Quân bình Đời sống – Bài 1: Tìm lại đời sống quân bình

Do thiếu hiểu biết về con người mình hoặc do để các xu hướng tự do phát triển theo những tham vọng và dục vọng, nên rất nhiều người đã đánh mất sự quân bình cần thiết trong đời sống, dẫn đến những hậu quả tai hại cho mình và cho người. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về một số điểm sau đây.

Quân bình Đời sống – Bài 1

Tìm lại đời sống quân bình

Lời mở

Quân bình đời sống là một ý niệm mới mẻ, chỉ mới xuất hiện gần đây do những áp lực từ cuộc sống càng ngày càng tăng, nhất là đối với người dân thành thị, từ những em học sinh lớp tiểu học cho đến những người cao tuổi.

Quân bình diễn tả một tình trạng trong đó các sức lực, xu hướng và giá trị trong con người hoàn toàn ngang bằng với nhau, hoặc kết hợp hài hoà với nhau hay hoàn toàn loại trừ nhau để tạo nên một thế cân bằng hoàn hảo.

http://megsalter.com/wp-content/uploads/2014/09/meditation-balance.jpg

Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về con người mình hoặc do để các xu hướng tự do phát triển theo những tham vọng và dục vọng, nên rất nhiều người đã đánh mất sự quân bình cần thiết trong đời sống, dẫn đến những hậu quả tai hại cho mình và cho người. Vì thế, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về một số điểm sau đây.

1. Các thế lực, yếu tố và xu hướng trong con người

Con người chúng ta có một cấu trúc kỳ diệu, bao gồm các sức lực, yếu tố và xu hướng khác nhau tuỳ theo tình trạng sống và thiên chức của từng người. Do đó, chúng ta tạm chia thành con người bình thường, người tín hữu Kitô và người theo sát Đức Giêsu Kitô trong một ơn gọi hay thiên chức nào đó.

1.1. Quân bình trong con người bình thường

Vì là một con người, nên mỗi người đều có nhân phẩm cao quý, dù khác biệt nhau về màu da, dân tộc, văn hoá, chính trị, giai cấp xã hội. Chúng ta đều có những yếu tố căn bản và nghĩa vụ phải làm như bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 xác định về quyền con người và các quyền khác sau này. Nhưng rất nhiều người cho đến ngày nay vẫn chưa hiểu biết mình là ai, với cấu trúc kỳ diệu của thể xác và tinh thần như thế nào.

Chúng ta là thụ tạo được Thiên Chúa Tạo Hoá dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài vì những giá trị tinh thần như sự sống, tình yêu, tự do, hạnh phúc, chân-thiện-mỹ mà ta đang có xác định cho chúng ta điều đó. Cho đến nay, dù với những máy móc hiện đại nhất, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được phần cơ thể nào trong con người chứa đựng chúng, vì chúng là những ân huệ được Tạo Hoá ban cho.

Con người cảm nhận nơi mình những giá trị tốt đẹp của thể xác và tinh thần, nhưng cũng cảm nghiệm được những xu hướng xấu, bản năng thấp hèn lôi kéo mình đến những gì là ác đức, xấu xa. Con người đã đánh mất sự quân bình hài hoà trong chính bản thân mình khi chiều theo bản năng và khuynh hướng xấu để cắt đứt với nguồn của mọi giá trị hiện hữu là chính Thiên Chúa. Đó là bi kịch của tội lỗi, gồm tội của nguyên tổ Adam-Eva và của mỗi cá nhân. Kết quả là con người đã trở thành xấu xí, mê muội, tàn ác và phải chết.

Tuy nhiên, Thiên Chúa Tạo Hoá là Người Cha vô cùng yêu thương nên đã sai Con một Ngài là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, để cứu độ tất cả, phục hồi những giá trị cao quý bị đánh mất và còn nâng những ai tin vào Đức Giêsu Kitô thành con cái yêu quý của Ngài. Vì thế, Đức Giêsu Kitô trở thành tiêu chuẩn, là gương mẫu của con người mới để quy tụ vạn vật và con người vào trong Người, trả lại cho họ sự quân bình thật sự của con cái Thiên Chúa.

Với sự phát triển của tinh thần, con người nhận ra các yếu tố có vẻ như xung khắc với nhau trong cấu trúc của mình: vật chất và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể. Những yếu tố này thật ra vẫn hài hoà trong bản chất của con người. Nhưng trong dòng lịch sử, do những động cơ khác nhau, người ta nhấn mạnh đến yếu tố này và coi nhẹ yếu tố khác, thậm chí chối bỏ, để tạo nên những hệ tư tưởng và chủ nghĩa khác nhau như khắc kỷ, tư bản, cộng sản, hiện sinh, duy lý, duy tâm, duy vật, duy thực… Do đó, những người đi theo các chủ nghĩa đó đánh mất sự quân bình trong đời sống.

Hơn nữa, con người có những mối tương quan để thể hiện sự liên đới của mình: liên đới với Đấng Tạo Hoá như là nguồn của mọi hiện hữu, liên đới với người khác để phát huy các khả năng, liên đới với vạn vật để tạo lập một môi trường sống an toàn. Tuy nhiên, khi chối bỏ một hay các mối tương quan để chỉ sống cho mình thì con người đánh mất sự quân bình trong đời sống như chúng ta gặp thấy nơi những người theo chủ nghĩa duy vật vô thần hay hiện sinh vô thần trong xã hội hiện nay.

1.2. Quân bình trong đời sống tín hữu Kitô

Khi tin tưởng và bước theo con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu Kitô để trở thành những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người, người tín hữu Kitô sẽ có thêm những yếu tố mới để giúp ta dễ dàng đạt được sự quân bình trong đời sống hơn những người ngoài Công giáo.

Đó là các bí tích, như những phương tiện chuyển thông ân sủng của Chúa. Đó là đời sống cầu nguyện để giúp ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu. Đó là ơn gọi sống theo Thần Khí với luật lệ và các nhân đức của người tín hữu để làm chứng cho Đức Giêsu Kitô (x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, phần 2-3-4). Nhờ đó chúng ta dễ dàng đón nhận những ân huệ của Chúa Thánh Thần để hoàn thành sứ mệnh riêng biệt của người tín hữu giáo dân cũng như thiên chức của mình trong những môi trường và ngành nghề khác nhau.

Tuy nhiên, nếu người tín hữu không biết phối hợp và sử dụng các yếu tố mới này trong đời sống tự nhiên của mình, họ sẽ đánh mất sự quân bình trong đời sống như ta đang thấy nơi nhiều tín hữu trong Giáo Hội hiện nay.

Khảo sát cho hay: Đa số dân chúng Mỹ tin con người có thể được chữa lành do quyền năng của Thiên Chúa. | GIESU.NET

Sau vài ba thế kỷ đầu giữ được sự quân bình ổn định, từ thế kỷ thứ IV, Giáo hội Công giáo hướng nhiều về việc tổ chức hành chính, xây dựng các thánh đường nguy nga, những giáo phận, giáo xứ đông đúc, hệ thống phụng vụ với các nghi lễ, kinh nguyện trang trọng, học hỏi Thánh Kinh, cặn kẽ giữ các luật lệ của Giáo Hội.

Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo lại dần dần ít quan tâm đến đời sống kết hợp với Chúa Giêsu, đến sự thật toàn diện về con người và vũ trụ, đến việc thở được Thần Khí và các ân sủng của Chúa Thánh Thần nên không còn phát huy được sự sống kỳ diệu của Chúa Giêsu trong đời người tín hữu. Phép lạ dần dần trở thành hoạ hiếm trong Giáo Hội và số người trở lại tin theo Chúa Giêsu càng ngày càng ít. Hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng gần 18% dân số là người Công giáo.

Khi đánh mất sự quân bình trong đời sống tín hữu thì người giáo dân thường chạy theo các phong trào như ta đang thấy xảy ra trên thế giới như phong trào Lòng Chúa thương xót, phong trào Hội thánh Mẹ ở Hàn Quốc, phong trào Hội thánh Chúa Cha ở Bảo Lộc, Việt Nam.

1.3. Quân bình trong đời sống thánh hiến

Mức độ quân bình cao nhất thuộc về đời sống của những người được thánh hiến cho Thiên Chúa để trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô và tiếp tục công trình cứu độ thế giới bằng tình yêu của Người. Đó là các giám mục, linh mục, tu sĩ, tín hữu giáo dân tự nguyện sống đời thánh hiến.

Việc thánh hiến này do Chúa Thánh Thần thực hiện như Chúa Giêsu đã công bố trong hội đường Nazareth: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Vì thế, yếu tố mới mẻ ở đây là việc kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người.

Nếu không phối hợp được hai yếu tố mới này trong đời sống tự nhiên và đời sống tín hữu, thì những người thánh hiến sẽ mất quân bình trong đời sống.

Vì không kết hợp được với Chúa Giêsu Kitô, họ không được Người chuyển thông cho tình yêu, sức mạnh, quyền năng và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, nên đời sống thánh hiến của họ rất nghèo nàn và kém hiệu quả. Họ được Chúa Giêsu nhắc nhở: đi khắp nơi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn loài thụ tạo (x. Mc 16,15-20), đặt tay chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ… nhưng họ không thể thi hành các sứ vụ ấy. Họ cảm thấy buồn nản, chán chường trong đời thánh hiến.

Vì không thở được Thần Khí của Đức Giêsu Kitô nên dòng máu đen tội lỗi của con người không được chuyển hoá thành dòng máu đỏ tinh tuyền và đầy sức sống của Chúa Giêsu. Họ không phát huy các ân sủng của Chúa Thánh Thần nên họ cảm thấy bất lực, suy nhược, không cứu nổi mình trước những tham vọng, dục vọng và không cứu được người khác.

Từ đó họ chạy theo sức hút của thời đại như dùng các phương tiện truyền thông để xem các phim ảnh đồi truỵ, chơi và nghiện các trò chơi trực tuyến khiến lời khấn khiết tịnh bị tổn thương. Họ chạy theo đời sống tiện nghi, thích dùng những hàng cao cấp, ăn ngon, mặc đẹp, xe đời mới khiến đời sống khó nghèo bị loại bỏ. Đời sống dần dần không còn điều độ: ăn uống tuỳ tiện, thức khuya, ít vận động khiến sức khoẻ giảm sút. Họ ngại làm việc, hay có làm thì làm qua loa cho xong, không thích cầu nguyện và tham dự các nghi lễ. Không thích học hành mở mang trí tuệ mà chỉ thích nghỉ ngơi, giải trí hay làm theo sở thích của mình. Đời sống thể lý, tri thức, đạo đức của họ sa sút.

Đời sống mục vụ truyền giáo của những người đánh mất sự quân bình này còn thê thảm hơn. Họ không còn thích giảng dạy, không còn hứng thú loan báo Tin Mừng nên chỉ dọn bài giảng dạy qua loa. Lời giảng dạy của họ buồn chán không thu phục được ai.

Nếu chúng ta theo dõi các số thống kê về tôn giáo của Nhà nước và của Giáo hội Công giáo Việt Nam, thì trong vòng 20 năm nay, từ 1999-2019, tỷ lệ người Công giáo so với dân số cả nước đã hạ từ 7% xuống còn 6,1%. Năm 2022 này chắc không còn được 6% dân số (x. Tổng Điều tra Dân số Việt Nam 2019). Dù rằng số linh mục hiện nay trên 5.000 người, chủng sinh trên 5.000 người, tu sĩ nam nữ trên 34.000 người và trên nửa triệu đoàn viên của các hội đoàn Công giáo tiến hành như Thiếu nhi Thánh Thể, Con Đức Mẹ, Liên minh Thánh Tâm, dòng Ba Đa Minh, Cát Minh, Phanxicô…

F:\tinh tâm- thuong huan\TINH TAM THUONG HUAN 2022\DON BAI - QUAN BINH DOI SONG\Ban nháp cần đánh\OSSROM13616_Articolo-640x330-1.jpg

Như thế, sứ mệnh Chúa Giêsu giao phó cho chúng ta không đạt được kết quả mong muốn dù chúng ta đã không ngừng làm việc. Các linh mục được đào tạo 6-7 năm trong đại chủng viện về các môn học, trong đó có cả lĩnh vực truyền giáo, rồi sau đó ra các xứ đạo hoạt động. Các tu sĩ nam nữ cũng được đào tạo 3-4 năm thần học, năm nào cũng có những khoá thường huấn, rồi cũng tích cực tổ chức các hoạt động truyền giáo hay bác ái chuyên nghiệp. Tuy nhiên, kết quả truyền giáo rất thấp.

Vì thế, việc tìm lại sự quân bình trong đời sống là một hành động rất cần thiết để giúp chúng ta vừa tìm lại được niềm vui, hạnh phúc trong đời sống vừa đem lại những hiệu quả thiết thực cho Chúa Giêsu và Giáo Hội của Người.

2. Những nguyên nhân gây mất quân bình

Chúng ta nên biết rằng việc mất quân bình này không phải xảy ra đột ngột. Nhưng nó đã bắt đầu và sẽ kéo dài trong suốt dòng lịch sử, kể từ khi con người cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu đồng thời cũng là nguyên lý quân bình. Ngài đã dựng nên tất cả và thấy mọi sự đều tốt đẹp (x. St 1,10.12-18. 21-25.31) vì các yếu tố tích cực trong mỗi loài thụ tạo đều kết hợp hài hoà với nhau.

2.1. Con người đánh mất sự quân bình do cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa

Ngay khi con người không còn nối kết với Thiên Chúa, chiều theo cơn cám dỗ của quỷ dữ để hành động theo tham vọng và dục vọng của mình, con người đã đưa yếu tố xấu xa vào những gì tốt đẹp của Thiên Chúa ban cho con người. Con người cảm thấy mình trần truồng, xấu xí vì đánh mất vùng hào quang bao phủ chở che của Thiên Chúa (x. St 3,7), đánh mất sự quân bình cơ bản của mình.

Con người không còn khôn ngoan để nhận ra chân-thiện-mỹ thật sự trước khi chọn lựa hành động. Chính sự u mê này khiến con người không tìm ra sự hài hoà của các thế lực, xu hướng và giá trị cho đời sống cá nhân cũng như cộng đồng.

Vào khoảng 5.000 năm TCN, khi tinh thần con người phát triển để bỏ đời sống lệ thuộc vào vật chất, con người bắt đầu tìm sự quân bình bằng việc khám phá ra những yếu tố cấu thành nên vũ trụ và con người. Tây Phương nói đến các nguyên tố: nước, lửa, khí, đất (theo Aristoteles) và toàn bộ vật chất trong vũ trụ được tạo thành từ 4 yếu tố cơ bản đó. Các yếu tố này được tác động bởi hai lực hút đẩy. Nước và đất có xu hướng làm chìm xuống, khí và lửa có xu hướng làm nâng lên. Các vật chất trong vũ trụ bị các yếu tố và lực tương tác này chi phối.

Đông Phương, qua triết lý cấu trúc vũ trụ của Raja Yoga và nhất là Kinh Dịch, lại giới thiệu thuyết Âm Dương với 5 yếu tố cơ bản: Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ, gọi là ngũ hành, tạo nên vũ trụ vật chất. Vật chất luôn vận hành, không ngừng nghỉ theo quy luật âm dương ngũ hành đó. Nếu những yếu tố cơ bản bị xáo trộn, âm dương không hoà hợp, sự quân bình sẽ không tồn tại.

Tìm hiểu thuyết ngũ hành trong phong thủy [Từ A - Z]

Kể từ Democristus thời Aristoteles cho đến ngày nay, một quan điểm đối lập về sự tồn tại của vật chất dưới dạng hạt xuất hiện: hạt nhỏ nhất là hạt cơ bản là nguyên tử (tiếng Hy Lạp: Atom có nghĩa là “không thể phân chia”). Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, quan điểm vật chất tồn tại dưới dạng hạt mới chiếm ưu thế. Từ đó người ta mới khám phá ra sự tồn tại của các hạt cơ bản nhỏ hơn cả ngàn lần, gọi là electron (điện tử).

Năm 1911, Ernest Rutherford khám phá ra cấu trúc bên trong của nguyên tử vật chất: bao gồm hạt nhân cực nhỏ mang điện tích dương gọi là Proton (nghĩa là đầu tiên) mà các electron quay quanh hạt nhân đó. Năm 1932, James Chadwick chứng minh có một hạt khác nữa, gần bằng Proton nhưng không mang điện tích, gọi là Neutron.

Năm 1960, Murray Gell-Mam phát hiện ra các phần tử tạo thành Proton và Neutron, đó là những hạt cực nhỏ được ông gọi là Quark. Khoa học còn phát hiện ra những hạt nhỏ nhất gọi là Neutrino đến mức các nhà vật lý cho rằng chúng hoàn toàn không có khối lượng. Hàng triệu hạt này được mặt trời gửi đi mỗi ngày, đi qua cơ thể của chúng ta như thể chúng ta không tồn tại.

Phần lớn thể tích nguyên tử là không gian trống rỗng. Nếu chúng ta phóng đại một nguyên tử để nó có đường kính là 195m thì hạt nhân (proton) ở trung tâm có kích thước bằng 1 hạt cát và đám mây điện tử xoay chung quanh hạt nhân ở khoảng cách 1 toà nhà (# 100m). Nói như thế để ta biết rằng thân xác vật chất của ta phần lớn là không gian trống rỗng trong khi ta lại nghĩ mình mang một khối vật chất đặc và kín.

Nhưng cái gì đã quy tụ chúng lại? Đó là tinh thần của con người. Cái gì đã định hình cho tất cả? Đó là tình yêu. Nếu tinh thần hay tình yêu của con người chúng ta không trong sáng tốt đẹp, chúng sẽ làm cho vật chất hỗn độn, mất đi sự quân bình phải có để tồn tại, ổn định, an lành. Đức Giêsu nói về điều này qua dụ ngôn về thức ăn vật chất đưa vào con người và những cái từ lòng người xuất ra làm cho người ta ra ô uế (x. Mc 7,14-23).

Khi con người cắt đứt mối liên lạc với Thiên Chúa là nguồn hiện hữu để rơi vào sự u mê, sai lầm thì con người không còn nhận ra cấu trúc kỳ diệu của mình với hồn và xác, những yếu tố có vẻ xung khắc của vật chất và tinh thần, của tự nhiên và siêu nhiên, của nội tâm và ngoại giới, của cá nhân và tập thể, để điều chỉnh và hài hoà trong đời sống. Con người cũng không nhận ra những nguy cơ nào đang đe doạ mối tương quan đối với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật. Con người cũng không nhận ra những thế lực nào đang ảnh hưởng đến sự tự chủ của mình đối với những ân huệ và giá trị mình có như thời giờ, các phương tiện vật chất, của cải, các tài năng tinh thần như lý trí, tình cảm, ý chí, và cả những ân huệ của Chúa Thánh Thần trong đời sống người tín hữu hay trong đời sống của người thánh hiến cho Thiên Chúa.

2.2. Con người đánh mất sự quân bình do cắt đứt mối tương quan với tha nhân

Hệ quả của việc cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là con người đánh mất sự quân bình trong tương quan với tha nhân, như Adam đã đổ tội cho Eva quyến rũ mình sa ngã (x. St 3,12) mà không còn nhận ra tha nhân là chính mình, là “xương thịt của mình” để cùng sống và chia sẻ tình yêu cũng như ân huệ của Thiên Chúa cho nhau (x. St 2,23-24).

Mối tương quan với tha nhân là nền tảng để xây dựng nên gia đình, cộng đồng xã hội, dân tộc và thế giới. Nhưng một khi thiếu sự quân bình, tất cả những tập thể trên đều bị ảnh hưởng do những xung đột, tranh chấp, bất hoà, nghi kỵ dẫn đến bất công, bất hạnh, bất chính, chiến tranh và sự huỷ diệt.

Để ngăn ngừa sự bất quân bình ấy, người ta đã đặt ra những luật pháp để buộc mọi thành viên phải tuân giữ, những hình phạt để sửa đổi những thành viên vi phạm, những quy định và tiêu chuẩn để giáo dục các thành viên kém ý thức. Vì thế, việc đào tạo giáo dục cũng như tuân giữ luật lệ là những phương tiện giúp con người quân bình trong đời sống xã hội.

Chúng ta thấy luật pháp đó được diễn tả trong mọi lĩnh vực của đời sống: từ Mười Điều Răn của Thiên Chúa, luật lệ của Giáo Hội, hiến pháp của đất nước, của tổ chức, của dòng tu, cho đến những kế hoạch, chương trình, thời khoá biểu của mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm … Chúng giúp chúng ta giữ được sự quân bình trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên của mình. Do đó, ta phải tuân giữ và thực hiện với tất cả ý thức và tự do thay vì với sự bất đắc dĩ và kém hiểu biết.

2.3. Con người đánh mất sự quân bình do cắt đứt mối tương quan với vạn vật

Hệ quả tiếp theo của việc cắt đứt mối hiệp thông với Thiên Chúa là con người đánh mất sự quân bình với vạn vật, không còn coi chúng là thành phần “bùn đất” trong cấu trúc thân xác vật chất của mình (x. St 2,7). Muôn loài không còn là những đứa em để con người yêu thương và coi sóc chúng với tinh thần của người anh chị lớn trong đại gia đình Thiên Chúa vì Chúa đã trao trách nhiệm cho con người “bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (x. St 1,28). Chính khi chối bỏ Thiên Chúa, con người làm cho “đất đai bị nguyền rủa” (x. St 3,17), môi trường sinh thái bị huỷ hoại, muôn loài phải chịu chung sự hư nát, chết chóc cùng với con người (x. Rm 8,19-23).

Sự mất quân bình này tiếp diễn trong suốt dòng lịch sử nhân loại và hình như càng ngày càng gia tăng.

Khởi đầu, con người thấy hổ báo, sấm sét, biển cả, mặt trăng với thuỷ triều, mặt trời với sức nóng, trái đất với các trận động đất… mạnh mẽ hơn mình nên đã bái thờ chúng như thần linh. Rồi với tinh thần cao quý, con người đã tìm ra những cách chế ngự được sức mạnh thiên nhiên nên lại coi chúng là đồ vô tri vô giác, khai thác cạn kiệt đến độ huỷ hoại môi trường sống của chính mình.

Nhờ những phát minh của khoa học hiện đại, con người bây giờ đặt mình là trung tâm và nghĩ rằng mình có thể giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Nhiều người đánh mất sự quân bình khi chối bỏ Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu để chỉ coi vật chất mới là giá trị thực tế cho sự sống vì nghĩ rằng “có tiền là có tất cả, có tiền thì mua tiên cũng được”. Chủ nghĩa tôn thờ vật chất lại xuất hiện dưới những hình thái mới trong hệ tư tưởng của tư bản hay cộng sản cũng như trong nền kinh tế thị trường.

Khi chạy theo một hệ tư tưởng độc đoán, người ta phải chối bỏ các lĩnh vực phong phú, đa dạng của con người và tức khắc con người mất quân bình. Hầu hết các dân tộc trên thế giới hiện nay đang ở trong tình trạng này vì khi tổ chức đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, người ta thường tổ chức chính quyền theo một hệ tư tưởng nào đó. Giáo hội Công giáo đã lường trước sự mất quân bình này và đã giới thiệu cho các tín hữu và những ai thành tâm thiện chí con đường sự thật và sự sống của Đức Giêsu để tìm được sự hài hoà và quân bình đời sống trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã Hội Công giáo.

Đại dịch Covid-19 kéo dài từ tháng 12 năm 2019 đến nay là một ví dụ cụ thể về sự mất quân bình trong đời sống con người.

Tính đến hôm nay, 16/3/2022, toàn thế giới đã có 460 triệu người nhiễm bệnh, 6,05 triệu người chết. Việt Nam có 6,55 triệu người nhiễm; 3,38 triệu người khỏi bệnh và 41.545 người chết. Trong đó có 865.417 người ở Hà Nội, 574.858 người ở Tp. Hồ Chí Minh, 344.145 người ở Bình Dương bị nhiễm (bản tin của Bộ Y tế, ngày 15/3/2022).

Dịch COVID-19: WHO khuyến cáo chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một đại dịch | baotintuc.vn

Nỗi lo sợ nhiễm phải dịch bệnh, chết chóc, phải ở yên trong nhà hay nơi cư trú để giãn cách xã hội trong nhiều tháng, không được giao tiếp xã hội như vui chơi, buôn bán, giải trí đã làm cho tâm trí nhiều người hoảng loạn. Hơn nữa, do không thể đi học, đi làm nên nhiều người chỉ biết mở các kênh truyền hình hay mạng xã hội để xem phim, nghe nhạc khiến cho tâm trí không còn thói quen suy nghĩ. Một số người rơi vào tình trạng nghiện những trò chơi trực tuyến, các phim ảnh đồi truỵ, những trò mê tín phổ biến trên các mạng xã hội khiến tâm trí vẩn đục và nô lệ cho các trò chơi tình dục thấp hèn. Có nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm, tâm thần hoang tưởng hay phân liệt.

Sức khoẻ thể lý con người cũng bị mất quân bình trầm trọng do ăn uống vô độ, ngủ nghỉ thất thường, do thiếu vận động vì không tập thể dục hay chơi thể thao. Một số người người bị nhiễm Covid-19 đã dùng những liều thuốc kháng sinh mạnh để diệt virus, và dùng các thuốc kháng viêm để ức chế hệ miễn dịch đã làm các men vi sinh trong hệ tiêu hoá bị huỷ hoại dẫn đến nhiều triệu chứng hậu Covid như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn chú ý, rụng tóc, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác, mất trí nhớ, đau khớp, mất ngủ, trầm cảm, rối loạn tiêu hoá, rối loạn nhịp tim, đau nhói ở ngực…

Chúng tôi đã tìm hiểu những triệu chứng này và giới thiệu những phương cách, thuốc men để phục hồi sức khoẻ cho người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta cần tìm hiểu quân bình thật sự là gì trước khi tìm cách chữa trị các triệu chứng mất quân bình đó.

3. Quân bình là gì? Đường hướng tìm lại sự quân bình

3.1. Quân bình là gì?

Theo Từ điểng Tiếng Việt 2013: Quân bình là cân bằng, ngang bằng nhau. Ví dụ như lực lượng hai bên ở thế quân bình.

Cân bằng, theo Từ điểng Tiếng Việt 2013:

– Ngang nhau, tương đương với nhau. Ví dụ: trọng lượng hai bên cân bằng nhau.

– Là trạng thái, trong đó các thế lực và xu hướng đều hoàn toàn loại trừ lẫn nhau. Ví dụ: con lắc đang ở vị trí cân bằng khi lực đẩy và lực kéo tương đương với nhau nên con lắc đứng yên.

Quân bình liên quan đến “cân đối”, “cân xứng”: nghĩa là ở trạng thái tương xứng hợp lý và hài hoà giữa các phần với nhau. Ví dụ như thân hình cân đối, cân đối cung và cầu, cân đối thu chi của doanh nghiệp.

Khi chúng ta nói đến sự quân bình trong đời sống con người, chúng ta thấy những yếu tố trong con người không phải là những định lượng cụ thể, những con số đơn thuần trong một bản thu chi, những thế lực rõ ràng có thể cân đo đong đếm. Nhưng đó là những yếu tố hoàn toàn khác biệt nhau về tính chất như thể xác và linh hồn. Đó là những xu hướng chi phối cá nhân hay tập thể, nội tâm hay ngoại giới, tự nhiên hay siêu nhiên. Đó là những ân sủng của Thiên Chúa, những khả năng của tinh thần, những phương tiện vật chất như tài sản, tiền bạc, đất đai.

Vì thế, quân bình chính là làm sao có thể sử dụng tất cả những thứ đó cách hợp lý và hài hoà trong cuộc sống để đạt được niềm vui, an bình và hạnh phúc. Quân bình cũng không bao giờ có ý nghĩa các yếu tố đó loại trừ lẫn nhau trong đời sống con người. Ví dụ như xác không thể loại trừ hồn hay hồn cũng không thể loại trừ xác vì như thế không còn là con người. Các xu hướng trong con người cũng không thể loại trừ nhau. Ví dụ như không thể chỉ nhận cá nhân mà chối bỏ tập thể, nhận ngoại giới mà chối bỏ nội tâm vì như thế là làm biến dạng con người.

Các yếu tố này không chỉ nhằm cân bằng với nhau ở mức thấp nhất và chỉ cần như vậy là đủ. Đối với những giá trị tinh thần thì không bao giờ có giới hạn và luôn mở ra tới vô biên. Không ai có thể nói yêu như vậy là đủ, vui như vậy là vừa, hạnh phúc như thế là được. Người ta luôn mong đạt đến độ tột đỉnh của chúng, nên ở đây sự quân bình chính là tạo điều kiện để các giá trị này đạt tới độ hoàn hảo, sung mãn.

Đối với các giá trị liên quan đến vật chất, đến thân xác được gắn liền với thời gian và không gian thì mức độ quân bình lại tuỳ thuộc vào trạng thái cân xứng với các yếu tố khác. Ví dụ: ta không thể ăn thật nhiều trong một ngày rồi nghỉ không ăn cả một tuần hay cả tháng như con trăn, con rắn, con gấu ăn rồi ngủ đông. Ta không thể đọc kinh, dự lễ liên tục trong một ngày, rồi không làm trong cả tuần, cả tháng, lấy cớ là chia đều ra thì số giờ kinh, giờ lễ vẫn tương đương nhau.

Nhiều người bị những lý thuyết âm dương chi phối nên từ cách ăn uống, đến sinh hoạt của họ đòi phải đủ hai yếu tố âm dương để quân bình đời sống. Nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi những sai lạc của phân tâm học nên đã cho rằng việc xem những phim ảnh đồi truỵ, thủ dâm hay sinh hoạt tình dục bừa bãi là những cách làm quân bình những đòi hỏi của bản năng và làm cho tâm trí được thư giãn, cân bằng.

Có những người lại bị những mặc cảm, ẩn ức chi phối dẫn đến tình trạng mất quân bình về tâm lý. Họ cổ vũ cho việc đồng tính luyến ái, chuyển giới, hôn nhân đồng giới nhân danh tự do của con người. Nhưng hầu như tất cả những sự việc này chỉ là tình trạng mất quân bình do con người tạo nên khi chiều theo những tham vọng và dục vọng.

Tạo Hoá đã dựng nên muôn loài trong sự hài hoà. Phân tích từng con người, ta thấy sự hài hoà đó trong mọi yếu tố và lĩnh vực. Phân tích từng nguyên tử vật chất, ta thấy có đủ âm dương. Sự quân bình luôn có sẵn trong muôn loài.

Nếu chúng ta đã chấp nhận những loài vật có sự đột biến gen để tạo ra những chủng loại đặc biệt, thì những người mang những yếu tố khác lạ ấy vẫn là những thụ tạo được Chúa yêu thương, được con người tôn trọng để họ vượt lên mọi mặc cảm và kỳ thị, giúp họ sống hoà nhập, quân bình với mọi người.

Một vài khác lạ trên thể xác con người có thể không hài hoà tương xứng với toàn thân, nhưng chúng chỉ là vật chất thay đổi không ngừng trong suốt đời người. Chúng chỉ được định hình bằng tinh thần của con người. Nếu chúng ta giữ được tinh thần trong sáng, cao thượng, thì những yếu kém kia sẽ biến đổi theo thời gian và sẽ có thể trở thành những dấu hiệu vinh quang như những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu Phục Sinh. Đó là ý nghĩa lời khuyên của thánh Phaolô: “Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống lại với Người. Nếu ta cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người”.

3.2. Đường hướng tìm lại sự quân bình đời sống

Khi hiểu được cấu trúc phức tạp, mầu nhiệm và nhân phẩm vô cùng cao quý của con người, ta sẽ thấy ngay đường hướng tìm lại sự quân bình đời sống tương đối đơn giản và dễ dàng cho những ai tin cậy vào Chúa và thể hiện tình yêu của Ngài.

Chúng ta được mời gọi nhìn vào Đức Maria như một gương mẫu đã thực hiện sự quân bình trong chính con người mình và đem lại sự quân bình cho nhân loại và vũ trụ. Đức Maria là “người xây dựng con đường Giêsu” khi mở lòng cho Chúa Thánh Thần để đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa vào trong con người mình và hình thành nên Chúa Giêsu cho đến khi sinh Người ra cho thế giới. Mẹ còn tiếp tục nuôi dưỡng Đức Giêsu cho đến khi Người hoàn thành con đường cứu độ bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Mẹ vẫn ở lại với Giáo Hội, để nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ hình thành nên thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu là tất cả những ai tin vào Người (x. Bài Suy niệm II).

Hình ảnh các thành viên gia đình Nazareth bối rối, lo sợ, buồn bã khi lạc mất Đức Giêsu diễn tả thực trạng đáng buồn của mỗi cá nhân và cộng đồng khi đánh mất sự quân bình trong đời sống. Họ làm thế nào để tìm lại? Bài Suy niệm III sẽ giới thiệu các đường hướng mới để đi cùng nhau trên “con đường hạnh phúc”.

Tuy nhiên, con đường đó là gì? Nguyên lý căn bản nào định hướng cho đường đời của ta để giữ được quân bình trong những biến động của đường trần? Bài Suy niệm IV sẽ trả lời câu hỏi đó.

Trong việc đi tìm sự quân bình đời sống, nhiều người trẻ chỉ nhìn về tương lai, trong khi người già ngồi mơ lại quá khứ. Nhiều người quên mất hiện tại để sống trọn vẹn từng giây phút của đời mình. Nhưng muốn sống được như thế, chúng ta phải biết tổ chức và quản lý ngày sống hôm nay cho tốt đẹp và hiệu quả để thống nhất đời sống của mình trong Chúa Giêsu Kitô. Bài Suy niệm V đề nghị ta điều đó và các phần thực hành sẽ giúp ta sống theo đó.

Đối với người tín hữu Kitô, chúng ta đã nhận lãnh một sứ mệnh cao cả, đó là làm chứng cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Mọi hoạt động của ta chỉ có ý nghĩa khi tập trung vào đó. Nó là điểm quy tụ mọi nguồn lực, ân sủng và mọi yếu tố trong con người ta để giữ được sự quân bình trong đời sống. Bài Suy niệm VI “Sứ mệnh tình yêu hôm nay” sẽ giới thiệu cho ta biết mình phải hành động như thế nào để hoàn thành sứ mệnh cao cả này.

Tuy nhiên, chúng ta thể hiện sứ mệnh đó bằng các sứ vụ gì? Chúng ta dùng những phương tiện, nguồn lực nào để thể hiện? Chúng ta tìm được ân sủng và sức mạnh ở đâu? Bài Suy niệm VII “Thực hiện sứ mệnh cứu độ” sẽ giúp ta nhận ra rằng sự kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần mới là nguồn lực căn bản cho các sứ vụ của mình. Đó là nguyên lý thống nhất đời sống như Công đồng Vaticanô II nhắc đến trong số 14 của sắc lệnh Chức vụ và Đời sống Linh mục:

“Việc thống nhất đời sống không thể thực hiện được nếu chỉ chuyên lo tổ chức các hoạt động bên ngoài của thừa tác vụ hoặc chỉ chú tâm thực hành các việc đạo đức, tuy dù điều này cũng giúp ích nhiều cho việc thống nhất đời sống. Các linh mục chỉ có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi thi hành thừa tác vụ theo gương Đức Kitô. Người đã dùng thứ lương thực là làm theo ý muốn và hoàn tất công trình của Đấng đã sai Người (x. Ga 4,34)”.

Lời kết

Trong tinh thần tham gia vào các hoạt động của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 theo chủ đề “Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông-tham gia-sứ vụ”, chúng ta cùng giúp nhau tìm lại sự quân bình để đời sống của người tín hữu tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.

HKK