Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bàn cách giải phóng ngũ cốc của Ukraine

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bàn cách giải phóng ngũ cốc của Ukraine

Một Biển Đen với nhiều thuỷ lôi và hải cảng quan trọng bị phong tỏa đang chờ ngày trở lại trạng thái bình thường để giải phóng hàng chục triệu tấn lương thực Ukraine, giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực thế giới.

 

 

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bàn cách giải phóng ngũ cốc của Ukraine - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bắt tay tại cuộc họp báo chung ở Ankara vào ngày 8-6 – Ảnh: Reuters

Ngày 8-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán về kế hoạch có thể cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thông qua Biển Đen tới các thị trường toàn cầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng lương thực leo thang. Đây là chuyến đi thứ hai của Ngoại trưởng Lavrov tới Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 3 tháng qua.

 

Giải quyết lo ngại an ninh

Phát biểu cùng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara, Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông hy vọng các vấn đề liên quan đến vận chuyển ngũ cốc từ các cảng ở Ukraine có thể được giải quyết với điều kiện Kiev phải gỡ bỏ bom mìn khỏi vùng nước quanh các cảng này.

Ông Lavrov nói: “Để giải quyết vấn đề, điều cần thiết duy nhất là Ukraine cho phép tàu thuyền rời cảng của họ bằng cách rà phá bom mìn hoặc chỉ định các hành lang an toàn. Không cần thêm gì nữa!”.

Hiện nay các nước đang nỗ lực tìm ra các phương án giúp giải phóng nguồn cung nông sản khổng lồ của Ukraine, đặc biệt là lúa mì. Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt bên trong nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp với Nga và Ukraine để thống nhất một kế hoạch tái khởi động hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine. Kế hoạch này do Liên Hiệp Quốc thúc đẩy, giúp mở ra một hành lang vận chuyển an toàn để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết kế hoạch này là “hợp lý” và yêu cầu có thêm các cuộc đàm phán với Nga và Ukraine để đảm bảo an toàn cho các tàu.

Hiện nay để ngũ cốc Ukraine đi từ Biển Đen đến tay người dùng quốc tế không phải là chuyện dễ. Thứ nhất, việc đi lại trên Biển Đen bị cản trở bởi thủy lôi được đặt bởi lực lượng Nga và Ukraine. Thứ hai, phía Nga không dễ dàng cho dỡ phong tỏa Biển Đen vì lo ngại thương thuyền ra vào các cảng Ukraine sẽ lén lút chở thêm vũ khí cho Kiev.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh quân đội Nga sẽ cần kiểm tra các tàu thương mại vận chuyển ngũ cốc nhằm đảm bảo các tàu này không chở vũ khí – một điều kiện bị Ukraine phản đối.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị sử dụng quân đội giúp rà phá bom mìn ngoài khơi bờ biển Odessa và hộ tống các tàu chở ngũ cốc nhưng Kiev vẫn chưa tán thành kế hoạch này. Bởi vì Ukraine lo ngại việc dỡ bỏ hệ thống phòng thủ có thể khiến cảng thiết yếu này dễ trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Do đó, để Biển Đen có thể trở lại trạng thái bình thường và phục vụ việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine ra thế giới thuận lợi, thỏa thuận giữa các bên cần đảm bảo giải quyết được các lo ngại an ninh của cả Nga và Ukraine.

 

Thách thức hậu cần

Cuộc xung đột Nga – Ukraine khoảng 3 tháng rưỡi qua đã có những ảnh hưởng đáng kể đến toàn thế giới. Tác động của các cuộc giao tranh và việc phong tỏa các cảng ở Biển Đen, cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với hàng xuất khẩu của Nga, đã khiến giá cả hàng hóa ở những nơi xa khu vực xung đột tăng vọt.

Ở các nước nghèo tại châu Á và châu Phi, giá các mặt hàng thiết yếu như lúa mì và dầu ăn đã tăng vọt, gây thêm áp lực cho những người vốn đã có cuộc sống khó khăn. Theo báo Washington Post, chỉ riêng ở vùng Sừng châu Phi có tới 20 triệu người có thể bị đói trong năm nay trong bối cảnh thiếu lương thực và hạn hán kéo dài.

Giờ đây, không chỉ bằng đường biển, những phương án khác cũng được cân nhắc. Tiêu biểu, thông qua các kênh ngoại giao khác nhau, các quan chức Ukraine đang thăm dò khả năng vận chuyển các lô hàng ngũ cốc bằng tàu hỏa đến các cảng xa xôi trên Biển Baltic cũng như nước láng giềng Romania.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề hậu cần vẫn còn tồn tại, chẳng hạn liệu các cảng này có đủ khả năng xử lý hiệu quả khi áp lực về lượng hàng tăng lên hay không.  Các cơ sở hạ tầng lâu đời từ thời Chiến tranh lạnh cũng có thể là trở ngại.

Báo Wall Street Journal giải thích: “Ukraine, Nga, Lithuania và các nước từng thuộc Liên Xô sử dụng tiêu chuẩn khổ đường sắt của Matxcơva. Trong khi đó, Ba Lan, Romania và hầu hết phần còn lại của châu Âu sử dụng khổ đường sắt hẹp hơn. Để vận chuyển ngũ cốc qua biên giới các nước đó thì hoặc phải thay đổi các toa tàu hoặc chuyển hàng hóa sang các đoàn tàu mới”.

Ngoài ra, theo trang Politico, kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraine bằng đường bộ và đường sắt sẽ chỉ giúp vận chuyển 1/5 nguồn cung lương thực. “Chỉ những con tàu ở Biển Đen mới sẽ cho phép Ukraine cung cấp lương thực cho thế giới trở lại” – Politico chạy dòng tít.

 

Giải pháp đối phó “bão giá” của IMF

Thời gian qua, các nước đã đưa ra một loạt biện pháp để hạn chế sự tăng giá thực phẩm và năng lượng trong nước bằng cách cắt giảm thuế hoặc trợ giá trực tiếp. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các biện pháp hỗ trợ này sẽ tạo thêm áp lực đối với ngân sách vốn đã căng thẳng do đại dịch COVID-19.

Ngày 7-6, IMF đề xuất các nhà hoạch định chính sách ở các nước nên cho phép giá hàng hóa cao của toàn cầu “đi vào” nền kinh tế nội địa, đồng thời bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương do sự tăng giá.

“Điều đó cuối cùng sẽ ít tốn kém hơn so với việc giữ thấp giá cả một cách giả tạo cho tất cả mọi người bất kể khả năng chi trả của họ” – IMF cho biết.

BẢO ANH
TTO