá nhân muốn vào đại lục từ Hong Kong chỉ có thể thực hiện việc này thông qua sân bay của thành phố hoặc hai trạm kiểm soát – vịnh Thâm Quyến hoặc cầu Hong Kong – Chu Hải – Macau. Họ cũng phải trải qua một thời gian cách ly tại khách sạn trước khi có thể di chuyển tự do.

Mặc dù Hong Kong là một phần của Trung Quốc song theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, người dân hai bên không thể tự do đi lại mà không có giấy thông hành hai chiều. Theo báo South China Morning Post (SCMP), chính quyền đại lục đã siết chặt việc cấp loại giấy này kể từ đầu dịch, chỉ ưu tiên những người sang Hong Kong cho mục đích kinh doanh.

Ngành du lịch của Hong Kong đã bị tàn phá bởi ba năm đại dịch, và các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đại lục khiến nhiều người e ngại đến thành phố này. Lượng khách từ đại lục vào năm ngoái đã giảm xuống còn khoảng 65.700, gần bằng con số mà thành phố này đón tiếp chỉ trong nửa ngày vào năm 2018 – năm mà 50,8 triệu du khách đại lục đã đến Hong Kong.

Tuy nhiên, đã có những điều chỉnh nhỏ từ tuần trước. Hôm 22-12, nhà chức trách Trung Quốc đã tăng hạn ngạch nhập cảnh với Hong Kong thêm 500 người/ngày, lên mức 2.500 người/ngày. Thâm Quyến cũng đồng ý tăng hạn ngạch lên 2.800 người/ngày.

 

Giải pháp cùng có lợi

Không ngạc nhiên khi thông báo của trưởng đặc khu Hong Kong tạo ra tâm lý hứng khởi với nhiều doanh nghiệp và chính trị gia Hong Kong. Mặc dù vậy, vẫn có một số ít chính khách giữ thái độ thận trọng khi cho rằng việc mở cửa hoàn toàn sẽ không xảy ra trước Tết Nguyên đán (rơi vào ngày 22-1-2023).

Với Hong Kong, việc mở cửa không chỉ giúp hồi sinh ngành du lịch vốn phụ thuộc nhiều vào đại lục mà còn là cơ hội thu hút các doanh nghiệp trở lại thành phố này. Ở bên kia sông Thâm Quyến (phân cách Hong Kong và Trung Quốc đại lục), việc mở cửa với Hong Kong là phép thử quan trọng trước khi Trung Quốc tính đến việc mở cửa hoàn toàn với thế giới trong năm mới.

Việc mở cửa cũng phản ánh những áp lực ngày càng tăng mà chính quyền hai bên phải đối mặt từ các doanh nghiệp. Trong cuộc gặp với ông Lý Gia Siêu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ngầm ám chỉ điều này và khẳng định số phận của Hong Kong – đại lục “gắn liền với nhau”. 

“Tôi hy vọng chính quyền Hong Kong sẽ đoàn kết và lãnh đạo đại đa số cư dân đáp ứng nhu cầu của đất nước, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước và phát huy hết những lợi thế độc đáo của thành phố”, ông Lý Khắc Cường bày tỏ.

Tất nhiên tốc độ mở cửa nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở cả đại lục và Hong Kong, nhưng đã có nhiều chỉ dấu cho thấy cả hai bên đều sẵn sàng hướng tới “bình thường mới”. 

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố sẽ ngừng công bố số ca nhiễm mới kể từ ngày 25-12, một động thái mà theo nhiều chuyên gia là nhằm tạo bầu không khí tự tin và khuyến khích các công ty đang có ý định quay trở lại Trung Quốc.

Hong Kong kỳ vọng việc mở cửa với đại lục sẽ giúp nền kinh tế thành phố tăng trưởng 3,5% trong năm 2023. Bà Iris Pang, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại Công ty dịch vụ tài chính ING, cho biết bà tin cách tiếp cận mới sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế xuyên biên giới nhưng sẽ không ngay lập tức dẫn đến một lượng lớn khách du lịch đại lục đến tham quan hoặc mua sắm.

“Đối với đợt du khách đại lục đầu tiên, họ có thể đến Hong Kong để mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc liên quan đến dịch COVID-19, chẳng hạn như khẩu trang, hoặc để tiêm vắc xin hoặc các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó các hiệu thuốc, cơ sở chăm sóc sức khỏe và doanh nghiệp của thành phố sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ”, bà Pang nhận định với SCMP.

 

“Không có ca tử vong trong 5 ngày”

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, mặc dù số ca mắc mới tăng kỷ lục trên toàn quốc, Trung Quốc không có trường hợp tử vong do COVID-19 nào trong năm ngày gần đây (tính đến 24-12).

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Trung Quốc có thể không phản ánh chính xác quy mô của sự bùng phát dịch COVID-19 hiện nay ở quốc gia này. Trung Quốc chỉ tính những trường hợp tử vong do viêm phổi hoặc suy hô hấp mới là tử vong do COVID-19.

Theo truyền thông Trung Quốc, hệ thống y tế của đất nước đang bị thử thách rất lớn. Các nhân viên y tế được yêu cầu làm việc cả khi bị ốm. Những người đã nghỉ hưu ở các cộng đồng nông thôn cũng được huy động để hỗ trợ hệ thống y tế cơ sở.

Tình hình càng cấp bách hơn khi Tết Nguyên đán đang đến gần và là cao điểm “xuân vận” của Trung Quốc do lượng người về quê rất đông.

 

HỒNG VÂN

DUY LINH
TTO