Căng thẳng Trung – Ấn ở Ấn Độ Dương

Căng thẳng Trung – Ấn ở Ấn Độ Dương

Các thỏa thuận tàu ngầm cũng như việc triển khai lực lượng ở Ấn Độ Dương là chỉ dấu cho thấy tham vọng và khả năng của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Ấn Độ.

 

 

 

Chỉ có một đại dương trên thế giới được đặt theo tên một quốc gia, đô đốc R. Hari Kumar, tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, cho biết trong một bài phát biểu tuần trước. “Với biển ở ba mặt và dãy Himalaya ở phía bắc, Ấn Độ nằm ngay trong lòng Ấn Độ Dương”.

Vì các lối vào và lối ra nằm ở các cửa ngõ “yết hầu” ở cả phía đông và phía tây đất nước, ông nói rằng “tính chất độc đáo của khu vực Ấn Độ Dương mang lại cho Ấn Độ một lợi thế địa lý”. Song ông cũng cảnh báo điều này dẫn đến một nhiệm vụ khó khăn là quản lý nhiều thách thức và mối đe dọa an ninh khác nhau.

Ngày càng nhiều những thách thức như vậy đến từ một đối thủ: Trung Quốc.

Bắc Kinh đã bán, tặng hoặc đang đàm phán để giao tàu ngầm cho Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Thái Lan – những quốc gia bao quanh Ấn Độ. Danh sách khách hàng đã khiến các nhà phân tích phải suy đoán ý nghĩa chiến lược đằng sau, theo Nikkei Asia.

Trong khi đó, tại bất kỳ thời điểm nào, có “từ 5 đến 8 đơn vị hải quân Trung Quốc” ở Ấn Độ Dương, ông Kumar nói tại đại hội hàng năm của Hiệp hội Quản lý Toàn Ấn Độ.

 

Cạnh tranh giữa hai láng giềng

Darshana Baruah, người đứng đầu Sáng kiến Ấn Độ Dương tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, bình luận: “Trong khi các lợi ích chính của Trung Quốc nằm ở Tây Thái Bình Dương, thì Ấn Độ Dương là nơi phơi bày những điểm yếu của nước này”.

“Trong số 10 quốc gia cung cấp 3/4 lượng dầu thô cho Trung Quốc, 9 nước dựa vào một Ấn Độ Dương an toàn, bảo đảm và ổn định để vận chuyển hàng hóa của họ. Khi Trung Quốc tiếp tục tiến lên trong các tham vọng hàng hải và toàn cầu, việc kiểm soát Ấn Độ Dương sẽ trở thành một ưu tiên”.

Điều này có thể lý giải vì sao Bắc Kinh tăng cường can dự tại khu vực.

Về phần mình, New Delhi không giấu giếm việc họ không hài lòng về hành tung trên biển của đối thủ. Khi tàu khảo sát Viễn Vọng 5 của Trung Quốc cập cảng Hambantota tại Sri Lanka từ ngày 16 đến ngày 22.8, phái bộ của Trung Quốc và Ấn Độ tại Colombo đã khẩu chiến.

Căng thẳng Trung - Ấn ở Ấn Độ Dương - ảnh 1
Tàu Viễn Vọng 5 của Trung Quốc cập cảng Colombo ngày 16.8  CHỤP MÀN HÌNH GLOBAL TIMES

Ấn Độ trước đó phản đối chuyến thăm, khiến Sri Lanka yêu cầu Trung Quốc lùi lại kế hoạch, nhưng cuối cùng không chịu được áp lực từ Bắc Kinh .

Sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại Colombo, Thích Chấn Hoành, viết trên một tờ báo địa phương vào ngày 26.8 rằng việc chấp thuận cho tàu nước ngoài ghé cảng “là quyết định hoàn toàn nằm trong chủ quyền của chính phủ Sri Lanka”.

Trong bài báo không ngần ngại ám chỉ Ấn Độ, ông Thích viết: “Sự cản trở dựa trên cái gọi là lo ngại về an ninh nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào của thế lực nào đó bên ngoài thực tế là hành động can thiệp triệt để vào chủ quyền và độc lập của Sri Lanka”.

Đáp trả vào ngày hôm sau, Đại sứ Ấn Độ tại Colombo cho biết trong một loạt tweet rằng việc người đồng cấp Trung Quốc “vi phạm các quy tắc ngoại giao cơ bản” có thể là phản ánh tính cách cá nhân của ông ấy hoặc “lớn hơn là thái độ của quốc gia”.

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển cảng biển ở các nước xung quanh Ấn Độ – bao gồm cả Hambantota, nơi Trung Quốc xây dựng và hiện đang kiểm soát theo hợp đồng thuê 99 năm – đã thu hút sự chú ý trong nhiều năm qua. Được gọi là “chuỗi ngọc trai”, các cảng này bị nghi ngờ là có tính chất lưỡng dụng, tức một ngày nào đó hải quân Trung Quốc có thể sử dụng chúng như các tiền đồn.

Việc chào bán tàu ngầm càng làm dấy lên nghi ngờ. Liệu Trung Quốc có thể tăng cường sự hiện diện của mình ở các nước này với danh nghĩa cung cấp dịch vụ bảo dưỡng tàu ngầm, tạo ra “chuỗi ngọc trai dưới biển” có thể phục vụ nhu cầu của hải quân nước này trong tương lai?

 

“Chuỗi ngọc trai dưới biển”

Pankaj Jha, giáo sư tại Đại học Toàn cầu OP Jindal, cho biết Trung Quốc đã lập bản đồ đáy Ấn Độ Dương trong hai hoặc ba năm qua vì họ đang tìm cách tạo ra một hệ sinh thái quân sự trên biển, nơi họ có thể cung cấp tàu và bố trí người của mình để bảo trì và sửa chữa. “Họ muốn xem xét những gì đang xảy ra tại các cảng khác nhau trên khắp khu vực Nam Á”, ông nói.

Tom Shugart, trợ lý cấp cao tại Trung tâm Tân An ninh Mỹ (CNAS), nói: “Mặc dù chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu trực tiếp nào cho thấy ý định thiết lập riêng các căn cứ tàu ngầm ở Ấn Độ Dương, nhưng có vẻ như rõ ràng là Trung Quốc có chiến lược xây dựng một tổ hợp các căn cứ hải quân đa năng, như Djibouti, cùng với các cơ sở bề ngoài là thương mại – nhưng rất có thể là lưỡng dụng – ở những nơi như Gwadar (Pakistan), Hambantota (Sri Lanka) và Tanzania”.

Căng thẳng Trung - Ấn ở Ấn Độ Dương - ảnh 2
Các cảng có thể tiếp nhận tàu ngầm Trung Quốc  CHỤP MÀN HÌNH NIKKEI ASIA

Đương nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều diễn ra như các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh hình dung. Chẳng hạn, thỏa thuận cung cấp tàu ngầm diesel lớp Nguyên cho Thái Lan đã bị đình trệ do Đức từ chối bán động cơ MTU396 mà Trung Quốc đã hứa lắp trên tàu do lệnh cấm vận vũ khí. Phía Trung Quốc đã đề nghị thay thế chúng bằng động cơ “cây nhà lá vườn”, nhưng phía Thái Lan vẫn chưa đưa ra quyết định.

Trung Quốc cũng đã bán tàu ngầm cho Pakistan và Bangladesh, nhưng điều kiện kinh tế của các nước này có cho phép họ duy trì một hạm đội tàu ngầm đắt tiền – và hợp tác với Trung Quốc – hay không thì vẫn chưa rõ ràng.

Về lý thuyết, ít nhất, hàm ý quan trọng nhất của các thỏa thuận tàu ngầm là chúng “sẽ cung cấp cho Trung Quốc những hiểu biết quan trọng về việc huấn luyện và vận hành các tàu ngầm này của các lực lượng hải quân liên quan, cũng có thể được tận dụng như một lợi thế trong quan hệ và ảnh hưởng với các lực lượng hải quân đó”, theo David Brewster, nghiên cứu viên cấp cao của Học viện An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Úc.

Tuy nhiên, ông Brewster không nghĩ rằng Thái Lan, Bangladesh hay Myanmar sẽ cho phép tàu ngầm Trung Quốc tiếp cận cảng ngay cả trong thời bình vì sợ làm xáo trộn mối quan hệ với Mỹ, Ấn Độ và những nước khác.

Theo vị chuyên gia, Pakistan thuộc một nhóm rất khác. “Nước này thường xuyên cho phép tàu ngầm Trung Quốc đến thăm, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân, và đang phát triển các cơ sở bảo dưỡng tàu ngầm ở Karachi. Pakistan là nơi (Trung Quốc) có thể dựa khi muốn tàu ngầm tiếp cận cảng trong thời bình”.

VK Chaturvedi, trung tướng về hưu tại Ấn Độ, nói rằng Trung Quốc đã cố gắng “bao vây Ấn Độ trong một thời gian dài” và rằng mọi động thái cung cấp tàu ngầm hoặc thiết lập chỗ dựa thông qua các vụ mua bán đó “chắc chắn là vấn đề đáng quan ngại”.

 

Ấn Độ có thể đánh mất lọi thế

Harsh V. Pant, giáo sư tại King’s College London, đồng ý với nhận xét trên, chỉ ra căng thẳng giữa hai cường quốc láng giềng.

Trung Quốc và Ấn Độ đối đầu không chỉ ở trên biển mà còn ở trên núi. Họ đang mắc kẹt trong cuộc tranh chấp biên giới ở Himalaya, vốn đã biến thành các vụ đụng độ chết người chỉ hai năm trước.

Bất chấp việc rút quân khỏi khu vực biên giới gần đây, quan hệ căng thẳng giữa hai nước và nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa mình vào bức tranh chiến lược tại Ấn Độ Dương “sẽ gây áp lực khiến Ấn Độ sau đó tăng cường quân sự hóa khu vực”, ông Pant nói. “Nếu khí tài quân sự của Trung Quốc sắp hiện diện ở Ấn Độ Dương, thì Ấn Độ sẽ phải phản ứng kịp thời”.

Ông Pant lưu ý rằng Trung Quốc không có những lợi thế địa lý như Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nếu xu hướng hiện đại hóa và mở rộng sức mạnh hải quân của Trung Quốc tiếp tục, sẽ có nguy cơ Ấn Độ mất lợi thế đó.

“Hiện tại, Ấn Độ đang có vị thế tốt, nhưng 10 năm sau liệu Ấn Độ có còn giữ được ưu thế đó không? Đó là câu hỏi thực sự”, ông nói.

Căng thẳng Trung - Ấn ở Ấn Độ Dương - ảnh 3
Trên tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ

Một yếu tố có thể giúp Trung Quốc thay đổi cuộc chơi là hạm đội tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân ngày càng lớn mạnh của nước này. Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc gửi quốc hội Mỹ, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hiện đang vận hành 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 46 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel.

Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ năm 2020 từng dự báo rằng số lượng SSBN sẽ tăng lên 8 chiếc vào năm 2030, còn SSN dự kiến tăng lên 13 chiếc.

Các nhà phân tích nói tàu ngầm diesel là phù hợp nhất cho chiến lược của Trung Quốc nhằm ngăn chặn Mỹ và đồng minh tiếp cận “Chuỗi đảo thứ nhất” – một nhóm các quần đảo bao gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines, mà Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Tương tự đối với “Chuỗi đảo thứ hai”, kéo dài từ quần đảo Nhật Bản đến Guam và các đảo thuộc nhóm Micronesia.

Việc gia tăng số lượng SSN có thể báo hiệu rằng Bắc Kinh có ý định hoạt động bên ngoài “Chuỗi đảo thứ hai”, ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hơn nữa, báo cáo của Lầu Năm Góc cũng lưu ý rằng đến giữa thập niên 2020, Trung Quốc có khả năng sẽ chế tạo tàu ngầm tấn công hạt nhân mang tên lửa dẫn đường Type 093B. Báo cáo cho biết phiên bản mới thuộc lớp Thương này có thể có khả năng tấn công bí mật nếu được trang bị tên lửa hành trình tấn công đất liền.

Vào tháng 5, hình ảnh vệ tinh cho thấy một lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mới hoặc được nâng cấp tại một ụ tàu ở cảng Hồ Lô Đảo thuộc tỉnh Liêu Ninh. Các chuyên gia nói những tấm phủ được đặt trên các bộ phận của con tàu có thể chứa các ống phóng tên lửa.

“Việc điều những tàu ngầm này hoạt động ở Ấn Độ Dương có thể mang đến (cho Trung Quốc) khả năng nhắm mục tiêu vào các cơ sở có giá trị cao trong đất liền tại khu vực”, chuyên gia Shugart của CNAS nói.

LAM VŨ

TNO