Cá tra cần hướng về thị trường nội địa, giảm áp lực xuất khẩu

Cá tra cần hướng về thị trường nội địa, giảm áp lực xuất khẩu

Chiều 16-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ giải pháp năm 2023. Hội nghị này thu hút nhiều doanh nghiệp và lãnh đạo 10 tỉnh, thành để bàn về con cá tra đã xuất khẩu 2,4 tỉ USD.

 

 

 

 

Cá tra cần hướng về thị trường nội địa, giảm áp lực xuất khẩu - Ảnh 1.

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: MINH KHANG

Ngành thuỷ sản đạt trên 10 tỉ USD

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt trên 10 tỉ USD,  trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Hai thị trường chi phối xu hướng xuất khẩu cá tra là Trung Quốc chiếm 30%, Hoa kỳ chiếm 23%. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico…

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 – 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu duy trì mức 27.000 – 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 – 31.000 đồng/kg, cao hơn trung bình khoảng 7.000 – 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi. 

Cá tra là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản với sản lượng hàng năm khoảng 30% tổng sản lượng cả nước. Diện tích nuôi cá tra khoảng 5.700 ha, tập trung tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cá tra cần hướng về thị trường nội địa, giảm áp lực xuất khẩu - Ảnh 2.

Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 1.400 ha – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước

Cá tra cần hướng về thị trường nội địa, giảm áp lực xuất khẩu - Ảnh 3.

TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là thủ phủ cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ông Huỳnh Minh Tuấn – phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho hay Đồng Tháp có diện tích 2.450ha nuôi cá tra, ước sản lượng thu hoạch trên 500.000 tấn, xuất khẩu 270.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 847 triệu USD, đứng đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. Ngành hàng phát triển đã giải quyết việc làm cho 25.000 lao động trong tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định năm 2022, ngành hàng cá tra nước ta đã duy trì tốt chuỗi sản xuất cung ứng và tận dụng cơ hội thị trường sau đại dịch COVID-19.

Để phát triển ngành cá tra hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong năm 2023 và các năm tiếp theo, đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra; cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; các tỉnh, thành ĐBSCL đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra…

“Tiếp tục phát triển quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá tra cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm kết nối doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra với bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học nhằm cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu”, ông Tiến nói thêm.

Đặc biệt là khẩn trương xây dựng đàn cá bố mẹ theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh cho các trại sản xuất giống. Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn các trại giống về giải pháp thay thế HCG (loại thuốc kích dục sinh sản cho cá tra – PV) trong sản xuất giống cá tra và sử dụng phụ phẩm trong sản xuất, chế biến…

Cá tra cần hướng về thị trường nội địa, giảm áp lực xuất khẩu - Ảnh 4.

Từ con cá tra, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra đã chế tạo nên hàng chục món ăn khác nhau – Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

BỬU ĐẤU – ĐẶNG TUYẾT
TTO