Cách dạy con: Đừng ‘dán nhãn’ cho con!

Cách dạy con: Đừng ‘dán nhãn’ cho con!

Quá trình nuôi và dạy con, bạn có “dán nhãn” cho những đứa trẻ quanh mình? Mấy cái “nhãn” gắn chặt vào tuổi thơ và đóng đinh vào cuộc đời, số phận của trẻ…

 

 

 

Bạn tôi có cô con gái khá cá tính. Con chẳng dịu dàng, thùy mị, “mít ướt” như các bạn đồng trang lứa mà lại chạy nhảy, leo trèo và nghịch y hệt mấy cậu con trai nhà người ta. Bố con mắng suốt “Đồ lạc giống!”.

Cách dạy con: Đừng 'dán nhãn' cho con! - ảnh 1

Cháu tôi, một bé trai 5 tuổi được cả nhà nuông chiều nên thường nhõng nhẽo mỗi lúc ăn uống, hay mè nheo đòi đồ chơi và càng lớn càng tỏ ra ương bướng. Hôm qua, con giành chiếc xe ô tô yêu thích với mấy em họ, dù người lớn khuyên răn thế nào vẫn quyết không cho em mượn, thế là con ăn roi và bị mắng “Đồ ích kỷ”.

Học trò của tôi lại ấm ức tâm sự trong một bài văn về cách dạy con khắt khe của bố mẹ khi khăng khăng buộc con phải theo lớp bồi dưỡng môn toán thay vì môn văn như niềm đam mê và sở trường của con. Con len lén xin vào đội tuyển văn sau nhiều lần thuyết phục bố mẹ không được, thế là con suốt ngày bị phụ huynh mắng mỏ “Đồ mất nết” vì dám cãi cha dối mẹ.

Con trẻ còn quá bé để thanh minh với phụ huynh rằng giữa vô số món đồ chơi giữa nền nhà, con muốn giữ riêng chiếc ô tô là quà tặng của ông bà bởi sợ mấy em quăng lung tung sẽ hỏng. Con còn quá khờ dại để lập luận và thuyết phục bố mẹ về đam mê và ước mơ của một cô bé luôn mơ mộng sẽ khó theo kịp đội tuyển toán luôn đòi hỏi tư duy logic và sự hứng thú cao độ với những con số, phép tính. Con còn non dại lắm, chẳng thể lý giải về tính hiếu động từ trong bản năng lẫn cảm xúc…

Tuổi ấu thơ bị gắn nhãn – những cái nhãn xấu xí và kém duyên cứ kè kè theo sát con trên từng nẻo đường trưởng thành. Con chưa biết cách phản biện, không có cơ hội trải lòng, chẳng được người lớn lắng nghe và thấu hiểu. Rồi khi con lớn khôn hơn tí xíu, phải chăng con càng khó mở lòng để tâm sự, tỉ tê, chuyện trò? Còn bố mẹ đã quen với “nhãn dán” cứ thế mà phủ nhận tiếng lòng con trẻ, gạt phăng ý kiến của con.

Chính nó đang khiến khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng sâu hoắm khó san lấp. Trong khi cuộc sống hiện đại với vô số áp lực bủa vây cùng sự giăng mắc của nhiều cạm bẫy ở không gian ảo cần lắm sự đồng hành từ phụ huynh định hướng, uốn nắn và dìu dắt con bước qua chặng đường chông chênh của những đổi thay tâm sinh lý lứa tuổi.

Muốn thế, phụ huynh đừng “dán nhãn” một cách vô tư lẫn cố ý lên những đứa trẻ quanh mình.

TRANG HIẾU

TNO