Chúa Nhật XXV TN C – 2022: Người quản lý trung thành

Một đức tính khác mà người môn đệ Chúa Giêsu cần phải tập luyện, đó là trung thành, trung tín, trung thực.

Chúa Nhật XXV TN C – 2022

Người quản lý trung thành

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Một đức tính khác mà người môn đệ Chúa Giêsu cần phải tập luyện, đó là trung thành, trung tín, trung thực. Trong bài Tin Mừng (x. Lc 16,10-13), Chúa Giêsu nhắc lại rất nhiều lần từ “trung tín”: “trung tín trong việc rất nhỏ”, “trung tín trong việc sử dụng của cải bất chính”, “trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác”. Lý do Người đưa ra rất đơn giản: “vì anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.

Cửa sổ hoặc tấm gương - Chúa nhật XXV thường niên C | Tổng Giáo Phận Hà Nội

1. Trung tín là gì?

Theo Từ điển Việt Nam, trung tín là trung thành với lời hứa, là đáng tin cậy. Trung là hết lòng, tín là tin cậy, đây là một từ cũ. Xét theo bối cảnh của bản văn, “trung tín” ở đây phải dịch là “trung thực” với ý nghĩa là “ngay thẳng, thật thà” trong việc sử dụng tiền bạc, của cải của người khác. Còn nếu hiểu trung tín với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu như một người con hiếu thảo, một môn đệ chân chính thì phải dùng từ “trung thành”. Trung là hết lòng, thành là cho tới khi hoàn thành, cho tới khi kết thúc; trung thành là trước sau một lòng một dạ, giữ trọn nềm tin, giữ trọn những tình cảm gắn bó, giữ trọn những điều cam kết với ai hay với cái gì. Ví dụ: trung thành với bạn bè, trung thành với tổ quốc, trung thành với những cam kết trong hợp đồng.

“Thiên Chúa là Đấng trung thành”, vì Ngài luôn luôn giữ các lời hứa và “lòng trung thành của Ngài trải qua muôn thế hệ” (Tv 119,90). Thiên Chúa là nguồn gốc của lòng trung thành, là mẫu gương, là sức mạnh để con người có thể tin cậy vào Ngài và tin tưởng lẫn nhau. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải trung thực trong việc sử dụng của cải, tiền bạc, thời giờ, sức lực và tất cả những ân huệ Chúa ban để tạo nên của cải riêng tư cho mình và phần thưởng lớn lao ở trên trời.

2. Trung thực trong một thế giới đang tôn thờ tiền bạc

Tiên tri Amos diễn tả thế giới tôn thờ tiền bạc trong Bài đọc I (x. Am 8,4-7): “những người giàu sang đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn”. Họ buôn gian bán dối, không màng đến Thiên Chúa, họ nói với nhau: “khi nào mới hết ngày Sabat để ta bày thóc ra bán”. Họ bán lúa nát gạo mục. Trong thế giới chối bỏ Thiên Chúa đó người ta buôn bán cả con người và giá trị người nghèo chỉ bằng một đôi dép, bằng vài chục ngàn đồng bạc mà thôi.

Thế giới ấy đang thể hiện trong xã hội chúng ta hôm nay: người ta công khai bán hàng giả, hàng độc hại trong các chợ, cửa hàng. Người ta đâm chém, giết hại nhau chỉ vì một món lợi nhỏ bé. Người ta bán cả thể xác và linh hồn con người trong những hang ổ mãi dâm, quán bar, tiệm hát kaeaokê trá hình với những viên thuốc lắc, ma tuý, cần sa, bong bóng cười…

Nhưng tại sao người ta tôn thờ tiền của thay vì Thiên Chúa? Bởi vì người ta nghĩ rằng tiền của ban cho mình quyền lực: có tiền thì có thể mua được tất cả, “có tiền mua tiên cũng được”! Tiền của có thể giải quyết được mọi vấn đề. Do đó, nước nào cũng cho rằng nền kinh tế là căn bản và tập trung vào việc xây dựng hạ tầng cơ sở: đường sá, cầu cống… còn những lĩnh vực khác như giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo… lại ít quan tâm. Dân gian cũng kết luận về giá trị của tiền bạc như nén bạc đâm toạc tờ giấy nên mới khuyên rằng: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Thậm chí hội chứng yêu tiền thời kinh tế thị trường còn tâng bốc: Tiền là tiên là phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khoẻ tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, là hết ý cuộc đời! Chính vì thế mà tiền của, kinh tế làm người ta điên đảo, bất trung với Thiên Chúa và bất nhân với con người.

Trong thế giới chối bỏ Thiên Chúa, người ta lầm lẫn hai điều. Trước hết, họ nghĩ rằng chính khối óc và bàn tay con người làm nên tất cả của cải, tiền bạc, đất đai. Họ không nhớ rằng mình được Thiên Chúa dựng nên từ hư không và sau cái chết, họ phải bỏ lại tất cả để trở về với Thiên Chúa. Chúa ban cả trái đất này chung cho loài người, nên không một nước nào, dân tộc nào được quyền nghĩ rằng mình là ông chủ của những của cải, tài nguyên thiên nhiên ấy (x. Tóm lược Học Thuyết Xã hội Công giáo, số 171-173; Docat, số 89,).

Điều sai lầm thứ hai là vì người ta nghĩ rằng tiền của mình kiếm được sẽ tồn tại mãi mãi: mình không ăn xài cho riêng mình thì để lại cho con cháu, nên họ dùng đủ mọi thủ đoạn bất công, tham nhũng. Tuy nhiên Thiên Chúa nhìn thấy mọi hành động của con người, nên tiên tri Amos nhắc ta hôm nay: “Chúa chẳng bao giờ quên một hành vi nào của họ” và con người phải trả lời cho Thiên Chúa về từng hành động nhỏ bé của mình.

3. Người quản lý trung thành

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta điều đó, vì con người tưởng rằng tiền của là người chủ ban cho họ quyền lực. Nhưng nó chỉ là một ông chủ giả hiệu, và quyền lực đó cũng là giả dối. Chỉ có Thiên Chúa mới thật sự là Đấng hiện hữu, mới có thể ban cho ta những tài năng tinh thần và của cải vật chất để ta quản lý chúng, làm sáng danh Thiên Chúa và mưu ích cho con người. Vì Ngài là “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (x. Tm 2,4-5). Chúng ta phải là những quản lý trung thành của Chúa.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy trung thành với Thiên Chúa vì Chúa luôn trung thành trong tình yêu cứu độ đối với con người, khi ban cho con người tất cả vũ trụ trần gian, trái đất, vạn vật để ta sử dụng. Ngài còn ban cho ta thời giờ, tài năng tinh thần, của cải vật chất để khai thác, làm chủ muôn loài như một người quản lý trung thành.

Hơn nữa, Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người để đưa thiên tính cao cả, hằng hữu vào trong nhân tính tầm thường, yếu đuối của con người. Người đã nâng tất cả chúng ta – những kẻ tin vào Người – trở thành con Thiên Chúa giống như Người để ta có thể trung thành trong mọi hành động giống như Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Anh em hãy trung tín trong việc rất nhỏ”.

Người nhắc nhở chúng ta điểm thứ ba: “Anh em hãy trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính và của cải của người khác”. Tiền của là tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu khi chúng ta làm nô lệ cho nó vì chúng ta mất đi tự do của con cái Thiên Chúa. Để đạt được thứ tự do này, chúng ta hãy sống theo tinh thần nghèo khó của Chúa Giêsu. Người giàu sang vô cùng nhưng đã tự nguyện sống nghèo khó để nâng chúng ta trở thành giàu sang như Người (x 2 Gr 8,9). Mỗi khi nhìn lên Người trần trụi trên thánh giá, chúng ta hãy nhớ đến mình cần phải được bao phủ bằng ánh sáng của Thiên Chúa như ông bà nguyên tổ trong vườn địa đàng, chứ không phải bằng những lớp áo hoá trang trên sân khấu cuộc đời. Khi đó ta sẽ thấy của cải chỉ là những phương tiện giúp ta làm đẹp cho mình, cho người như Chúa Giêsu.

Lời kết

Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa cho mình được trung thành với Chúa và trung thực với nhau để sử dụng của cải một cách khôn ngoan, quảng đại, trong sáng, từ đó tạo nên cho mình một kho tàng lớn lao ở trên trời cho đời sống vĩnh hằng. Amen.

HKK