BIS: USD mạnh lên có hại cho kinh tế thế giới

BIS: USD mạnh lên có hại cho kinh tế thế giới

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ tư liên tiếp trong năm 2022, đồng USD mạnh lên, thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu rung chuyển theo hướng: bong bóng tài sản lớn hơn và kinh tế tăng trưởng chậm lại.

 

 

 

BIS: USD mạnh lên có hại cho kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở thủ đô Tokyo – Ảnh: AFP

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) gần đây đã công bố một nghiên cứu các tác động chính sách của sự thay đổi tỉ giá hối đoái, theo báo South China Morning Post.

Đô la Mỹ (USD) nhìn chung đã tăng giá 10% so với các đồng tiền khác kể từ đầu năm 2022, 15,2% so với tháng 6-2021 và 46,8% kể từ mức thấp nhất vào tháng 8-2011.

Phân tích của BIS cho thấy, sự mạnh lên của USD nhìn chung có hại cho nền kinh tế thế giới. Vì lãi suất cao hơn của Mỹ thắt chặt thanh khoản tài trợ thương mại và đè nặng lên sự ổn định tài chính đối với những doanh nghiệp vay bằng USD.

Tuy nhiên, tầng lớp giàu có trên toàn cầu yêu thích đồng USD mạnh vì nó bảo vệ lợi ích của họ, nhưng họ lo lắng việc thắt chặt thanh khoản toàn cầu sẽ dẫn đến giảm phát.

BIS cho rằng 3 yếu tố dẫn đến sự tăng giá của USD: sự cải thiện về thương mại của Mỹ với giá dầu cao đã ảnh hưởng đến châu Âu và Nhật (các nhà nhập khẩu dầu); sự khác biệt trong lập trường chính sách tiền tệ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết liệt tăng lãi suất hơn so với châu Âu hoặc Nhật; và lo ngại suy thoái kinh tế. 

Đồng yen Nhật chạm mức thấp gần đây là 150 yen/USD vào ngày 20-10. Ông Eisuke Sakakibara, cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật, người được gọi là “ông Yên”, đã gợi ý rằng đồng yen có thể tăng lên 170 yen/USD. 

Với sự biến động lớn của đồng yen, GDP của Nhật tính theo đồng yen gần như không đổi. Tuy nhiên, GDP tính theo USD đã giảm từ mức cao nhất 6,27 nghìn tỉ USD năm 2012 xuống 4,9 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2021.

Song xét về giá trị ròng quốc tế ở vị trí đầu tư, Nhật đã xây dựng một kho dự trữ tiền tệ đáng gờm gồm 411,2 nghìn tỉ yen (2,8 ngàn tỉ USD) ở nước ngoài.

Nói cách khác, để chuẩn bị cho tình trạng dân số già cộng với tốc độ tăng trưởng trong nước chậm lại, Nhật đã chuyển tài sản tài chính ra nước ngoài trên quy mô lớn. Điều này có nghĩa khi đồng yen giảm giá, thu nhập từ nước ngoài là một trong những yếu tố tác động đến sự giàu có của Nhật. 

Kiến trúc sư của sự chuyển đổi này là Thống đốc Haruhiko Kuroda của BOJ (The Bank of Japan). BOJ nắm giữ trái phiếu Chính phủ Nhật là 3,6 ngàn tỉ USD, gần như tương đương với thặng dư ròng tài sản nước ngoài của Nhật Bản.

Sức mạnh của đồng USD đóng vai trò quan trọng trong trò chơi quyền lực địa chính trị. Tờ South China Morning Post đưa ra nhận định sức mạnh của đồng USD sẽ củng cố quan điểm Mỹ đang quay trở lại lãnh đạo thế giới.

Nếu các thị trường cho rằng việc quản lý kinh tế vĩ mô của Mỹ còn thiếu sót – giống như những gì đã xảy ra với đồng bảng Anh vào tháng 9 – thị trường có thể “trừng phạt” những sai lầm như vậy một cách tàn bạo.

Cũng theo South China Morning Post, khi nào chính sách tiền tệ của BOJ đảo ngược hướng đi – đó là lúc những con sóng nhỏ báo hiệu sắp có sóng thần.

GIA MINH
TTO