Thị trường xăng dầu ổn định trở lại

Thị trường xăng dầu ổn định trở lại

Đến chiều 20-11, người dân tại TP.HCM đã dễ dàng mua xăng trở lại khi các tấm bảng quen thuộc thời gian qua như “hết xăng”, “chỉ bán 30.000 – 50.000 đồng” hay cảnh nhân viên xua tay ngưng bán không còn.

 

 

 

Thị trường xăng dầu ổn định trở lại - Ảnh 1.

Các cây xăng tại đường Tô Ký (thuộc quận 12 và huyện Hóc Môn, TP.HCM) những ngày qua đã hoạt động ổn định – Ảnh: NGỌC HIỂN

Các doanh nghiệp (DN) cho hay nguồn cung đã dồi dào trở lại song mức chiết khấu vẫn chỉ 200 – 300 đồng/lít.

Không biết hàng ở đâu ra, có phải giá sắp giảm nên xả kho hay không mà giờ bên nào cũng cấp hàng tốt.

Giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM.

 

Cây xăng đã “bóp cò” thả ga

Phần lớn các cây xăng tư nhân tại TP.HCM đã hoạt động ổn định trở lại trong khi các cây xăng của các hệ thống lớn như Petrolimex hay PVOil, Saigon Petro, Satra… cũng đã gỡ các hàng rào phân luồng khách xếp hàng bằng thép B40 như lúc cao điểm.

Tại quận Gò Vấp, nhiều cây xăng dọc các trục đường như Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Quang Trung… trước đây thường xuyên hoạt động cầm chừng, lúc đóng lúc mở nay đã mở cửa bán xăng dầu tối đa.

Quản lý một cây xăng trên đường Quang Trung cho biết sau chừng 10 ngày không có xăng, đến nay cây xăng đã được cấp ổn định nên các nhân viên có thể “bóp cò” thẳng tay bơm cho khách.

Ngay “điểm nóng” trước đây thường có nhiều cây xăng không bán hàng dọc đường Tô Ký (quận 12) hiện các cây xăng thường xuyên đóng cửa cũng đã bán xăng dầu trở lại, không còn định mức.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM cũng bất ngờ. “Không biết hàng ở đâu ra, có phải giá sắp giảm nên xả kho hay không mà giờ bên nào cũng cấp hàng tốt, ngay cả các thương nhân phân phối trước đây khan hàng thì bây giờ cũng cấp hàng ổn, chỉ có chiết khấu hiện duy trì ở mức thấp, 200 – 300 đồng/lít xăng thôi”, vị này nói và cho biết thêm với mức chiết khấu này nếu thuê mặt bằng vẫn lỗ, còn nếu mặt bằng của DN sẽ không lỗ.

Ông Lê Văn Báu – giám đốc một hệ thống cây xăng ở TP.HCM – cho biết hiện Petrolimex cho mức chiết khấu 200 – 300 đồng/lít, phía DN này bán thả ga nên vẫn còn tình trạng khi bán hết định mức vẫn phải chờ để được cấp hàng mới.

Chuyển sang mua ở nơi ổn định nguồn cung

Sau quãng thời gian chờ đợi, giám đốc một DN bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM cho hay đã an tâm khi được Sở Công Thương TP.HCM làm thủ tục thay đổi đầu mối cấp xăng dầu. Trước đây các cây xăng của DN này lấy hàng của một thương nhân phân phối (được mua hàng của nhiều DN đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu). Khi cơn “khát xăng” xảy ra, phía thương nhân này không đảm bảo cấp hàng nên phía cây xăng đã quyết định mua hàng của một DN đầu mối để ổn định hơn.

Tương tự, ông Lê Văn Báu cũng cho biết qua đợt khó khăn này, DN cung ứng nào không đảm bảo nguồn cung thì hệ thống này cũng xem xét, thanh lý hợp đồng để chuyển sang mua chỗ khác để ổn định kinh doanh.

 

Chờ thêm động thái từ Bộ Tài chính

Trong khi đó, lãnh đạo một DN đầu mối xăng dầu cho hay vừa mở thầu để nhập hàng nhưng mức chi phí, phụ phí vẫn cao, thấp nhất là 7 – 8 USD/thùng, cao nhất là 11 – 12 USD/thùng.

Theo vị này, do tỉ trọng xăng dầu nhập khẩu chỉ chiếm 20% nên khi tính tỉ trọng chi phí, phụ phí nhập khẩu trong giá cơ sở vẫn còn thấp khiến DN đầu mối vẫn rất “đau đầu”. “Chúng tôi vẫn chờ ngày 21-11 để biết Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí nhập khẩu ra sao, nhất là cách tính trong giá cơ sở, nếu đảm bảo thì DN sẽ tăng nhập”, vị này nói.

 

Nhiều lý do khiến nguồn cung tăng

Trong khi đó, lãnh đạo một DN đầu mối xăng dầu cho biết hiện nay các cây xăng hoạt động ổn định trở lại do có nhiều nguyên nhân. Vị này phân tích đầu tiên là do các cơ quan chức năng đã làm gắt, yêu cầu ký cam kết, kiểm tra liên tục khiến các khâu trong chuỗi cung ứng đều tăng cường lấy hàng, kể cả bán lẻ lẫn khâu thương nhân phân phối. Bên cạnh đó, dự báo giá xăng dầu sẽ giảm với mức khoảng 100 – 200 đồng/lít đối với xăng và khoảng 500 đồng với dầu DO (tính theo công thức giá cơ sở cũ) nên dù lỗ các DN vẫn nhập hàng kinh doanh.

 

Hà Nội: cải thiện rõ rệt

Theo ghi nhận, tình hình cung ứng xăng dầu tại Hà Nội cũng cải thiện rõ rệt. Đơn cử, chiều tối 20-11, tại cửa hàng xăng dầu HFC Tam Đa (249 Thụy Khuê, Tây Hồ), dù vào giờ cao điểm, nhưng vẫn chỉ có lác đác người đến đổ xăng. Điều này trái ngược với cảnh xếp hàng dài đổ xăng giữa đêm như Tuổi Trẻ từng ghi nhận trước đó.

Còn tại cửa hàng xăng dầu HFC 79 Lạc Long Quân (Cầu Giấy), 18h chiều cùng ngày, người dân tới đổ xăng cũng chỉ cần đợi một đến hai lượt là tới lượt đổ xăng. Cảnh xếp hàng tràn ra lòng đường không còn tái diễn.

Theo nhân viên tại một số cửa hàng xăng dầu, những ngày gần đây, tình trạng hết xăng hoặc người dân xếp hàng dài mua xăng dầu tại đây đã bắt đầu “giảm nhiệt”.

Một số cửa hàng trước đây đóng cửa nay cũng đã mở bán trở lại, nên tình trạng xếp hàng dài giảm, xăng dầu được cung cấp đầy đủ hơn cho nhu cầu sử dụng của người dân. Phạm Tuấn

NGỌC HIỂN
TTO