10/09/2024

Bắt tạm giam 13 bị can đòi nợ kiểu khủng bố

Bắt tạm giam 13 bị can đòi nợ kiểu khủng bố

Ngày 20.11, Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 13 bị can để điều tra hành vi “vu khống” nhằm mục đích đòi nợ, xảy ra tại Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset.

 

 

 

13 bị can gồm: Nguyễn Ngọc Thắng, Đỗ Trọng Đạt, Trịnh Ngân Bình, Phạm Hùng Dương Lâm, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Nguyễn Trung Tín, Đỗ Thanh Tùng, Phạm Thị Bích Trang, Nguyễn Công Nghĩa, Phạm Nguyễn Ngân Hà, Nguyễn Công Tuấn, Lê Sanh, Trần Minh Tiến. Các bị can bị khởi tố để điều tra về tội “vu khống” theo điều 156 bộ luật Hình sự (khung hình phạt đến 7 năm tù).

Bắt tạm giam 13 bị can đòi nợ kiểu khủng bố - ảnh 1
Công an TP.HCM khám xét văn phòng Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset ở Q.4

Trước đó, Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt các phòng nghiệp vụ và công an địa phương tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh, trấn áp mạnh liên quan đến tín dụng đen. Qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, công an phát hiện một số công ty thu hồi nợ sử dụng phương thức dùng điện thoại di động gọi điện đe dọa, chửi bới, dùng mạng xã hội để khủng bố bằng cách cắt ghép hình ảnh, vu khống người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ.

Ghép ảnh cáo phó, đồi trụy để gây áp lực

Qua xác minh bước đầu, Công an TP.HCM xác định Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset là công ty có vốn nước ngoài, trụ sở chính ở Q.1, do người Hàn Quốc làm tổng giám đốc. Công ty này được cấp giấy phép thành lập, có chức năng “cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng”. Từ năm 2016, công ty này thuê văn phòng tại lầu 4, cao ốc H3, số 384 Hoàng Diệu, Q.4, để hoạt động thu hồi nợ.

Bắt tạm giam 13 bị can đòi nợ kiểu khủng bố - ảnh 2
Đỗ Trọng Đạt (phải), một trong những bị can cầm đầu đường dây đòi nợ kiểu khủng bố THANH TUYỀN

Khách hàng khi có nhu cầu vay phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty; lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hằng tháng.

Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ. Các nhóm nợ được chia làm 5 nhóm (tùy theo số ngày nợ). Lúc đầu khi mới đến hạn, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng. Đối với nhóm nợ nhiều ngày, nhóm này thường xuyên điện thoại, nhắn tin cho người thân để tác động trả nợ.

Đối với nhóm nợ trên 180 ngày, các nhân viên sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa; cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn, cảnh báo lừa đảo… để gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.

 

Xâm nhập danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người nợ

Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an Q.1, cho biết qua điều tra của công an, địa chỉ các nạn nhân rải từ miền Trung trở vào TP.HCM. Đến nay, cơ quan công an đã làm việc với 33 nạn nhân để củng cố tài liệu, chứng cứ nhằm tiếp tục điều tra làm rõ đường dây này. Công an cũng kêu gọi các nạn nhân đến Công an Q.1 và Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM) cung cấp thêm thông tin.

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP.HCM), đánh giá hoạt động cho vay của Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset là hợp pháp, nhưng thủ đoạn đòi nợ thì vi phạm pháp luật. Các đối tượng trong đường dây sử dụng nhiều thủ đoạn phi pháp để thu hồi nợ. Khi người vay cung cấp số điện thoại, các đối tượng xâm nhập vào danh bạ, tài khoản mạng xã hội và khủng bố người thân, đồng nghiệp người vay để đòi nợ.

Đại tá Hiếu nói thêm: Hành vi của nhân viên công ty này khác với các băng nhóm tín dụng đen. Băng nhóm tín dụng đen đến nhà, gọi điện đe dọa hay gây áp lực; còn nhân viên công ty này khủng bố tinh thần nhằm mục đích bôi nhọ nhân phẩm, xúc phạm người vay và người thân của họ. Nhân viên đòi nợ thành công sẽ được hưởng 30% số tiền đòi được, do vậy rất “nhiệt tình” trong việc đòi nợ.

Qua vụ án này, đại tá Hiếu khuyến cáo: Người dân không liên quan đến việc vay tiền, nếu bị đe dọa khủng bố đòi nợ, hãy giữ lại những bằng chứng, hình ảnh, để báo cơ quan điều tra xử lý về hành vi vu khống.

Những năm qua, Báo Thanh Niên đăng tải nhiều loạt bài phản ánh vấn nạn đòi nợ kiểu khủng bố lộng hành. Theo đó, nhiều công ty tài chính, đường dây tín dụng đen có hành vi khủng bố đòi nợ khách hàng, gây phẫn nộ trong dư luận, đòi hỏi cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh, nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Tháng 10.2022, khi Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng hàng loạt hiệu trưởng tại TP.HCM bỗng dưng bị khủng bố đòi nợ (nhiều hiệu trưởng ở Q.11 và TP.Thủ Đức bị một số tổ chức, cá nhân gọi điện quấy rối, nhắn tin đe dọa, đăng hình ảnh, thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội, gây áp lực trả nợ thay dù bản thân không liên quan việc vay mượn nợ), UBND TP.HCM giao công an xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng đòi nợ kiểu phi pháp.

 

NGỌC LÊ

TNO