Châu Âu đối mặt ‘đại dịch ung thư’ với khoảng 1 triệu ca bệnh ‘bị bỏ sót’

Châu Âu đối mặt ‘đại dịch ung thư’ với khoảng 1 triệu ca bệnh ‘bị bỏ sót’

Các chuyên gia cảnh báo châu Âu đối mặt với “đại dịch ung thư”, trừ khi có hành động khẩn cấp để tăng cường điều trị và nghiên cứu, sau khi ước tính có khoảng 1 triệu ca chẩn đoán bị bỏ sót trong đại dịch.

 

 

Châu Âu đối mặt đại dịch ung thư với khoảng 1 triệu ca bệnh bị bỏ sót - Ảnh 1.

Quang cảnh Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc gia của Tây Ban Nha – Ảnh: CNIO

Tác động của dịch COVID-19 và sự tập trung vào nó đã bộc lộ “những điểm yếu” trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu về ung thư trên khắp châu Âu.

Nếu không được xử lý khẩn cấp, các kết quả điều trị ung thư sẽ bị đẩy lùi gần một thập kỷ, theo báo Guardian.

Nghiên cứu được công bố trên trang The Lancet Oncology cho biết: “Có bằng chứng mới cho thấy tỉ lệ bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn sau cao hơn so với tỉ lệ trước đại dịch do sự chậm trễ đáng kể trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Tình hình này sẽ tiếp tục gây áp lực lên các hệ thống điều trị ung thư châu Âu trong nhiều năm tới”.

Sau khi phân tích các dữ liệu, các nhà nghiên cứu phát hiện trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, các bác sĩ thấy số bệnh nhân ung thư ít hơn 1,5 triệu ca. Và có một nửa số bệnh nhân không được phẫu thuật hoặc hóa trị kịp thời.

Khoảng 100 triệu cuộc kiểm tra sức khỏe đã bị bỏ lỡ. Ước tính có tới 1 triệu công dân châu Âu có thể mắc bệnh ung thư không được chẩn đoán kịp thời.

Giáo sư Mark Lawler tại Đại học Queen’s Belfast (Bắc Ireland), chủ tịch hội đồng và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi ước tính gần 1 triệu người đã mắc bệnh ung thư trên khắp châu Âu trong đại dịch COVID-19 mà không kịp chẩn đoán và điều trị. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để tìm những bệnh nhân còn tiềm ẩn”.

Ngoài ra, điều đáng sợ nhất đã xảy ra đối với nghiên cứu ung thư là các phòng thí nghiệm đóng cửa và các thử nghiệm lâm sàng bị hoãn hoặc hủy bỏ trong đợt đại dịch đầu tiên.

Giáo sư Lawler nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại châu Âu đang hướng tới đại dịch ung thư trong thập kỷ tới, nếu các hệ thống y tế và nghiên cứu ung thư không được ưu tiên khẩn cấp”.

Nghiên cứu cũng cho biết cuộc chiến tại Ukraine đặt ra một thách thức lớn khác đối với nghiên cứu ung thư ở châu Âu. Vì Nga và Ukraine là một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho nghiên cứu lâm sàng ung thư trên thế giới.

GIA MINH
TTO